- "Tùy mức độ thương tổn, người bị giáo dục bằng roi vọt sẽ gặp khó khăn ít nhiều trong mối quan hệ với người khác. Trẻ thực sự sáng tạo nếu được tôn trọng và khuyến khích...." - độc giả Hien Dang chia sẻ kinh nghiệm.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Giáo dục bằng roi vọt gây cho trẻ hiểu nhầm rằng "roi vọt là cách dễ nhất buộc người khác tuân theo ý muốn của mình, mất đi khả năng sáng tạo và nảy sinh những người cực đoan". Có thể nói roi vọt dễ uốn nắn trẻ theo cách người lớn muốn vì vậy trẻ sẽ đánh mất chính mình để phục vụ cho ý muốn người khác và sinh ra cực đoan.

Ảnh cắt từ clip thầy giáo ở Trung tâm bồi dưỡng số 2 (Thái Nguyên) đánh học sinh.

Roi vọt biến dạng nhân cách của trẻ, dễ nóng nảy, thích dùng bạo lực để giải quyết khó khăn thay vì sáng tạo. Tôi tin rằng những người chịu đòn roi ít nhiều sẽ bị méo mó nhân cách và nhân phẩm con người. Bạo lực tiếp nối bạo lực, roi vọt đánh mất khả năng nhận thức về nhân phẩm và quyền phát triển con người.

Roi vọt hủy hoại khả năng sáng tạo và đánh mất chính mình. Trẻ đánh mất khả năng hiểu được chính mình, khả năng phản biện chỉ để tránh bị roi vọt. Thực tế chứng minh rằng, sự thành công không hẳn đến từ khoa bảng mà có thể đến từ sáng tạo, nhận biết khả năng của mình và nhân cách đúng đắn.

Roi vọt dễ bị lạm dụng và kịch hoạt thú tính trong con người. Các quốc gia hồi giáo, chúng ta thấy mỗi khi có phụ nữ bị đánh đòn giữa chợ thì người ta lũ lượt đi xem như lễ hội, có phải đó là thú tính bị kích hoạt không?

Xã hội Việt Nam đang báo động vì tình trạng bạo lực, có phải chăng tình trạng bạo lực này xuất phát từ cách hành xử bạo lực trong giáo dục của xã hội và gia đình?

Tôi có con gái năm nay đã 21 tuổi hiện đang theo học Đại học UCLA Califonia ngành Bác sĩ y khoa.

Cách đây 15 năm, cháu bắt đầu vào lớp 1 ở trường tiểu học Việt Nam. Một hôm tôi đón cháu ở cổng trường vào giờ tan học, cháu gặp tôi và òa khóc nhiều giờ sau đó. Tôi hiểu cháu bị bạo hành trong lớp học. Theo cách tôi hiểu cháu bị tổn thương và bấn loạn đến mức không thể nói được. Mặc dù tôi đã phản ánh với nhà trường, rất đáng buồn là thầy cô giáo ở đấy không có cảm nhận gì về tổn thương của con tôi.

Họ cho rằng trường học nào ở Việt Nam cũng vậy thôi. Con tôi đã từ chối đến trường, cháu nói rằng: "Thầy cô ở Việt Nam dữ quá, con học không được, để qua Mỹ con sẽ đi học." Sau khi đến Mỹ, cháu được nhà trường khen tặng học sinh chăm ngoan, được chính phủ Mỹ tặng giấy khen và học bổng sau mỗi cấp học. Tôi biết cháu thông minh, sâu sắc và nhạy cảm. Cháu chỉ có thể phát triển nếu được tôn trọng và khuyến khích. Cháu học tuy chậm nhưng kiên nhẫn và đào sâu.

Tôi đã ân hận vì đã không can thiệp đúng lúc cho con gái thứ hai. Khác với cô con gái đầu, cô thứ hai học mẫu giáo ở thời điểm đó, dù bị đánh đập bởi cô mẫu giáo trong trường, bé vẫn không phản ứng, hậu quả trở nên chai lì và ít nhạy cảm hơn chị của nó. Cháu hiện nay đang theo học tâm lý học ở San Francisco.

Có thể nói rằng cách giáo dục của Mỹ là khuyến khích tinh thần sáng tạo, khám phá nhân cách và khả năng của mình, nhận biết cảm giác của người khác để ứng xử thích hợp. Đó là cái thiếu sót trong con người của tôi, một nạn nhân của giáo dục bằng roi vọt. Sự chai lỳ sẽ đánh mất cái cảm nhận lẽ ra mình phải nhận biết nơi chính mình và người khác.

Tùy mức độ thương tổn, người bị giáo dục roi vọt sẽ gặp khó khăn ít nhiều trong mối quan hệ với người khác...

  • Độc giả Hien Dang (viết từ Mỹ)