- "Đây là một vấn đề xã hội, một hiện tượng rất đáng quan tâm. Gần đây, có nhiều tiêu cực, vi phạm pháp luật buộc xã hội, người dân lên tiếng ngày càng nhiều. Thậm chí, có trường hợp người dân phải lựa chọn biện pháp cực đoan. Hay như vụ việc của thầy Đỗ Việt Khoa, của kỹ sư Lê Văn Tạch.

TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết khi trao đổi với VietNamNet. Theo ông, đây là những trường hợp phải ghi nhận, tôn vinh. Đáng tiếc những trường hợp đã dẫn, có khi buộc đương sự rơi vào tình trạng long đong, lận đận, phải hứng chịu những tác động ngược.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


TS Lê Hồng Sơn: "Tâm lý của người có trách nhiệm, người quản lí chuyên ngành bao giờ cũng muốn có kết quả tốt đẹp, có bức tranh màu hồng, không có tiêu cực, sơ sẩy. Và xu hướng có khi muốn bưng bít, không muốn những tiêu cực đang tồn tại được đưa ra công luận".

Ông Sơn cho rằng, ở mức độ nào đó, Nhà nước và xã hội chưa có những biện pháp thiết thực, quyết liệt để bảo vệ những người có công phát hiện và phản ánh tiêu cực.

Dư luận đã nói nhiều và cũng có nhiều ý kiến tâm huyết về vụ tiêu cực ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô.

Tuy nhiên, theo tôi, cần phải có cái nhìn khách quan, thấu đáo, toàn diện để xem xét và xử lí vấn đề "thấu tình, đạt lý".

Đã có một vài bình luận và hướng xử lí mà theo tôi chưa thật tốt. Kể cả ý kiến của một vài đồng chí có trách nhiệm khi trả lời đã hé lộ phần nào những điều tôi đang lo lắng về nhận thức, đánh giá cũng như hướng xử lí đối với tác giả clip phản ánh tiêu cực.

Với sự việc ở Bắc Giang vừa qua, cần phải xác định ở hội đồng thi đó đã có một số người có trách nhiệm, giám thị và một số học sinh đã tham gia vào những tiêu cực, trái pháp luật.

Thậm chí, có căn cứ cho rằng những người đứng đầu hội đồng thi đã làm ngơ, dung túng cho những sai phạm nghiêm trọng. Cũng ở đó, có việc học sinh buộc phải đứng ra ghi nhận những bằng chứng của những tiêu cực đó. Đây là hai mặt của một sự kiện như đúng và sai, sáng và tối, như chính và tà. Tuyệt đối không thể lẫn lộn.

- Theo ông, với sự việc ở Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô nên xử lý thế nào để không lẫn lộn và thấu tình, đạt lý?

Như trên đã phân tích cần phải đi vào bản chất vấn đề để nhìn nhận và có hướng xử lý đúng. Về phía hội đồng thi, những người có trách nhiệm tổ chức cuộc thi, những giám thị "nhúng chàm", một số học sinh tham gia vào tiêu cực cần phải được kiểm điểm trách nhiệm rõ ràng và xử lí nghiêm căn cứ vào mức độ lỗi.

Về phía người quay clip, ta phải thấy rằng trước hiện tượng tiêu cực công khai, trắng trợn như vậy, những công dân có trách nhiệm phải có biện pháp thích hợp trong điều kiện của mình. Học sinh vào cuộc, mang thiết bị quay clip để ghi nhận, phản ánh tiêu cực là sự việc bất đắc dĩ mà người ta phải làm - khi nhà nước và người có trách nhiệm đã vô cảm, chưa làm tròn. Đây là việc làm chống tiêu cực trong tình thế chẳng đặng đừng. Họ thấy cần có trách nhiệm ghi lại làm chứng. Đó là điều tốt, là trách nhiệm công dân.

Một vài ý kiến cho rằng hình như 2 bên đều sai.

Phía cơ quan nhà nước và người có trách nhiệm rõ ràng đã sai khi để cho những hành vi tiêu cực nghiêm trọng xảy ra. Nhưng nếu cho rằng người đã quay clip cũng sai là điều rất đáng tiếc và cần phải xem xét một cách nghiêm túc. Người ta viện dẫn nội dung quy chế không cho phép thí sinh mang thiết bị thu phát vào phòng thi. Đây là căn cứ pháp lý khi cho rằng người quay clip cũng sai.

Tuy nhiên, cần phải xem xét quy chế đó đã đủ cụ thể, chi tiết để xem xét một hành vi là đúng hay sai hay chưa? Rõ ràng, người đặt ra quy chế và cả xã hội ta đều muốn đặt ra quy chuẩn để ngăn chặn và chống những hành vi tiêu cực trong thi cử. Quy chế nói cấm mang thiết bị thu phát vào phòng thi là để đạt mục tiêu vừa nói.

Và như thế thì nội dung quy chế là bất cập. Vì trang thiết bị thu phát có nhiều loại kể cả điện thoại di động, thiết bị thu phát có thể ghi lại để thí sinh sử dụng sao chép, quay cóp khi làm bài thi. Khi thí sinh làm như vậy thì rõ ràng đã sai phạm, cần phải ngăn chặn và xử lí.

Mặt khác, trong các thiết bị thu phát cũng có những loại không thuộc diện đã nêu ở trên. Trong đó có thiết bị mà học sinh ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô đã sử dụng để ghi nhận và phản ánh tiêu cực chứ không phải để quay cóp.

Như vậy nội dung quy chế còn quá chung chung, chưa đủ cụ thể để phân biệt đúng sai. Cần phải có sự sửa đổi bổ sung phù hợp. Không thể để tình trạng nội dung quy định mà khi soi vào trường hợp cụ thể để phân biệt đúng sai. Nếu đưa tất cả vào một "giỏ" là không được, không có sức thuyết phục.

- Như phân tích của ông thì hành động quay clip của học sinh là không sai?

Quay trở lại thái độ của chúng ta với HS đã quay clip, hiện đang có những quan điểm nhìn nhận và hướng xử lí chưa thật phù hợp.

Theo tôi, nếu coi HS là người có công trong phát hiện tiêu cực, chống sai phạm trong thi cử thì không những không kỷ luật mà phải khen thưởng, tôn vinh. Đồng thời cần phải có ngay biện pháp thích hợp để bảo vệ an toàn cho đương sự.

Nhà nước, xã hội và những người có trách nhiệm không thể hời hợt, vô cảm trước những số phận này được.

Hình ảnh cắt từ clip tiêu cực ở phòng thi tốt nghiệp Trường THPT dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Có 2 việc cần làm ngay. Thứ nhất, về phía Bộ GD-ĐT cần xem lại nội dung quy chế đã phù hợp với thực tiễn và đã đủ điều kiện làm cơ sở pháp lý cho việc ngăn chặn được tiêu cực trong thi cử, tạo điều kiện để thanh kiểm tra, giám sát từ các kênh trong xã hội một cách tốt nhất.

Thứ hai, khi xem xét, xử lí vụ việc ở hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô phải rất cẩn trọng, có lý có tình. Trước hết phải xem xét và xử lí nghiêm những người có trách nhiệm các cấp, ở hội đồng thi này từ chủ tịch tới các giám thị và những người có liên quan.

Đối với thí sinh thi cũng có xem xét phân loại để có biện pháp thích hợp.

Có người nói đến khả năng hủy kết quả thi. Tôi cho cần phải rất thận trọng. Về lý, nếu đủ căn cứ để thấy rằng những tiêu cực làm ảnh hướng nghiêm trọng tới kết quả thi thì có thể tính đến phương án này. Tuy nhiên với thực tiễn hiện nay, kể cả tính đến hậu quả với gia đình và tác giả của clip phản ánh tiêu cực thì việc hủy kết quả thi cần phải cân nhắc, tránh gây hậu quả ngược.

Tâm lý của người có trách nhiệm, người quản lí chuyên ngành bao giờ cũng muốn có kết quả tốt đẹp, có bức tranh màu hồng, không có tiêu cực, sơ sẩy. Và xu hướng có khi muốn bưng bít, không muốn những tiêu cực đang tồn tại được đưa ra công luận. Trong khi đó xã hội luôn quan tâm, lo lắng, muốn những tiêu cực trong thi cử được ngăn chặn kịp thời và xử lí thích đáng. Hai mong muốn đó nhiều khi không cùng chiều. Cho nên cần nhìn nhận khách quan, thấu đáo, xem mức độ phổ biến đến đâu hay chỉ là cá biệt của hiện tượng tiêu cực trong thi cử.

Cần phải dũng cảm và mạnh dạn trong việc huy động các kênh xã hội khác nhau để nhìn nhận một cách thấu đáo, trung thực thực trạng thi cử hiện nay. Từ đó có giải pháp đúng. Đó mới là giải pháp để quản lí thi cử thành công.

- Cảm ơn ông!

  • Văn Chung (thực hiện)