- Những tình huống mà các mẹ thấy khổ sở nhất, không biết phải xử trí như thế nào với con thường phát sinh ở những chỗ công cộng, ở nhà người khác. Những lúc như thế các mẹ luôn không biết nên quát con, nên phạt, hay cứ để con phá, về nhà xử sau.

Hình minh họa. Nguồn ảnh: parentconcensus

Nỗi đau khổ kinh niên của các mẹ là sợ những người xung quanh chê cười con hư, mẹ không biết dạy nên nhiều khi mẹ xử trí cũng thái quá (cả nuông chiều thái quá vì không muốn mắng/phạt con ở chỗ đông người và cả nghiêm thái quá, thay vì giảng giải thì mẹ phạt luôn cho nhanh).

Trước khi đi bất kỳ đâu mình cũng nói chuyện với con. Mình cho con biết xem con sẽ đi đến đâu và làm gì ở đó. Con sẽ tham gia chuẩn bị cho chuyến đi (đi chợ thì con viết shopping list, lấy túi; đi bác sỹ (BS) thì con mang theo sổ y bạ, giấy mời của BS; đi chơi thì con chuẩn bị đồ thích hơp). Mình cũng nói cho con biết trước những quy định ở chỗ mình đến (không ăn uống, nói chuyện khi đi nghe nhạc, không la hét, nói to ở nơi công cộng, không gây sự khi chơi với bạn cùng tuổi, nghe lời người lớn, không đòi mua những thứ không có trong shopping-list...).

Nỗi đau khổ kinh niên của các mẹ là sợ những người xung quanh chê cười con hư, mẹ không biết dạy nên nhiều khi mẹ xử trí cũng thái quá (cả nuông chiều thái quá vì không muốn mắng/phạt con ở chỗ đông người và cả nghiêm thái quá, thay vì giảng giải thì mẹ phạt luôn cho nhanh).


Sau khi đảm bảo con biết rõ hết những điều trên thì mình và con mới ra khỏi nhà. Ở nơi công cộng, nếu con làm sai, mình sẽ nhắc lại cho con biết luật lệ. Thường thì mình không phải nhắc nhiều vì con sẽ nhớ ra ngay và tự động chỉnh sửa ngay. Nhưng nếu có chuyện gì mới phát sinh (ở nhà không lường trước hết mọi thứ được) thì mình phải giải thích cho con. Tuy mất thì giờ nhưng mình vẫn giải thích (chứ không ngại người ta nhìn vào mẹ con mình).

Nếu con vẫn làm sai thì lúc này mình sẽ phạt. Đơn giản nhất là mang con về nhà. (Tuy có lỡ việc, mất vui nhưng nhiều lần mình vẫn phải làm như vậy). Mình cũng kiếm một chỗ cho con time-out. Nhiều khi con chỉ cần bình tĩnh lại, nghỉ ngơi một tí thì mọi chuyện lại đâu vào đấy. Phạt time-out không chỉ là phạt cho con nhớ mà còn là để con có thời gian nghỉ và bình tĩnh lại nữa.

Mình cũng nói chuyện với những người phụ trách (cô giáo, người phụ trách khu vui chơi, bố mẹ các bạn khác...) nhờ họ để mắt đến con mình. Những việc bọn trẻ làm sai thường có thể ngăn chặn được nếu người lớn để mắt sớm tới chúng và nhắc nhở chúng. Nếu con bạn cũng như con mình hay nghịch lại vụng về, có thể làm sai, hỏng, bạn nên nhắc trước chủ nhà cất bớt những đồ quý, đẹp để các con có thể chơi thoải mái hơn, không sợ làm đổ vỡ.

Người lớn không phải ai cũng có khả năng tổ chức, quản lý trẻ con. Nhiều khi họ cứ thả cho các con chơi cỡ nào chúng muốn xong rồi đến khi chúng làm sai hỏng thì lại mắng hay phạt. Như thế mình cho là không công bằng với các con. Vì thế, trước khi giao con cho một người lớn nào đó trông chừng, bạn nên nhắc họ trông chừng con mình nghiêm ngặt hơn hoặc là hỏi trước các quy định của họ để mình nói trước, dặn trước con mình.

Con càng lớn càng không thích đi cùng bố mẹ. Nếu con cảm thấy phải đi/bị đi thì nói chung là chuyến đi rất căng thẳng với cả mình và con. Nếu mình không thể làm con có cảm giác là nó được đi thì mình luôn cố gắng giải quyết xong việc càng nhanh càng tốt và cho con về. Trong lúc con chờ đợi, mình thường mang theo sách, đồ chơi, đồ ăn nhẹ cho con để con có việc làm trong lúc chờ mẹ.

Cuối cùng, mình chia sẻ kinh nghiệm mấu chốt của mình là kiên nhẫn. Những lúc xảy ra chuyện ở nơi công cộng, nếu mình mất kiểm soát thì mọi chuyện chỉ có xấu đi. Mình thường rất bình tĩnh và kiên trì giải thích cho con (và cả cho người khác nữa). Nhiều khi mình thấy mặt mình cũng... "dày". Con phá mà không la hét, nạt nộ hay phạt gì ghê gớm hết, cũng chẳng ngượng ngùng hay e sợ gì cả.

Nhưng mình nghĩ thằng con mình nó nghịch vậy, mình là mẹ nó không lẽ cứ ngập trong ngượng ngùng xấu hổ kinh niên. Thôi thì sai đâu sửa đó, ráng hạn chế cái sai tới mức tối đa mình có thể chứ cứ ngại, cứ sợ thì khéo mình và con không khi nào được ra đường.

  • Mẹ KiKi

Đây là kỳ tích của mẹ KiKi để thuần phục cậu con trai cá biệt của mình. Các mẹ Việt khác có những chiến công cũng như khó khăn gì trong quá trình nuôi dạy con, xin hãy chia sẻ với bạn đọc báo VietNamNet, theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn