- Đưa môn Lịch sử ra khỏi môn thi bắt buộc của kỳ thi ĐH “ba chung” không phải là sự rút lui của môn sử ra khỏi kỳ các thi đại học, mà là đưa môn sử trở lại đúng vị trí cần thiết của nó là khoa học chuyên ngành và liên ngành.


Đây là đề xuất của PGS. TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQG TP.HCM xung quanh sự kiện “điểm thi môn Lịch sử thấp” đang gây ồn ào dư luận hiện nay. Dưới đây phân tích của GS, VietNamNet mời bạn đọc tham khảo và thảo luận.



Thí sinh dự thi khối C kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011. Đề thi ĐH năm nay được các giảng viên lịch sử nhận xét là "hay và đắt, học sinh học vẹt khó có thể làm bài với mức điểm trung bình". Ảnh: Lê Anh Dũng
Thi đại học: Đã đến lúc bất cập

Theo tư liệu báo chí, năm 2011, cả nước có gần 2 triệu hồ sơ đăng kí dự thi vào ĐH, CĐ; trong đó, khoảng 1,5 triệu hồ sơ đăng kí thi ĐH (chiếm 74,9%), gần 500.000 hồ sơ thi CĐ (chiếm 25,10%).

Hồ sơ đăng kí dự thi khối A gần 1,1 triệu (chiếm 55,2%), khối B với 381.503 (chiếm 19,4%), khối D có 304.480 (chiếm 15,5%), khối C có 125.264 (chiếm 6,40%), các khối khác 68.768 (chiếm 3,50%).

Các khối thi với tỷ lệ không cân đối như thế cho thấy xu hướng tập trung phần lớn sự lựa chọn ngành nghề vào các khối ngành KHTN, KHKT (75%), KHXH chỉ hơn 6%.

Tỷ lệ này và xu hướng này là tất yếu đối với một đất nước đang phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, phản ánh đúng nhu cầu của phát triển của nền kinh tế-xã hội đang rất cần phát triển những ngành nghề kinh tế, ứng dụng KHKT, công nghệ…

Nó là cơ sở của tương lai đất nước phát triển trở nên giàu mạnh. Và trong xu thế tất yếu có tính quy luật như thế, khối ngành KHXH phải hiểu đúng nghĩa là cần “kén chọn” chứ không phải là nơi “chuột chạy cùng sào”.

Trong một đất nước đang phát triển, để học tốt ở bậc đại học bất kỳ ngành học nào, kể cả tự nhiên và xã hội, cũng cần người học là thí sinh giỏi, có tư duy tốt, biết cảm thụ, giàu lòng nhân ái, biết suy nghĩ đúng và hành động đúng, có kỹ năng và khả năng làm việc. Chính trong điều kiện đó, quá trình đó, nền đại học sẽ sản sinh ra hiền tài làm “nguyên khí” của quốc gia.

Đã đến lúc phải chỉnh lại “ba chung” như thế thành một kỳ thi quốc gia với chỉ 1 đợt thi (cố định hàng năm), chỉ 1 khối thi (Toán-Văn-Anh), cộng 1 môn thi chuyên ngành (tùy theo từng loại trường, tự chủ theo yêu cầu của từng trường, thậm chí xét tuyển từ kết quả học phổ thông). Có thể hiểu, kỳ thi quốc gia ấy là “Thi đại học khối D+”, trong đó phần tổ chức quản lý của nhà nước chung (Bộ) là phần khối D+ (75%), phần của từng trường là phần + (25%).

Như thế, thật là cần thiết và phù hợp với lịch sử khi nhà nước nắm lấy giáo dục và thực hiện đúng vai trò chức năng nhà nước để tổ chức nền giáo dục quốc gia, lấy đào tạo đại học làm căn bản để sản sinh ra hiền tài làm “nguyên khí”.

Việc tổ chức thi đại học ở Việt Nam ngày nay nếu so với yêu cầu mục đích của tư tưởng căn cơ ấy của lịch sử nền giáo dục nước nhà, thì có thể yên tâm để kiên định với “ba chung”.

Bởi “ba chung” không chỉ là thể diện quốc gia mà còn là cách thể hiện vai trò chức năng của cơ quan nhà nước trong tổ chức quản lý đào tạo bậc đại học; bởi thực tế “ba chung” đã tạo ra mặt bằng sàn như là chuẩn mực chung, bậc thềm chung, nấc thang chung đầu tiên để mọi người bước đến khi tham gia quá trình đào tạo bậc đại học; bởi trên cơ sở “ba chung”, các đại học đã sử dụng để tự nhận biết được đầu vào của mình như thế nào khi thực hiện quá trình đào tạo.

Nhưng “ba chung” ấy đã đến lúc phải thể hiện đúng nội dung và bản chất đích thực của nó, chứ không thể chỉ là hình thức thể hiện bề ngoài như bấy nay.

Chung đề thi nhưng nhiều khối thi và do đó cũng nhiều đề thi thì khó có kết quả sàn chung. Chung đợt thi nhưng thực chất 3 đợt, từ chỗ gây tốn kém và mệt mỏi, đưa đến sự suy giảm ngày càng nhiều ý chí đồng tình chung của xã hội.

Chung kết quả thi nhưng không thể chung chỉ tiêu và tiêu chí tuyển sinh của tất cả các đại học trong lúc hệ thống đại học Việt Nam ngày càng phình to và đa dạng.

Đã đến lúc phải chỉnh lại “ba chung” như thế thành một kỳ thi quốc gia với chỉ 1 đợt thi (cố định hàng năm), chỉ 1 khối thi (Toán-Văn-Anh), cộng 1 môn thi chuyên ngành (tùy theo từng loại trường, tự chủ theo yêu cầu của từng trường, thậm chí xét tuyển từ kết quả học phổ thông). Có thể hiểu, kỳ thi quốc gia ấy là “Thi đại học khối D+”, trong đó phần tổ chức quản lý của nhà nước chung (Bộ) là phần khối D (75%), phần của từng trường là phần + (25%).

Môn Lịch sử chỉ nên là môn chuyên ngành trong thi tuyển sinh đại học

Báo Tuổi Trẻ ngày 26-7-2011 chạy trên trang nhất dòng tin: Điểm thi môn sử thấp không ngờ, rằng chưa năm nào điểm thi môn sử lại thấp như thế, rằng đáng báo động về bài thi môn sử điểm quá thấp…

Một số báo còn cung cấp những thống kê số liệu


ĐH Tôn Đức Thắng có 1/288 bài thi môn sử đạt điểm 5, hơn 99,6% số bài thi có điểm dưới trung bình.
ĐH Đà Nẵng có đến 477 bài thi 0 điểm và tổng số bài thi môn sử dưới 5 điểm là 2.448 bài, chiếm đến 99,23% tổng số bài thi môn sử; chỉ 1 bài thi được 7,75 điểm
 ĐH Quảng Nam, có đến 99% thí sinh có điểm thi môn sử dưới trung bình. Có 9/900 bài thi môn sử đạt điểm 5 trở lên
 ĐH Tiền Giang, hơn 98% thí sinh có điểm thi môn sử dưới trung bình, chỉ có 5/ 253 bài thi môn sử đạt điểm từ 5 trở lên, chiếm 1,97%, điểm cao nhất là 5,25 điểm
 ĐH Đà Lạt có 34/1.564 bài thi môn sử đạt từ 5 điểm trở lên, gần 98% thí sinh có điểm dưới trung bình
 ĐH Văn hóa TP.HCM có 3,6% thí sinh đạt điểm môn sử từ 5 trở lên
 ĐH Quy Nhơn, điểm thi môn lịch sử có 4,1% trong tổng số 2.547 thí sinh đạt điểm trung bình trở lên
 ĐH Sài Gòn có 116 bài thi môn sử đạt điểm 5 trở lên chiếm 5% trong tổng số gần 2.300 thí sinh dự thi
 ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP. HCM số bài thi môn sử đạt từ 4,5 điểm trở lên chiếm khoảng hơn 10%, trong đó có 18/3207 bài đạt điểm 8-9 (có 1 bài đạt điểm 9,25)


Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, hồ sơ đăng kí dự thi khối A gần 1,1 triệu (chiếm 55,2%), khối B với 381.503 (chiếm 19,4%), khối D có 304.480 (chiếm 15,5%), khối C có 125.264 (chiếm 6,40%).
Đâu là nguyên nhân?

Điểm thấp một phần do đề thi năm nay tương đối khó: Các câu hỏi không tập trung vào một bài cụ thể nên thí sinh phải nắm vấn đề mới có thể làm tốt.

Điểm thấp một phần do đề thi năm nay tương đối khó
Nhiều bài thi, thí sinh làm hết các câu nhưng mỗi câu chỉ làm được một ít chứng tỏ các em học vẹt, không hiểu vấn đề nên làm bài không được. Trong khi đó, cũng có những bài đạt 8, 9 điểm chứng tỏ học sinh có khả năng học sử rất tốt. Đề sử đòi hỏi học sinh phải nắm kiến thức một cách có hệ thống, không có cơ hội cho những học sinh học vẹt, học tủ, phải hiểu bài mới chọn được những sự kiện để trả lời đúng theo yêu cầu câu hỏi; thuộc bài chỉ đáp ứng 40% yêu cầu đề thi.

Thực tế là năm nào không thi tốt nghiệp môn lịch sử tất yếu kết quả thi ĐH môn sử năm đó sẽ thấp; các môn khác trong tình trạng ấy cũng vậy.

Suy cho cùng, đó là một trong những hậu quả của bệnh thành tích. Môn sử là môn khó trong các môn xã hội do phải nhớ nhiều sự kiện, mốc thời gian.

Thí sinh không được trang bị có hệ thống ngay từ đầu năm học thì thời gian ngắn ngủi còn lại từ sau khi thi tốt nghiệp đến khi thi đại học (khoảng gần 2 tháng) học sinh giỏi và học thuộc lòng không sót từ nào cũng khó mà có một bài thi môn sử đúng chất lượng, đúng yêu cầu.

Thi tuyển sinh vào đại học để chọn người có khả năng học-hiểu, nghiên cứu-giảng giải, nắm lý thuyết-thực hành một ngành khoa học, thậm chí một chuyên ngành khoa học (ngành hẹp)

Như thế, không nhất thiết tất cả các ngành KHXH&NV như bấy lâu nay phải thi môn sử trong khối C truyền thống, chỉ một số ngành thi theo khối D1+sử là thích hợp với quá trình đào tạo bậc đại học. Môn sử có thể trở thành 1 môn thi cho một số ngành cần thiết phải có kiến thức nền tảng là khoa học lịch sử, chẳng hạn như văn, sử, triết, chính trị, văn hóa…

Thi môn sử như thế phải có yêu cầu cao hơn chứ không chỉ như bây giờ đã coi là đề thi “khó” hoặc “tương đối khó”.

Thực tế đề thi năm nay chỉ mới khó ở 1 điểm: phải suy luận từng câu chữ chặt chẽ của đề bài để có câu trả lời đúng nhất.

Đáp án của các câu trong đề thi đều rất dễ, thậm chí rất đơn giản, hoàn toàn có trong sách giáo khoa, vẫn giữ nguyên yêu cầu như trong sách giáo khoa là trả lời sự kiện thuần túy, không hề đòi hỏi suy luận.

Đề thi môn sử chuyên ngành vào đại học phải khó hơn hiện nay, là điều kiện đầu tiên để vào đại học chuyên ngành, đòi hỏi tư duy học hiểu đúng chứ không phải học thuộc nhớ.
Đáp án như thế chỉ thuần túy học thuộc, chưa khó bằng những năm 70-80. Những bài điểm 8-9 năm nay chưa thể đạt được mức độ hay như bài điểm 6-7 thời kỳ ấy, lúc điểm chuẩn vào tổng hợp sử cao nhất trong các điểm chuẩn khối KHXH và không thấp hơn bất cứ điểm chuẩn nào của các đại học Việt Nam.

