- Nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp học sinh ở Bắc Giang dùng bút quay lại hình ảnh tiêu cực trong phòng thi, ở chừng mực nào đó em đã có công tố cáo. Các em đã thay mặt thí sinh để nói lên phản ứng của giới trẻ trước những thông tin toàn màu hồng nhưng thực tế lại khác.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Hai thầy trò quay clip tiêu cực ở Bắc Giang lo lắng
Học sinh quay clip tiêu cực, Giám đốc Sở nói gì?
Tiêu cực thi tốt nghiệp ở Bắc Giang: Đình chỉ chủ tịch hội đồng
Lãnh đạo huyện ở Bắc Giang nhận trách nhiệm
Công an Bắc Giang làm việc với học sinh quay clip
Bộ GD-ĐT yêu cầu Bắc Giang công khai kết quả xử lí
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: "Phản ứng trước những báo cáo tô hồng"
Theo thông tin báo chí nêu thì clip đã thể hiện rõ việc quay cóp diễn ra rất công khai dưới sự chứng kiến, tiếp sức của các giám thị bên trong cũng như bên ngoài phòng thi. Bản thân tôi đã nhiều năm tham gia công tác giáo dục thì thấy đấy là một hiện tượng không thể chấp nhận được. Gian lận như vậy, kết quả thi sẽ không trung thực, làm mất sự công bằng với các học sinh không quay cóp. Đặc biệt, nó tạo ra một hình ảnh rất phản cảm đối với các học sinh khi nhìn thấy những giám thị coi thi - các thầy cô giáo - mà lại có xử sự như vậy.
|
|
Đối với hai thí sinh quay clip thì có thể các em đã vi phạm quy chế thi. Nhưng trên hết, điều đó cũng thể hiện là các em đã nhìn thấy có rất nhiều vấn đề trong thi cử khác với thông tin báo cáo của các cơ quan chức năng. Các em này đã thay mặt thí sinh để nói lên phản ứng của giới trẻ trước những thông tin toàn màu hồng nhưng thực tế lại khác.
Theo tôi, vì thế khi xử lý thì nên tạo cơ hội, mở ra những con đường cho các em
phát triển trong thời gian tới. Các em ấy cũng có thể lựa chọn cách hành xử khác
như là báo cáo, trao đổi với một người nào đó mà các em tin tưởng. Nhưng qua
việc này cũng có thể các em không cảm thấy tin tưởng vai trò của các thầy cô
giáo xung quanh các em, đấy là điều đáng suy nghĩ.
Riêng các giáo viên, giám thị đã tham dự vào hoạt động gian lận thì phải xử lý
nghiêm và công bố rộng rãi trong toàn ngành giáo dục để mọi người thấy đấy là
việc xấu. Cả hội đồng thi ấy cũng phải chịu trách nhiệm và phải xử lý nghiêm.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội): "Quản lý yếu kém nên học sinh mới phải quay clip"
Việc các cơ quan chức năng, nhất là ngành giáo dục xử lý học sinh quay clip tiêu cực trong thi cử ở Bắc Giang là việc cần phải xem xét thấu đáo. Bởi để xảy ra tình trạng trên, lỗi trước hết thuộc về ngành giáo dục khi quản lý quá yếu kém, dẫn đến tràn lan tiêu cực trong thi cử. Hơn nữa, thực trạng này đã diễn ra nhiều năm, dư luận hết sức bức xúc nhưng quản lý vẫn không kiên quyết làm khiến các em học sinh mới phải phản ứng lại bằng cách quay clip để “tố cáo” tiêu cực.
Chiếc bút do học sinh ghi lại hình ảnh tiêu cực tại Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang. |
Do đó, trong vụ việc trên, ngành giáo dục phải thấy rằng việc quay clip có thể vi phạm quy chế thi cử nhưng việc quay không gây ảnh hưởng, tác động đến tâm lý làm bài thi của các thí sinh. Hơn nữa, nó cũng không phải là phương tiện để giúp người quay sao chép bài thi… Vì thế, việc xử lý người quay clip chỉ nên dừng ở biện pháp nhắc nhở
Hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân (Hà Nội) Đặng Đình Đại: "Cần nhìn thẳng vào sai phạm..."
Nói trên báo Tuổi trẻ TP.HCM thầy Đại cho rằng, việc cần làm ngay bây giờ là nhìn thẳng vào những sai phạm và thực trạng của cách tổ chức thi cử hiện nay. Việc truy vấn, xử lý thí sinh bây giờ không quan trọng bằng việc rà soát tất cả những người có liên quan, sai phạm trong việc tổ chức thi, đặc biệt là kiểm điểm lại trách nhiệm của người chỉ đạo, người quản lý.Theo quan sát của ông thì tình trạng thi cử không trung thực không chỉ xuất hiện tại Bắc Giang. Bởi, một chuyện vừa xảy ra ngay trong kỳ thi năm nay khi giám thị tại một hội đồng coi thi ở Q.Long Biên, Hà Nội đã phát biểu công khai bày tỏ sự bất bình tại hội đồng rằng mình chưa được trường sở tại đón tiếp chu đáo như ở điểm thi khác. Giám thị này cho rằng mình đại diện cho tiếng nói của nhiều giám thị khác để nói lên nỗi bức xúc đó.
“Tôi thấy xấu hổ khi nghe chuyện này. Và giật mình khi ở ngay Hà Nội, nơi được đánh giá là nghiêm túc nhưng suy nghĩ của người đi coi thi, của người tiếp đón vẫn tồn tại quan niệm “chăm sóc tốt thì nới lỏng coi thi cho thí sinh” - thầy Đại cho biết.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long: "Ngành giáo dục cần rút kinh nghiệm nhiều"
Trả lời VnExpress, vị lãnh đạo ngành giáo dục có thâm niên nhiều năm làm công tác chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT nói: Tôi cảm thấy rất buồn vì sau một thời gian thực hiện cuộc vận động "hai không", tôi nghĩ tính tự giác của cả giáo viên và học sinh ngày càng tiến bộ, thì lại biết được cảnh này. Hiện tượng này không phải phổ biến, không đại diện cho bức tranh thi tốt nghiệp cả nước nhưng thực sự là điều đáng quan tâm, suy nghĩ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long: "Vụ việc ở Bắc Giang xảy ra trong năm đầu tiên phân cấp, ngành giáo dục cần rút
kinh nghiệm nhiều." |
Liên quan đến clip quay cóp, ném bài trong phòng thi ở Bắc Giang lỗi đầu tiên là ở người lớn. Nếu như hội đồng thi làm nghiêm, giám thị, thanh tra nghiêm thì đã không xảy ra và các em cũng không thể quay clip được. Sau việc này ngành giáo dục phải rút kinh nghiệm, quán triệt trách nhiệm đối với cán bộ quản lý các tỉnh khi được phân cấp.
Chúng ta cần nhìn nhận việc nào có công thì cần đánh giá đúng, việc nào vi phạm quy chế thì phải xử lý. Tuy nhiên phải căn cứ vào tình huống cụ thể. Quy chế là chung nhưng trường hợp cụ thể không giống nhau. Trường hợp clip ở Bắc Giang, học sinh dùng bút quay, cái này tương đối mới so với trước đây là dùng điện thoại. Theo tôi, em này ở chừng mực nào đó đã có công tố cáo. Cái đó là ý thức tốt.
Với nền giáo dục Việt Nam hiện nay chưa đến lúc bỏ thi. Vì có kỳ thi tốt
nghiệp là cách tốt nhất giúp các em tự giác học tập. Tôi nghĩ chúng ta cũng
không nên lấy điểm cao, kết quả đẹp làm mục tiêu phấn đấu mà cần xác định quan
trọng là học sinh có được kiến thức gì.
Vụ việc ở Bắc Giang xảy ra trong năm đầu tiên phân cấp, ngành giáo dục cần rút
kinh nghiệm nhiều. Sau vụ này, Bộ nên kiểm tra trong toàn ngành xem địa phương
nào làm tốt, chưa tốt. Việc chấm thẩm định nên chấm nhiều hơn ở những năm đầu
tiên phân cấp để xem độ chính xác ra sao.
Nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An Lê Tiến Hưng: "Tôi thấy buồn vì sau 1 năm tỉ lệ tốt nghiệp tăng mấy chục %"
Chia sẻ với báo Tuổi trẻ ông cho hay, Năm 2007 tỉ lệ tốt nghiệp THPT
của Nghệ An rớt thê thảm, nhưng chính vào thời điểm đó tôi thấy niềm tin của
người dân trở lại. Niềm tin đó có thể sẽ là động lực để thầy, trò dạy thật, học
thật. Và nếu niềm tin đó được duy trì đến nay, giáo dục cũng đã cải thiện được
rất nhiều về chất lượng - một chất lượng thật sự chứ không phải những con số để
báo cáo, để tuyên dương.
Nhưng rồi “tinh thần năm 2007” đã không còn nguyên vẹn mà bị mai một. Việc sau
một năm tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng mấy chục phần trăm, chỉ có người không phải
trong ngành GD-ĐT mới tin. Người trong ngành, người trực tiếp làm giáo dục thì
hiểu rất rõ, phải nỗ lực vượt bậc mới có thể khiến tỉ lệ tốt nghiệp thật nhích
lên từng tí một. Năm 2011, nhìn tỉ lệ tốt nghiệp của một tỉnh xấp xỉ 100%, tôi
thấy buồn, thấy tiếc vì thấy nó không thực chất. Với bệnh thành tích nặng nề và
quá nhiều bất cập trong giáo dục, rất cần có những niềm tin như năm 2007 để vực
dậy chất lượng”.
- Nguyễn Hiền (Tổng hợp từ Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ, Vnexpress)