- Nhân trường hợp "chiến công của mẹ Hổ", từ Canada, độc giả Nguyễn Hồng Phúc đã chia sẻ việc nuôi dạy con cái của mẹ Việt trong hải ngoại.

TIN BÀI LIÊN QUAN


Cách dạy dỗ của mẹ Việt xưa

Cha mẹ chúng ta đều là người Việt Nam, dù sống trong chiến tranh, nhưng nền tảng xã hội miền Nam vẫn dựa trên gia đình…Trong gia đình người cha là gia trưởng trụ cột, con cái luôn luôn vâng lời và nghe theo quyết định của người. Vâng lời cha mẹ từ lâu đã trở thành đạo hiếu của người Việt ta. Nhớ hồi còn nhỏ tôi đi học, sáng nào cũng khoanh tay và thưa:

“Thưa Ba, thưa Má con đi học”.

Chiều về cũng khoanh tay: “Thưa Ba, thưa Má con đi học mới về”

Cha tôi thường nói “đi thưa về trình”. Tôi không dám đồng tình với lối giáo dục như vậy, vì nó có ưu điểm nhưng cũng có khuyết điểm không kém. Khi sống ở xứ người tôi nhận ra rằng trẻ em Việt Nam quá nhút nhát khi gặp và đối xử với người lớn tuổi hơn mình…Nề nếp của một gia đình là điều quan trọng đối với quá trình phát triển và học hỏi của những người con.


Ảnh minh họa (Dân Việt)

Lúc còn bé con cái ngoan ngoãn vâng lời bố mẹ, vui chơi và thơ ngây, học hành chăm chỉ. Không có đứa trẻ nào sinh ra đã hư hỏng, chính môi trường và sự giáo dục của cha mẹ đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách trẻ em. Dần dần lớn lên trẻ em có thể chịu ảnh hưởng bạn bè khi đến lớp cuối Tiểu học, rất ít vì tuổi thơ trong trắng chưa biết dối trá và lường gạt. Sự dìu dắt của bố mẹ rất quan trọng trong giai đoạn này. Tôi may mắn được sinh ra trong một gia-đình bình dân với mức sống tạm ổn, có nghĩa là tất cả con cái đều được đến trường và đỗ đại học.

Vai trò người cha trong một gia đình Việt Nam là làm lụng vất vả kiếm tiền lo cho con cái. Người mẹ ở nhà lo chuyện tề gia nội trợ, v.v.v…Cũng có những gia đình trí thức khá giả, cha làm việc ngoài xã hội, đôi khi cũng giành thời giờ ra một ít quan tâm chăm lo việc học vấn của con cái. Trong trường hợp này, cha mẹ hay ép con mình phải học từ sáng đến tối khuya, ngay cả khi các em còn ở tiểu học và trung học. Họ thường bắt buộc con cái học ngay cả vào những kỳ nghỉ để mong con vào được các trường trung và đại học nổi tiếng. Vô tình cha mẹ là đồng phạm đánh mất quãng đời hồn nhiên của đứa trẻ.

Theo tâm lý người Việt mình thì cha mẹ rất ư hãnh diện về con cái. Con cái trong mắt họ bao giờ cũng là số một, chúng là thiên tài, là xuất chúng hơn tất thảy mọi người. Nếu có xấu thì cũng là đứa trẻ khác xấu hoặc nhà trường và thầy cô giáo không tốt chứ không chấp nhận con họ có tính cách xấu? Trong vài trường hợp điều này rất nguy hại và khiến đứa trẻ kiêu ngạo.

Theo tôi, trẻ con giao tiếp với mọi người theo cách mà chúng học được từ người lớn và gia đình, đặc biệt là những người gần gũi nhất như cha mẹ. Nếu cha mẹ là người luôn nóng giận, thiếu kiềm chế, trẻ cũng sẽ có suy nghĩ tương tự như hành động bắt nạt, nóng giận với những đứa trẻ khác, thậm chí là quay lại phản kháng với chính cha mẹ mình.

