- "Thí sinh vào phòng thi nhưng không tập trung làm bài mà làm việc khác thì rõ ràng có vi phạm quy chế thi. Nhưng phải xem xét động cơ của người vi phạm. Ở đây họ không vụ lợi, chỉ muốn phản ánh một thực trạng tiêu cực và cần có chứng cứ...." Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phân tích.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: "Động cơ đó là tốt..."

Thí sinh vào phòng thi nhưng không tập trung làm bài mà làm việc khác thì rõ ràng có vi phạm quy chế thi. Nhưng phải xem xét động cơ của người vi phạm. Ở đây họ không vụ lợi, chỉ muốn phản ánh một thực trạng tiêu cực và cần có chứng cứ. Thấy tình trạng tiêu cực đang diễn ra, bất công đối với những học sinh học hành nghiêm túc, họ muốn phản ánh tình trạng đó nên ghi lại thì nên xem xét xử lý. Vì động cơ đó là tốt. Rõ ràng khi xử lý vi phạm này cần có sự chiếu cố, không nên quá nặng nề.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Ảnh Minh Thăng)

Nếu học sinh đó làm bài trung thực, chỉ vì em thấy tình hình tiêu cực nên mới ghi lại để có chứng cứ đấu tranh thì động cơ, mục đích, hành vi của thí sinh này rõ ràng nên khuyến khích. Em đó có vi phạm nhưng không có tội.

Nếu chính em đó dùng bút quay để ghi lại bài của bạn và sao chép, hoặc em cũng dùng tài liệu để chép bài thì lại là chuyện khác. Còn làm bài trung thực, chỉ dùng bút để quay lại tình trạng vi phạm quy chế thi thì không có sai phạm. Không nên hủy kết quả bài thi của em đó.

Mặt khác, ngành giáo dục cấm học sinh mang thiết bị vào phòng thi để quay cóp bài làm. Còn em này mang bút quay vào không phải để quay cóp mà để có chứng cứ tố cáo. Nên về hình thức có vi phạm quy chế, nhưng bản chất thì không vi phạm. Ngành giáo dục nên dũng cảm thừa nhận sai trái của mình đang để những hành vi sai trái đó diễn ra.

Điều này rất có hại đối với những thí sinh đang làm bài thi đó. Làm bài thi dối trá nhưng kết quả vẫn được chấp nhận thì những học sinh đó ra đời khó trở thành công dân tốt, cán bộ tốt. Đây là sự thật đau đớn nhưng ngành giáo dục phải thừa nhận. Nên nếu không khen thưởng thì thôi, ngành giáo dục không nên kỷ luật em học sinh đó.

Nói trên báo Sài Gòn giải phóng, phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang Trần Đình Hồng cho biết: “Nam sinh 19 tuổi này chỉ vi phạm quy chế thi, nên cơ quan công an sẽ không tạo nhiều áp lực”. Công an Bắc Giang cũng cho rằng lời khai của học sinh này chưa chắc hoàn toàn đúng. Do đó, công an phải xem xét từ nhiều phía mới có thể kết luận việc quay clip đó có tổ chức hay không. Ngoài ra, đoàn thanh tra giáo dục của tỉnh cũng làm việc với những giáo viên vi phạm quy chế. Nếu có dấu hiệu hình sự, công an sẽ vào cuộc xử lý.

Về ý kiến đề nghị truy tố tội làm bí mật quốc gia khi tuồn đề thi ra ngoài theo tôi, phải xử theo luật. Rõ ràng phải xử nghiêm vụ này. Ít nhất việc để xảy ra tiêu cực nghiêm trọng trong thi cử như thế đã cho thấy, quy chế luật pháp thi cử đã bị vô hiệu trước mắt bao nhiêu người. Những học sinh quay cóp làm bài đã là một vết nhơ, nhưng người lớn phải chịu trách nhiệm về việc này trước, nhất là khi tiếp tay cho sai phạm đó lại chính là những người trong ngành.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến: "Clip của thí sinh đó có tác dụng tốt"

Clip giám thị ném 'phao' ở Bắc Giang cho thấy khâu quản lý, tổ chức thi của địa phương đặc biệt hội đồng thi đó có vấn đề, đến mức không có kỷ cương, kỷ luật. Từ hội đồng thi cho đến giám thị đã bỏ vai trò của mình.


Ông Lê Như Tiến (Ảnh Lê Anh Dũng)

Nguyên nhân dẫn đến tiêu cực xuất phát từ "bệnh thành tích". Việt Nam đang hướng tới phổ cập THPT thì không cần thiết tổ chức kỳ thi quốc gia như thế, tạo nên áp lực nặng nề. Đối với thí sinh tung clip lên mạng, theo ông Tiến, nếu thí sinh đó không tung lên mạng mà gửi lên Bộ Giáo dục, thanh tra tỉnh thì không gây dư luận như vậy.

"Tuy nhiên, theo tôi, thí sinh ấy cũng có suy nghĩ không còn lòng tin vào cơ quan chức năng. Vì biết đâu đưa đến cơ quan thanh tra họ không xử lý gì thì sao? Clip của thí sinh đó có tác dụng tốt ở chỗ là làm cho xã hội và ngành giáo dục biết để uốn nắn, đưa vào quỹ đạo và làm căn cứ để kỷ luật. Việc bảo vệ quyền lợi cho thí sinh này đang được xem xét", ông Tiến nói.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: "Thành tích chủ nghĩa không tạo động lực phấn đấu"

Đây là một sự việc hết sức đáng tiếc. Bởi lẽ đây là quê hương của Thân Nhân Trung, tác giả câu nói "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Bắc Giang cũng tự hào về sự phát triển của tỉnh về giáo dục. Với sự việc vừa qua, với sự phát hiện do một số người, bằng những phương tiện không hợp thức, nhưng góp phần làm minh bạch vấn đề thì có thể thấy, nhận định của Bộ Giáo dục phần nào chưa bao quát hết các sự kiện.


Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: "Với sự việc vừa qua, với sự phát hiện do một số người, bằng những phương tiện không hợp thức, nhưng góp phần làm minh bạch vấn đề thì có thể thấy, nhận định của Bộ Giáo dục phần nào chưa bao quát hết các sự kiện." (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Dù chưa định lượng được sự việc xảy ra ở Bắc Giang có ở một trường hay nhiều trường nhưng nó cho thấy vẫn còn cái áp lực về thành tích quá lớn cho ngành giáo dục. Giáo dục liên quan tới cộng đồng, không chỉ các cháu mà cả bố mẹ các cháu nữa. Nên mối quan tâm của bố mẹ là rất chính đáng. Nhưng chính áp lực thành tích chủ nghĩa dẫn đến sai phạm làm mất lòng tin của người dân. Đây là tình trạng tồn tại lâu nay, bề nổi của áp lực thành tích mà các cháu phải mang theo.

Tại sao ngày xưa chúng tôi học không đến nỗi như thế này mà vẫn có thể trưởng thành được? Đành rằng bây giờ thời đại thay đổi nhiều, thông tin lớn và nhu cầu nhân lực cao nhưng dẫu sao vẫn tìm phương thức bắt đầu trong nhận thức các nhà lãnh đạo, cha mẹ học sinh.

Tôi cho rằng, phải tạo được tiếng nói không chỉ phát hiện, phê phán, lên án mà phải tranh thủ ý kiến các nhà giáo, từ những sáng kiến đó Bộ Giáo dục lắng nghe và có giải pháp thích hợp. Đối với các cháu, thành tích chủ nghĩa không tạo ra động lực phấn đấu cạnh tranh cần thiết cho cuộc sống mà nhiều khi đẩy các cháu tới sự đối phó. Áp lực đó là "lợi bất cập hại".

Tôi tán thành bỏ thi tốt nghiêp, sáp nhập vào kỳ thi đại học như đề án một kỳ thi đã từng trưng cầu ý kiến. Cần làm tốt đánh giá trong quá trình học của học sinh chứ không phải trong một kỳ thi. Các cụ bảo "học tài thi phận", tôi chia sẻ cái đó. Thi cử tạo áp lực, dẫn đến kết quả mà chính mình không mong muốn. Làm tốt việc đánh giá trong quá trình quản lý, quá trình học các cháu và làm nghiêm kỳ thi đại học.

Công an Bắc Giang tiếp tục làm việc với người tổ chức quay clip

Chiều qua (7/6), lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Giang đã tổ chức buổi làm việc với tất cả các thành viên tham gia Hội đồng Coi thi tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô. Tham dự buổi làm việc có đại diện UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lục Nam, PA83 Bắc Giang, Thanh tra Bộ GD-ĐT.

Mục đích buổi họp nhằm kiểm điểm sâu sắc về trách nhiệm của Hội đồng Coi thi và các thành viên, qua đó giúp các cơ quan chức năng làm rõ sai phạm của từng khâu công việc cũng như trách nhiệm cá nhân của từng thành viên tham gia hội đồng.

Tại buổi họp, đại diện lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện Lục Nam và lãnh đạo Hội đồng Coi thi đã phát biểu kiểm điểm trách nhiệm trong việc chỉ đạo chưa sát sao, nghiêm túc dẫn đến sai phạm nghiêm trọng Quy chế thi. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ thi của tỉnh, mà còn gây nên nhiều dư luận không tốt. Từng thành viên tham gia Hội đồng Coi thi đã tiến hành làm bản tường trình chi tiết về quá trình tham gia coi thi, tự kiểm điểm về những sai phạm đã mắc.

Sở GD-ĐT Bắc Giang hiện vẫn đang tiến hành triển khai chỉ đạo của Bộ, UBND tỉnh Bắc Giang nhằm sớm làm rõ sự việc, trên cơ sở đó có giải pháp xử lý nghiêm túc, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm quy chế, vi phạm pháp luật tại Hội đồng Coi thi Đồi Ngô mà báo chí đã đưa tin.

Dự kiến, trong ngày hôm nay, 8/6, công an Bắc Giang tiếp tục làm việc với anh T.D.N, người tổ chức cho học sinh quay clip (T.D.N là cựu giáo viên của Trường THPT dân lập Đồi Ngô). Anh T.D.N cho hay, vụ gian lận thi cử ở Bắc Giang không chỉ có học sinh S. quay clip (đã công bố) mà còn có thêm một em học sinh khác cũng tham gia quay clip, và hiện còn những clip khác chưa được công bố.

Lực lượng công an đã đề nghị anh T.D.N cung cấp các clip của em học sinh còn lại nhưng anh N. vẫn đang do dự. Dự kiến trong buổi làm việc hôm nay, anh sẽ quyết định có cung cấp toàn bộ các clip hay không.

Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng nhìn nhận: Việc cần làm bây giờ, phải bình tĩnh xác minh các tình tiết cụ thể nhằm xử lý nghiêm đúng quy định. Để xử lý người quay clip, cần xem xét dựa trên nhiều yếu tố khách quan như động cơ, mục đích, cần có Hội đồng xem xét, xử lý.

Theo SGGP

  • Nguyễn Hiền (theo SGGP, Vnexpress)