-
Thảo Trang, du HS tiến sĩ ở Mỹ ủng hộ diễn tả tình yêu nơi công cộng bằng những cử chỉ lãng mạn như hôn má, hôn nhẹ môi, ôm nhẹ. Còn hôn  sâu và kéo dài (hôn "make out") thì ngay cả bên Tây vẫn thấy chướng.

Nụ hôn vốn được ngợi ca nhiều trong văn học và phim ảnh. Tuy nhiên, giữa đời thực, đôi khi nó lại gây phản cảm khi đi kèm là nhiều hành động "kỳ lạ". Những người già thường phản đối cảnh hôn nơi công cộng, trong khi giới trẻ coi chuyện này hết sức "bình thường".



Kiểu hôn này nơi công viên có phản cảm? Ảnh chụp từ clip do VietNamNet thực hiện.
Quá "nóng bỏng" chốn đông người

Chị Thanh Hoa, một bà mẹ 34 tuổi, có hai con kể: "Chủ nhật vừa rồi, mình có dắt bé đi dạo ngoài công viên. Những cứ tưởng đó là nơi giải trí tốt cho bé nhà mình. Ra ngoài đó một chút mình lại phải kêu ông xã chở về. Trong công viên nhan nhản các cặp tình nhân ngồi âu yếm, vuốt ve nhau mà mình ngượng thay.Phải chăng, chúng ta cần giáo dục con em chúng ta lại? Giới trẻ bây giờ yêu nhau tự nhiên nơi cộng cộng quá!".

Duy Thái, một thanh niên 28 tuổi cũng không chấp nhận hành động quá thoáng của giới trẻ:

"Hôn nhau, mò mẫm, xà nẹo nhau nơi công cộng như ngoài đường, công viên, rạp chiếu phim, trên xe tàu ... là thiếu văn hóa và không tôn trọng người khác. Khi tham gia giao thông, người ta còn nói "nơi đông người chú ý làm chủ tốc độ", nơi công cộng người ta còn cấm hút thuốc ...Vấn đề ở đây chính là tôn trọng mọi người nơi công cộng".

Bà Thanh Lan, năm nay 60 tuổi, ngày nào cũng đi tập thể dục ở công viên gần nhà, chứng kiến nhiều cảnh hôn khiến bà thấy phản cảm:

"Ai đời, đi ngang qua tụi trẻ hôn nhau trong công viên cứ nghe "chút chút", thở hổn hển, tay thì sờ soạng lung tung khiến người già chúng tôi không hiểu nổi. Ngày xưa chúng tôi cũng yêu nhau, nhưng có cần thể hiện như thế đâu. Chỉ cần chạm vào tay nhau đã thấy người xốn xang, rạo rực, trao nhau một ánh mắt cũng thấy tim đập rộn ràng".


Nụ hôn sâu nơi chỉ có rất ít người cũng thật tuyệt và được nhiều người ủng hộ. Ảnh: Flickr.
Giới trẻ có thích hôn công khai?

Bạn Phan Hòa, sinh viên năm thứ tư cho biết:

"Ôm hôn nhau thể hiện sự quyến luyến, vui mừng, thân thiện khi gặp gỡ hay chia tay. Hôn khô (dành cho tất tả mọi người - NV) hoàn toàn có thể và là một nét văn minh lịch sự nơi công cộng.

Còn hôn ướt ở môi (dành cho lứa đôi) cũng có hai kiểu: Nhẹ nhàng thể hiện sự trao nhau thông điệp tình yêu thì cũng không có gì đáng nói. Nhưng cái mức gây "ngứa mắt" cho người không may gặp phải thì nên diễn ra nơi phòng the hoặc chốn riêng tư!"

Thảo Trang, một du học sinh đang học tiến sĩ ở Mỹ nhận xét: "Tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam bây giờ cũng cởi mở hơn trước. Ngày trước ở Việt Nam, bọn mình khó khăn lắm, thấy hai anh chị nào ngồi trên xe ôm nhau quá cũng nói: "Cái cô đó làm như sợ mất anh ta không bằng, làm gì mà ôm sát rạt". Hay thấy ai âu yếm quá cũng nói: "Làm gì mà xà nẹo, xà nẹo, thật chướng mắt".

Lớn lên và có bạn trai, Trang thấy chuyện diễn tả tình yêu là điều bình thường.

"Nhưng, có điều phải lãng mạn, dễ thương chứ đừng dung tục. Bên Tây hôn nhau cũng có hai loại, loại hôn bình thường với lại hôn sâu và kéo dài (make out).

"Hôn ngoài dường phố thì chỉ hôn bình thường, còn hôn "make out" và ôm cứng quá cũng rất chướng mắt. Hôn sâu và kéo dài chỉ thích hợp những nơi riêng tư, chỉ có hai người thôi".

Trang ủng hộ diễn tả tình yêu nơi công cộng bằng những cử chỉ lãng mạn như hôn má, hôn nhẹ môi, một cái ôm nhẹ. Còn hôn "make out" thì 'ngay cả bên Tây vẫn thấy chướng'.



Kiểu hôn này có phản cảm nơi công cộng? Ảnh: Flickr.
"Tôi không ủng hộ việc hôn nhau trong môi trường giáo dục như trường học, nhất là trường phổ thông", Trang cho biết.

Còn Bảo Sơn, một thanh niên 18 tuổi chia sẻ: "Mình ủng hộ việc hôn nhẹ nhàng, đang đi với nhau quay sang chụt một cái hay lắm chứ".

Thạc sĩ Vũ Thúy Bình, tổ trưởng bộ môn Phát thanh, khoa Phát thanh – truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền  chia sẻ:

"Không gian dành cho các bạn trẻ cả nước nói chung, ở Hà Nội nói riêng là cực kì ít, thiếu. Cứ “thị sát” vào những buổi tối, dịp cuối tuần thì thấy, có thể có một vài địa điểm nhưng các bạn lại luôn bị đặt trong tình trạng “cảnh giác” vì bị rình rập, làm phiền".

Cô Bình nói, ngày xưa, việc đứng ở một gốc cây, ngồi trong công viên là rất bình thường. Nhưng bây giờ, thử cho một chiếc xe máy đắt tiền ra ngồi ở bờ Hồ hay địa điểm tình tứ nào đó cùng người yêu chưa chắc đi vì không đã an toàn.

"Không còn không gian riêng cho mình thì các bạn phải tìm đến những hình thức khác, có thể không thật đẹp cho lắm" - cô Bình thông cảm.

Tuy nhiên, "nói đi, rồi cũng phải nói lại: Mỗi chúng ta đều phải học ăn, học nói, học đi đứng thì hôn cũng phải học, sao cho có văn hóa" - người mẹ có cô con gái đang tuổi yêu đương này cho hay.

Việc hôn như thế nào cho có văn hóa tưởng đơn giản mà không phải thế.

Ví dụ như cô, đã có tuổi như thế này ,khi gặp một bạn học sinh, người khác giới, họ có thể hôn, ôm hôn, reo lên,..tùy vào sắc thái tình cảm của mỗi người và phải là tự nhiên. Nếu là việc miễn cưỡng thì quả thật không tốt, gượng gạo.

Nụ hôn nơi công cộng vừa thể hiện được mong muốn của các bạn nhưng mình cũng phải nhìn mọi người xung quanh.

Ví dụ mọi người đang rất trang nghiêm, anh lại có hành động ôm hôn thắm thiết, một cách quá mức sẽ là việc không bình thường.

Mỗi chúng ta đều phải học ăn, học nói, học đi đứng thì hôn cũng phải học, sao cho có văn hóa. Cái gì cũng phải có chừng mực, giới hạn của nó. Chẳng hạn, trong không gian sôi động, ấm áp, nhiều bạn trẻ thì mình có thể cởi mở hơn.

Ngược lại, khi có sự tham gia của những người cao tuổi với những suy nghĩ khác thì bản thân chúng ta phải nhìn trước sau và biểu hiện tình cảm cho vừa mức.

Nụ hôn nơi công cộng là việc bình thường nhưng cũng không nên quá mức, lả lơi.

  •  Thạc sĩ Vũ Thúy Bình


  • Tú Uyên - Văn Chung