Trẻ sẽ nghĩ rằng, cách giao tiếp như thế là “bình thường”. Hơn nữa, khi giận dữ, không kiểm soát được hành vi của mình, cha mẹ có thể nói những câu nặng nề khó nghe, thậm chí còn đánh con cái thậm tệ. Điều này sẽ khiến con cái mất sự tôn trọng, đặc biệt khi sự giận dữ đó là vô cớ hay chúng ta còn gọi "giận cá chém thớt" mà con cái trở thành nạn nhân. Nhiều người cư xử thiếu công bằng đối với con cái, dù chúng chẳng làm gì có lỗi. Chúng ta đừng nghĩ rằng, bọn trẻ không hiểu gì về nỗi niềm của cha mẹ. Chúng rất thương bố mẹ và sẵn sàng làm cơn gió mát xoa dịu sự nóng giận của bạn. Các bé rất dễ bị tổn thương khi bị mắng oan.

Dù trẻ có thể không tập nhiễm tính cách từ cha mẹ thì tình cảm của trẻ cũng bị tổn thương, dẫn đến xa lánh, sợ hãi cha mẹ. Kết quả là cha mẹ sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vào giáo dục con cái.

Đạo Hiếu xưa

Xã hội Việt nam ngày xưa dựa trên căn bản đạo đức. Điều đó đi đôi với đạo làm người. Kinh nghiệm sống quý báu, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái chính là một trong những cơ sở để người xưa đưa ra đúc kết: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.

Câu ca dao ấy đã ăn sâu vào ký ức trẻ con, từ lớp tiểu học và tạo ảnh hưởng rất mạnh. Nó làm giảm một phần nào trách nhiệm về sự giáo dục của cha mẹ.

Vì sống trong tình trạng chiến tranh, kéo dài nhiều thế kỷ nên các em trai khi bước vào trung học đã được tự nhiên có một động cơ rèn luyện tính siêng năng và cố gắng bất thường trong việc học tập. Một phần vì đấng nam nhi lo lắng cho tương lai mù mờ nếu không thành công trong việc học và biết chắc chắn rằng ngưỡng cửa quân đội luôn rộng mở để đón nhận các em. Trong khi cha mẹ lo lắng và nhắc nhở các em gái về vấn đề trai gái, trốn học có thể ảnh hưởng đến việc học hành của các em. Nhiều gia đình khá giả dùng người giúp việc nhà để hộ tống các nữ nhi mỗi khi các cô ra khỏi nhà. Nhìn chung thì xã hội Việt Nam trước 75 không có nhiều vấn đề xã hội với các em gái vì đa số các em còn rất ngoan và vâng lời bố mẹ, học hành chăm chỉ:
“Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy…”

Theo tôi những phong tục tập quán trong xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng Nho giáo rất nhiều. Xã hội đặt nền móng trên vua chúa và thần dân, giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng và anh chị em.

Trong mối tương quan giữa cha mẹ và con cái trở thành nền móng chi phối các mối tương quan khác. Con cái bắt buộc phải yêu kính cha mẹ và thầy cô. Sự yêu kính cha mẹ bao hàm chẳng những lòng kính trọng mà còn ở sự phục tùng cha mẹ đến suốt đời. Xã hội rất tôn trọng tôn ti trật tự và không có sự bình quyền. Vì thế tình yêu cha mẹ đã chiếm 1 địa vị rất quan trọng và đã trở thành 1 tôn giáo. Chính vì thế ngày nay người Việt Nam theo đạo thờ tổ tiên. Trẻ em Việt được hấp thụ luân lý này ngay từ lúc ấu thơ. Ngay khi người ta lập gia đình, họ rất tôn trọng bố mẹ hơn cả vợ mình.
Ở Tây phương xã hội rất bình đẳng. Sau khi kết hôn (lấy vợ) tình yêu cha mẹ sẽ nhường cho tình yêu vợ chồng. Tình vợ chồng là thực tại và dâng hiến.

Với văn hóa truyền thống của người Việt Nam, ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý giáo dục con cái. Khi còn ở với bố mẹ, các em phải ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ. Con cái không phải lo lắng về vấn đề tài chính và chỉ lo ăn học thành tài. Các em không có sự lựa chọn nào khác như con cái ở hải ngoại - tự do ra ngoài kiếm tiền và sống tự lập ở tuổi trưởng thành…

  • Nguyễn Hồng Phúc (Canada)

  • Bài 2: Thế hệ chúng ta dạy con như thế nào?