- Sáng 27/9, Báo cáo giải trình trước Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết tổng kinh phí cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau 2015 là 778,8 tỷ đồng.

Sẽ bỏ độc quyền biên soạn sách giáo khoa

Bộ trưởng Luận cho biết, đề án lần này sẽ đổi mới nhiều vấn đề của CT-SGK phổ thông, từ chuyển hướng dạy và học sang phát triển năng lực học sinh; đổi mới thi cử đến việc biên soạn SGK.

{keywords}
Trong một giờ học tiếng Anh theo chương trình của nước ngoài. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ sẽ xây dựng, thực nghiệm"chương trình giáo dục phổ thông", bao gồm cả chương trình chung cũng như các môn học.

Còn việc biên soạn SGK mới, sẽ thực hiện chủ trương "một chương trình, nhiều bộ SGK", trong đó chỉ có chương trình là "mang tính pháp lý" (hiện nay, cả chương trình và SGK đều "mang tính pháp lý").

SGK là một tài liệu quan trọng cùng với các tài liệu khác để học sinh học tập. Điều này theo ý giải của Bộ GD-ĐT là nhằm huy động được trí tuệ, sự sáng tạo của các tổ chức cá nhân trong biên soạn SGK, đáp ứng nhu cầu đa dạng của giáo viên và học sinh trong sử dụng SGK và các tài liệu; triệt bỏ độc quyền trong SGK; phù hợp với trình độ học sinh từng vùng miền.

Bộ sẽ biên soạn 1 bộ sách giáo khoa

Bộ GD-ĐT chủ trương bộ sẽ tham gia biên soạn 1 bộ SGK, các tổ chức cá nhân khác cùng tham gia nhằm chủ động được về SGK. Tuy nhiên, phương án này có thể làm các tổ chức, cá nhân e ngại không biên soạn SGK nữa, vì không muốn “đụng” vào SGK của bộ.

“Nhưng Bộ không chủ trương có một bộ SGK duy nhất, mà hướng tới có nhiều bộ SGK. Nếu Quốc hội đồng ý phương án này thì Bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để nói rõ việc Bộ chủ trì biên soạn 1 bộ SGK là nhằm tăng tính chủ động trong việc thực hiện CT-SGK mới, ít nhất là có 1 bộ SGK.

Việc Bộ làm 1 bộ SGK không ảnh hưởng đến việc có nhiều bộ SGK; các bộ SGK khác nều đáp ứng tiêu chuẩn đều được khuyến khích lưu hành trong trường học”, ông Luận nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết, phương án 2 là giao các tổ chức cá nhân biên soạn, Bộ thẩm định lựa chọn 1 bộ tốt nhất.  

Tuy nhiên, ý kiến của Chính phủ thiên về phương án 1, Bộ GD-ĐT chủ động biên soạn 1 bộ SGK, đồng thời tăng cường tuyên truyền để xã hội có thêm lựa chọn đối với các bộ SGK của tổ chức, cá nhân biên soạn.

Bộ trưởng cho biết, các trường sẽ thảo luận để lựa chọn bộ SGK cho từng môn học trên cơ sở ý kiến của giáo viên, Hội đồng chuyên môn, phụ huynh.

Ông Luận cũng cho biết, sẽ có riêng đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục phổ thông sẽ gắn với đề án đổi mới đổi mới đội ngũ giáo viên.

Sẽ bán đấu giá bản quyền SGK

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sau khi Bộ GD-ĐT biên soạn bộ SGK sẽ tiến hành bán đấu giá bản quyền để các Nhà xuất bản thực hiện kinh phí thu được từ bán bản quyền sẽ nộp ngân sách nhà nước.

Theo đó, cần khoảng 462 tỷ đồng để tập huấn cho đội ngũ biên soạn SGK, kể cả lực lượng của các tổ chức cá nhân viết SGK; thẩm định SGK; dự kiến trong thời gian đầu có 4 bộ của cả bộ và các tổ chức cá nhân.

Tuy nhiên,  462 tỷ đồng này chưa bao gồm kinh phí đào tạo lại đội ngũ giáo viên  cũng như hỗ trợ địa phương để thực hiện CT-SGK mới.

Bộ GD-ĐT cho biết cần thêm 316,8 tỷ đồng để biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương, ghi hình bài giảng phát trên mạng; hỗ trợ tập huấn cho giáo viên ở vùng khó khăn;

Như vậy, tổng cộng kinh phí để triển khai đề án CT-SGK mới là là 778,8 tỷ đồng . Trong đó, 504,4 tỷ đồng là ngân sách TƯ; 274,4 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Tuy nhiên, ông Luận cũng cho biết, có thể còn phát sinh thêm.

Khi nào học sách mới?

Giai đoạn 1 (tháng 1-2015 đến tháng 6-2017) sẽ chuẩn bị các điều kiện để xây dựng CT-SGK mới.

Giai đoạn 2 (tháng 7-2017 đến tháng 6-2018) sẽ xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện CT-SGK mới, bán đấu giá bản quyền bộ SGK do Bộ thực hiện.

Giai đoạn 3 (tháng 7-2018 đến tháng 12-2021) sẽ triển khai áp dụng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019.

  • Văn Chung