Đề thi môn sử chuyên ngành vào đại học phải khó hơn hiện nay, là điều kiện đầu tiên để vào đại học chuyên ngành, đòi hỏi tư duy học hiểu đúng chứ không phải học thuộc nhớ.

Như thế, không phải là sự rút lui của môn sử ra khỏi kỳ các thi đại học, mà là đưa môn sử trở lại đúng vị trí cần thiết của nó là khoa học chuyên ngành và liên ngành. Đó là sự tiếp tục trên cơ sở nền kiến thức về lịch sử bậc phổ thông đã đạt mức cơ bản.

Thế nào là cơ bản? Từ năm 1942 mở đầu “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ đã viết: “Dân ta phải biết sử ta; cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Làm sao để tường?

Môn lịch sử trước đây được học ở cả 3 cấp (I, II, III), về sau (từ sau giải phóng đến nay) chỉ dạy từ trung học cơ sở (lớp 6) trở lên. Có thể chấp nhận như vậy, nhưng sẽ có một số câu chuyện dài về 3 vấn đề nhận thức và hành động:

- Chương trình phải bố trí lại
- Sách giáo khoa phải điều chỉnh lại
- Phải coi quốc văn - quốc sử - quốc đồ là 3 trong 9 môn học chính thức trong chương trình phổ thông.

Cuối cùng là một quan niệm vừa cũ, vừa mới: Đã học là phải thi (kể cả thi hết môn và thi cuối cấp) không bỏ môn nào; không nên chọn môn thi tốt nghiệp phổ thông như hiện nay và tốt nhất chỉ nên coi kỳ thi này là kỳ thi cuối cấp, trong đó môn sử là 1 trong 9 môn thi bắt buộc, cố định.

TP.HCM, ngày cuối Tháng Bảy năm 2011

  • PGS.TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc ĐHQG TP.HCM

ĐH Cảnh sát: Gần 50% bài thi sử dưới điểm 2
Kết quả thi của ĐH Cảnh sát nhân dân, trong 3 môn thi khối C, mặt bằng điểm môn Lịch sử khá thấp, số thí sinh có điểm trên 5 chiếm ở mức khiêm tốn là 340. Có đến 4.381 bài thi môn sử mức điểm dưới 2.
 
'Trả lương 3.000 USD, nhiều em sẽ theo sử'
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói, nếu có doanh nghiệp cam kết thí sinh thi nhất môn sử, trả lương 3.000 USD mỗi tháng thì sẽ có nhiều em theo sử.
 
Vì sao tôi bỏ nghề dạy sử?
Đã từng là một học sinh thi đỗ đại học với điểm môn sử là 9/10, tôi hoàn toàn có thể tự hào vì có niềm đam mê môn học này. Sau 2 năm đi dạy, tôi đã quyết định bỏ nghề và chuyển sang hướng khác.
 
Vì sao chúng em ngán học Lịch sử?
Sau khi kết quả thi ĐH được công bố, ai cũng bất ngờ với điểm thi môn Lịch sử: hàng nghìn điểm 0 và phổ điểm tương đối thấp, phần lớn là 2,3. Còn em...
 
Bộ trưởng nói gì về toán 'ngã ngựa', sử điểm 0?
Chúng ta hô hào học sinh phải học ngoại ngữ, tin học, nên nếu những môn như lịch sử, ngữ văn nếu kết quả thấp một chút thì cũng đừng coi là thảm họa, quy đó là cái tội. Chúng ta không nên phê phán một chiều.
 
Đề sử: Sĩ tử dễ thành 'tử sĩ'
Cầm đề thi ĐH môn Lịch sử trên tay, thầy Khuất Duy Dũng, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam hào hứng: "Khó, nhưng thực sự đề thi năm nay khá hay".

**********************************
Ý kiến của các bạn về vấn đề này, xin gửi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn!