-Tỷ lệ tốt nghiệp của các địa phương lần lượt được công bố với kết quả cao, còn ông lại thở dài, buồn ngậm ngùi. Buồn vì với một người làm thầy giáo, rồi làm cán bộ quản lý giáo dục lâu năm, ông hiểu sâu sắc một điều, kết quả đó còn nhiều điều đáng nghĩ.

Thí sinh trong phòng thi tốt nghiệp năm học 2010 - 2011. Ảnh: Văn Chung

Càng cao, càng buồn


Cận đến ngày công bố điểm thi tốt nghiệp, nguyên cán bộ quản lý giáo dục của một địa phương ngậm ngùi chia sẻ, kết quả năm nay rồi sẽ cao hơn năm trước.

Đúng như dự đoán của ông và nhiều người,
kết quả được công bố cao chót vót như trúng mùa bội thu. Hầu hết đều đạt mốc hơn 90 (tỷ lệ 90%), nhiều trường gần mốc 100. Hàng trăm trường có tỷ lệ đỗ 100%. Hệ GDTX cũng không kém cạnh, nhảy ngoạn mục với kết quả đỗ nhiều nơi tăng 30-40%.

Với ông – một “chủ soái” dạn dày kinh nghiệm trận mạc thi cử - thì kết quả này nhiều nơi không thực chất.


Ông hiểu rõ rằng, dù địa phương có nỗ lực đến đâu, cố gắng thế nào thì năm trước, năm sau, tăng được khoảng 5-7% là nhiều. Vậy nhưng, nhiều nơi vẫn tăng đến 30-40%.


Ngày huy hoàng không trở lại


Ông ngậm ngùi nhớ lại năm 2007, toàn ngành giáo dục hào hứng lao vào cuộc vận động “hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục).

Nó như một luồng gió mới, thổi bung đi bao nặng trĩu trong lòng ông và các đồng nghiệp tâm huyết. Nó đã giúp ngành giáo dục nhìn nhận ra được bản chất của vấn đề.


Hừng hực khí thế, ông bắt tay vào làm ráo riết với quyết tâm phải làm để các thầy cô giáo được dạy thực và học trò chuyên tâm học hành.

Ông biết, nhiều người mong muốn như vậy, vì nghĩ đến thành quả này sẽ là trái ngọt cho thế hệ xây dựng đất nước mai sau.

Kết quả là, địa phương của ông đỗ rất thấp, giảm đến mấy chục phần trăm so với trước đó.

Ông chấp nhận và thấy mừng khi được làm thật. Nhiều giáo viên và cán bộ quản lý cũng phấn khởi ra mặt. Phải đau một lần để “khẳng định” vị thế “giáo dục là quốc sách”. Để được dạy thật, học thật và thi thật.

Nghĩ thế, nhưng trong sâu thẳm, ông lại thấy lo lắng. Lo rằng điều này khó mà tồn tại khi mà nhiều phụ huynh, học sinh không hài lòng, lãnh đạo địa phương trách cứ.

Câu chuyện của một đồng nghiệp địa phương khác khiến lòng ông đắng chát.


Ông bạn này đã phải muối mặt chịu trận những lời chỉ trích của lãnh đạo địa phương khi tỷ lệ đỗ quá thấp.


Đến mức, sau các cuộc họp lãnh đạo Sở, ban ngành, ông bạn này đều tìm cách “lẩn” cửa sau ra về thật nhanh mà không dám đứng lại bắt tay hay trò chuyện với ai. Ông không chịu nổi những ánh nhìn thương hại và cả “giễu cợt”.


Điều này tiếp tục được minh chứng khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp năm 2010, ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương đã phải đối mặt với HĐND tỉnh.

Thậm chí, ông Phương còn sẵn sàng từ chức khi bị một số đại biểu chỉ trích rằng “đầu tư vào giáo dục tăng cao mà các con số thống kê chẳng đẹp tí nào” khi so sánh kết quả tốt nghiệp với tỉnh láng giềng.


3 dễ: đề thi, coi thi, chấm thi?


Mỗi kỳ thi qua đi, lòng ông càng thêm trĩu nặng. Để có được kết quả đẹp, xuất hiện những khe hở ngày càng lớn mà người trong ngành lâu năm như ông dễ dàng nhận ra.

Nhiều học trò của ông đang là giáo viên tìm đến ông ngậm ngùi chia sẻ: “
Đành để nước chảy bèo trôi thôi thầy ơi!”.

Bởi, có làm chặt, nhưng phòng khác lại lỏng. Tỉnh mình chặt, tỉnh khác lại lỏng.


Làm chặt trước mắt học sinh mình “thiệt”, phụ huynh ca thán, lãnh đạo cau mày, còn mình không được ghi nhận gì cả. Ông trăn trở lắm!


Tình cảnh này, cũng khó mà trách các giáo viên. Họ tự nhận thấy không thể đi ngoài quỹ đạo, không dám lên tiếng vì cũng không thể giải quyết được. Chưa kể, không may vạ miệng, mất “miếng cơm manh áo”.

Nhiều giáo viên bức xúc quá thì đành cáo ốm để xin nghỉ. Họ chia sẻ rằng, rất sợ đi coi thi, chấm thi vì quá chán nản với cảnh tiêu cực và lộn xộn.


Năm nay, vắng thầy Đỗ Việt Khoa, nhưng đã có các giáo viên ở đồng bằng sông Cửu Long dũng cảm đưa ra văn bản thoả thuận chấm của 11 tỉnh miền Tây trên tinh thần “có chữ là có điểm” và “thoả thuận để cho điểm vô tư”.

Lập tức, tối thứ 7 (18/6), khoảng 22h, Bộ GD-ĐT
nhanh chóng phản hồi “sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh và nếu phát hiện sai phạm sẽ nghiêm túc xử lý theo quy chế”.

Ông lại ngẫm về điều này. Vì ông còn nhớ, chỉ 1 năm sau khi diễn ra kỳ thi với tinh thần “hai không”, một số địa phương đỗ thấp đã có tỷ lệ tăng đột biến, gấp 3-4 lần năm trước. Bộ có nói sẽ tổ chức đoàn thanh tra đi chấm thẩm định. Kết quả thế nào, không được công bố. Chỉ biết rằng, những năm sau cũng thanh tra và kết quả thi đến nay tăng ngất ngưởng.


Khi còn đương nhiệm và cả sau này, ông - người cán bộ quản lý tâm huyết - đã nhiều lần ý kiến, hãy giao việc tổ chức thi cử về cho địa phương. Bộ GD-ĐT chỉ cần lên cơ chế kiểm tra, giám sát nghiêm túc và có thể lấy thước đo là số thí sinh vào ĐH, CĐ. Còn tổ chức kỳ thi quốc gia này mỗi địa phương chỉ loại đi vài nghìn em, thậm chí vài chục em mà đổ tiền tỷ, thấm chí hàng chục tỷ đồng ở những địa phương đông học sinh và bao công sức vào đó thì thật là lãng phí.

Hơn nữa, nếu thi cử thế này, học trò sẽ không học, thầy cô khuyên không có tác dụng vì học kém cũng vẫn “phải” đỗ.


Ông thấy buồn lắm, ngậm ngùi: “Hai không mất hẳn rồi, và không bao giờ có thể lấy lại được!”.


•   Bảo Anh