- “Clip phản ánh tiêu cực thi cử ở Bắc Giang dù cá biệt nhưng phản ánh xu thế chung là căn bệnh thành tích của ngành giáo dục. Đã đến lúc cần có thay đổi, đừng đợi đến 2015..." Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng – nơi năm nào thi tốt nghiệp kết quả đạt rất thấp -  Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến. 

TIN BÀI LIÊN QUAN:
Bộ trưởng Giáo dục: Sẽ rút kinh nghiệm toàn ngành vụ Bắc Giang
Phó Thủ tướng: Chuyện Bắc Giang là danh dự ngành giáo dục

Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng – Chủ tịch Hội tâm lý học đường Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm.

Xem clip, không thể vui được

Ông nói, khi xem clip tiêu cực ở Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang) không ai có thể vui được. Bản thân tôi thấy nó đã phản ánh tình trạng giáo dục của chúng ta hiện đang ở mức độ rất thấp.

Ở đây chúng ta không chỉ trông chờ xem vụ việc ở Bắc Giang sẽ được xử lí như thế nào. Hơn thế, xã hội mong sau sự việc này Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo như thế nào để thực sự đưa giáo dục có chất lượng thật, những mùa thi nghiêm túc. Đừng đợi đến 2015 hay những câu khẩu hiệu gì cả.

Nhưng theo ông, cần có cách cách xử lí như thế nào với học sinh quay clip tiêu cực?

- Đặt vấn đề như cách của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận là đúng. Lỗi này cần xem xét chủ yếu ở phía người lớn. Bởi báo chí cũng đã đưa em học sinh được người lớn gợi ý quay clip.

Với học sinh có thể xem xét khía cạnh mà giáo dục để các em tránh thiếu sót. Không nên vì phòng thi này mà đánh trượt tất cả các em hoặc hủy kết quả ở đây. Có thể ta vẫn chấm bài bình thường nhưng xem xét kỹ nếu có chuyện sao chép, cóp bài của bạn.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhận định việc phát tán trên mạng nhiều video clip như vậy là “làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các học sinh còn nhỏ tuổi”. Và "không nên hướng sự quan tâm thái quá đến các video clip như thế này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nếu thực sự còn những clip như thế thì ngành giáo dục phải xem xét toàn bộ, xử lí nghiêm tất cả các trường hợp và không thể né tránh. Lâu nay ta vẫn nói đến con số, thành tích đẹp của kỳ thi tốt nghiệp nhưng xã hội vẫn lo lắng, không an tâm là vì những tiêu cực như thế. Dẫu thế nào hành động của em đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.

Hơn nữa, bản thân người đưa clip muốn tố cáo thực trạng ở địa phương thì phải xem xét, giải quyết thỏa đáng cho họ.

Cũng là một trường dân lập có nhiều học sinh yếu kém. Hàng năm trường và bản thân ông có chịu áp lực về chỉ tiêu đỗ tốt nghiệp của học sinh?

- Trường không hề có áp lực. Chúng tôi luôn chuẩn bị tâm lý cho học sinh, giáo dục cho các em ý thức tự học và thích học. Người thầy sẵn sàng theo trò đến tiết 6 và các em vẫn ngồi hứng thú nghe giảng.

Kết quả đến bao nhiêu lại là nỗ lực của học sinh. Phải công nhận rằng có một bộ phận học sinh hưởng lợi vì sự không nghiêm túc trong phòng thi. Nhìn lại các năm vừa qua kết quả của học sinh trường tôi bao giờ cũng thấp.

Cảnh lộn xộn trong phòng thi tốt nghiệp thuộc hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, Hà Nội (Ảnh cắt ra từ clip).

Quy chế thi phải sửa

Việc mang bút quay vào phòng thi ghi lại cảnh tiêu cực của em học sinh đã vi phạm quy chế thi. Nhưng nếu không mang, có cách nào để em tố cáo tiêu cực không thưa ông?

Cái đó khó nếu không mang bút quay. Đã đến lúc quy chế thi phải sửa bởi nếu không em nói sai thì em phải bị xử lí, cứ như vậy xã hội sẽ rối lên.

Cách giáo dục của chúng ta đang để học sinh bị trượt đi. Học sinh có 3 cái yếu: yếu kiến thức cơ bản, không có nề nếp học và năng lực tư duy, không tin ở mình. Các em luôn trông chờ và làm theo khuôn mẫu.

Có 3 loại học sinh: 10% học rất giỏi, tự giác, rất tuyệt vời. Và chúng ta thường chỉ khoe con số này thôi. 20% đến 40% các em sinh ra trong những gia đình có nề nếp, bố mẹ và gia đình biết hướng con đến phát triển năng lực và tự tin.

Nhưng con số còn lại là những em yếu kém. Đó mới là điều đáng lo ngại. Vì cần bằng cấp mà dẫn tới chuyện gian dối thi cử. Khi anh kém năng lực sẽ tìm nhiều thủ đoạn để tiến thân, nhân dần những tiêu cực lên.

Giáo dục phải giúp học sinh tự học. Không có cách nào nhồi nhét kiến thức vào đầu các em được. Cần phải làm cho học sinh hiểu rằng đã học thì phải có thi, kiểm tra. Hiện nay vì tỉ lệ đỗ cao mà có người bàn đến bỏ thi.

Không được, không đúng quy luật phát triển và quy luật nhận thức. Bởi muốn nhận thức được thì phải có kiểm tra, đánh giá. Từ phổ thông đến đại học, nếu không kiểm tra sẽ bộc lộ nhiều hạn chế.

Cách giáo dục của chúng ta đang để học sinh bị trượt đi. Học sinh có 3 cái yếu: yếu kiến thức cơ bản, không có nề nếp học và năng lực tư duy, không tin ở mình. Các em luôn trông chờ và làm theo khuôn mẫu.

Vai trò người thầy, thực sự đối mới phương pháp. Thầy giỏi phải biết khuyến khích, khích lệ học sinh từ chỗ không thích học, chán học, sợ học tới chỗ các em thích học và học được. Cách giáo dục hiện nay là “căng dây thẳng hàng”, không vượt qua thì bị hất lại.

Sự việc ở Bắc Giang dù chỉ cá biệt nhưng lại phản ánh một xu thế là chuyện chạy theo thành tích. Những năm 2007 – 2008 ta đã làm cuộc vận động “hai không”. Xã hội rất phấn khởi dù thành tích của học sinh giảm xuống rõ rệt. Sau rồi lại thôi (?!)

Vậy phải làm như thế nào để có một kỳ thi nghiêm túc, thưa ông?

- Không phải đến lúc thi mới làm. Như thế là hỏng. Từ người học, người thầy, người quản lí và xã hội phải thay đổi từ trong nhận thức.

Nhưng để tổ chức một kỳ thi nghiêm túc cần xem xét đầu tiên là ra đề thi. Tôi muốn Bộ GD-ĐT cải cách đề để các em không có chỗ nào mà dùng “phao”, thậm chí ta cho các em thoải mái mang tài liệu vào. Hiện nay vì trình độ học sinh thấp mà những loại bài như thế này được ra còn rất hạn chế.

Cách thi tốt là phải đánh giá được năng lực tư duy của học trò, cách giải quyết những vấn đề chứ không phải khối lượng trí nhớ, kiến trức. Nếu như thế chỉ cần lên Internet, google sẽ ra hết. Kiểu thi hiện nay đòi hỏi phải học vẹt, hỏi lại vì sợ học sinh không làm được bài dẫn đến các em dở tài liệu, quay cóp.

Đề thi thay đổi nhưng ngay từ đầu năm cách thi đã phải được đưa ra để các trường đánh giá, kiểm tra và học trò làm quen. Với trình độ công nghệ hiện nay, không chỉ riêng đề trắc nghiệm mà ngay cả đề tự luận cũng có những cách để học sinh không thể quay cóp được.

Xã hội cũng phải nhìn nhận lại. Không nên vì những con số thành tích. Cuộc đời mỗi con người nếu muốn có kiến thức thì phải tự học. Cứ xác nhận cho các em hết lớp 12 là được rồi, sẽ không còn căng thẳng nữa. Nhà tuyển dụng họ căn cứ vào khả năng thực tế để tuyển dụng.

Yêu cầu “đổi mới, cải cách” đang rất bức thiết. Và nếu kỳ thi tốt nghiệp năm sau ta không làm được nghiêm túc tức đã thất bại rồi.

- Cảm ơn ông!

  • Văn Chung (thực hiện)