- Chỉ có 15% đồng ý tổ chức 1 kỳ thi quốc gia cho 2 mục đích; 28% đồng tình rằng những thay đổi về thi cử nên thực hiện từ năm 2015. Đó là những kết quả đáng lưu tâm theo một khảo sát nhanh từ bạn đọc trên mạng, do VietNamNet thực hiện (từ 18/7- 24/7).


{keywords}

Bớt kỳ thi quốc gia nào?

Kết quả lúc 13h38 ngày 24/7 cho thấy, trong số 3.807 ý kiến tham gia bình chọn, có 12,82% đồng ý phương án "tổ chức riêng 2 kỳ thi quốc gia: thi tốt nghiệp và thi đại học". Phương án "Tổ chức 1 kỳ thi quốc gia, vừa xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học" nhận được 15,29% đồng ý. Đa số nghiêng về phương án "xét công nhận tốt nghiệp, tổ chức 1 kỳ thi tuyển sinh đại học", với 2.737 người đồng ý, chiếm tỷ lệ 71,89%.

Ủng hộ phương án "1 kỳ thi chung", GS.TSKH Trần Xuân Hoài - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý Ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) góp ý nên sử dụng cách tổ chức theo lối "3chung" của tuyển sinh ĐH hiện nay, điều chỉnh một số chi tiết kỹ thuật. Khi được hỏi ý kiến, nhiều giáo viên phổ thông và các phụ huynh cũng đồng tình với góc nhìn của GS Hoài.

Còn ông Bùi Việt Hà, một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục phổ thông lâu năm, Giám đốc công ty Schoolnet, cho rằng, do cách hiểu chưa chính xác về ý nghĩa, bản chất và định hướng của các kỳ thi này nên có nhiều ngộ nhận: kỳ thi tốt nghiệp thì không có chất lượng, còn kỳ thi tuyển sinh ĐH như hiện nay là có chất lượng. Từ đó, phổ biến cách nghĩ chỉ nên xét tốt nghiệp, còn nhà nước vẫn đứng ra tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học.Trong khi xu hướng tất nhiên của phát triển là các trường đại học, cao đẳng sẽ tiến tới chủ động tuyển sinh cho trường mình; cũng có nghĩa, về lý thuyết vai trò của kỳ thi tuyển sinh ở mức nhà nước như hiện nay sẽ ngày càng giảm đi. 

TS Vũ Thị Phương Anh cũng chia sẻ "dưới con mắt chuyên môn của một người được học về đánh giá giáo dục, tôi thấy quả tình không sao hiểu nổi lập luận: Giữ kỳ thi đại học, bỏ kỳ thi tốt nghiệp là bởi thi đại học là duy nhất nghiêm túc nên phải giữ lại, còn kỳ thi tốt nghiệp thì đằng nào cũng đậu gần 100%, thi làm gì".

Đã từng phân tích và trình bày quan điểm của mình ở nhiều kênh thông tin, bà Phương Anh nhận thấy "quan điểm của tôi là thiểu số".

Năm 2015, năm 2017 hay 20...?

Theo khảo sát "Thời điểm thích hợp để tổ chức 1 kỳ thi quốc gia" với sự tham gia trả lời của 1.050 người, có 27,43% đồng tình "ngay trong năm 2015". Đa số còn lại cho rằng, nên có một khoảng thời gian chuẩn bị tối thiểu là 3 năm kể từ khi chính thức công bố cách làm (hơn 62% chọn "mốc" 2017, còn lại không đồng ý). Điều này cho thấy sự thận trọng của dư luận trước một ý tưởng hối thúc đổi mới được dội từ bên trên.

Lần theo "lịch sử thi cử" trong khoảng 10 năm trở lại đây, ý tưởng tổ chức 1 kỳ thi quốc gia đã được khởi xướng từ sớm, nhưng đến nay vẫn là một ca "đẻ khó".

Công cuộc đổi mới thi cử được Bộ GD-ĐT "bắt tay" nghiên cứu từ năm 2004. Khi đó, việc tuyển sinh đã chuyển sang thi "3 chung" được 2 năm nhưng vẫn còn bất cập và cần phải cải tiến để giảm cồng kềnh, tốn kém.

Theo kế hoạch ban đầu, đề án cải tiến tuyển sinh sẽ thực hiện trong giai đoạn 2002-2007, với tính toán là năm 2007 sẽ có đại trà học sinh tốt nghiệp chương trình phân ban mới. Tuy nhiên, do điều chỉnh nên thực tế năm 2006 chưa thể có loại học sinh này, mà phải đến tận năm 2009. Chờ đến năm 2009 thì quá lâu nên dự thảo đề án đổi mới tuyển sinh lấy mốc thời gian sớm hơn và sẽ áp dụng từ năm 2006. Trong 5 phương án đưa ra, các thành viên ban soạn thảo tâm đắc hơn cả với phương án kết hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT với kỳ thi tuyển sinh ĐH thành 1 kỳ thi quốc gia.

Cuối năm 2007, Bộ GD-ĐT công bố và lấy ý kiến, với hy vọng năm 2008 hoặc 2009 sẽ thực hiện. Nhiều người đều nghĩ "1 kỳ thi quốc gia" sẽ được triển khai ở năm 2009 và sứ mạng “3 chung” đã chấm dứt. Tuy nhiên, trước những ý kiến phản biện của xã hội, rồi Chính phủ chưa thông qua, Bộ GD-ĐT lại đành hoãn “kế hoạch” này với chủ trương tiếp tục nghiên cứu, không xác định thời điểm áp dụng.

Cho đến ngày 12/12/2013 (sau khi Luật Giáo dục ĐH ra đời), Bộ GD-ĐT đã họp báo công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ 2014 và khẳng định 3 năm tới - tức là đến năm 2016 - sẽ tiếp tục tổ chức tuyển sinh “3 chung”.

Trong cuộc họp báo kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014 diễn ra ngày 10/7, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ công bố phương án cụ thể "1 kỳ thi quốc gia theo hướng vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ tuyển sinh ĐH" vào quý 3/2014. Lãnh đạo Bộ cũng thận trọng cho hay, chưa thể nói chính xác kỳ thi đổi mới đó sẽ bắt đầu khi nào.

Vài ngày sau, 15/7, trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD-ĐT xem xét phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH, CĐ theo hướng chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015.

Nhìn nhận về quá trình "thai nghén" này, TS Vũ Thị Phương Anh cho biết, thời cơ để bắt đầu triển khai 1 kỳ thi chung hiện nay thuận lợi hơn so với cách đây 4 - 5 năm.

Còn khi được hỏi về "thời điểm 2015", ông Lương Hoài Nam, một người dân quan tâm và có nhiều trải nghiệm về giáo dục các nước cho biết: "Tôi không có đủ thông tin để đánh giá được mức độ sẵn sàng của ngành giáo dục cho việc tổ chức một kỳ thi chung ngay trong năm 2015, đặc biệt là những khó khăn về chuyên môn".

Ông Trần Hinh, Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, bày tỏ đôi chút băn khoăn với tư cách một thầy giáo đã từng có gần 40 năm dạy học.

Đó là “dù có cải cách thi cử như thế nào, nếu không cải cách dạy và học cho tương hợp với thi cử thì cũng vô nghĩa. Tiếp xúc với một số học trò thi đại học, tôi thấy các em ấy tâm sự là hồi còn học cấp 2, họ thấy môn văn vẫn còn hấp dẫn, nhưng đến khi lên cấp 3 thì chán dần đi. Có lẽ,  do từ khi lên cấp 3, việc học của học sinh chỉ tập trung duy nhất vào thi đại học. Nỗi lo lắng thi cử đã khiến các em mất dần hứng thú với việc học các môn nói chung".

Ông Hinh cũng nói có thể áp dụng thay đổi "1 kỳ thi quốc gia" từ năm 2015, còn thời điểm thích hợp nhất để áp dụng rộng rãi "đề thi tích hợp các môn" thì nên làm trong khoảng 3 năm kể từ khi Bộ  GD-ĐT chính thức công bố rộng rãi ra bên ngoài”.

  • Nhóm phóng viên

********

Khảo sát chỉ có tính chất tham khảo và còn thay đổi kết quả. Hiện tại, khảo sát vẫn tiếp tục thực hiện. Bạn đọc có thể tham gia ở đây.