Một chuyên gia quân sự Mỹ cảnh báo, tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) có thể đang cân nhắc sử dụng virus Ebola như một loại vũ khí sinh học tự sát để chống lại phương Tây.


{keywords}
Các tay súng thuộc tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS). Ảnh: AP

Ebola hiện đang lây lan qua việc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm virus đã bộc lộ các triệu chứng ra bên ngoài. Và sẽ không có gì khó khăn nếu những kẻ cuồng tín như phiến quân IS cố tình nhiễm virus rồi di chuyển tới những nước chúng muốn gieo rắc tai họa.

Đại úy Al Shimkus, giáo sư về các vấn đề an ninh quốc gia tại trường Cao đẳng chiến tranh hải quân Mỹ, tuyên bố, tình huống trên hoàn toàn có khả năng xảy ra. Tạp chí Forbes dẫn lời chuyên gia quân sự này nói: "Cá nhân phơi nhiễm virus Ebola sẽ trở thành người mang mầm bệnh. Trong bối cảnh hoạt động khủng bố, sẽ không có gì phức tạp để tiến tới giai đoạn tiếp theo là sử dụng người nguồn lây lan bệnh dịch".

Giáo sư Anthony Glees, giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh và tình báo thuộc Đại học Buckingham (Anh), cũng tán đồng quan điểm trên. Ông Glees bày tỏ: "Theo một số khía cạnh, đây là giả thuyết hoàn toàn hợp lý. Các tay súng IS tin vào việc tự sát và việc biến mình thành kẻ mang mầm bệnh Ebola là một cách làm triển vọng cho một sứ mệnh liều chết. Chúng đủ dã tâm và nắm rõ thông tin để cân nhắc điều đó".

Virus Ebola đang gây ra đợt bùng phát dịch hoành hành ở Tây Phi hiện nay, với 3.800 trường hợp người tử vong chỉ trong vòng vài tháng. Các ca nhiễm đầu tiên bên ngoài Tây Phi, cũng được ghi nhận vừa xuất hiện mới đây ở châu Âu và Mỹ. Một số nhà bình luận khuyến nghị các nước cần phải cân nhắc đến nguy cơ IS có thể khiến tình hình dịch Ebola trở nên trầm trọng hơn nữa.

Trong số phát hành tháng 5/2013 của tạp chí Global Policy, Amanda Teckman - tác giả bài viết nhan đề "Hiểm họa khủng bố sinh học của Ebola ở Đông Phi cũng như các bài học cho an ninh và sức khỏe toàn cầu", cũng từng đề cập tới nguy cơ tấn công khủng bố sinh học bằng virus Ebola từ Đông Phi và kêu gọi công luận không nên phớt lờ nó.

Không chỉ là những lời cảnh báo, quan ngại về khả năng Ebola bị lạm dụng như vũ khí sinh học trong thực tế đã là chất xúc tác cho sự ra đời của dự án Bioshield (Khiên sinh học) trị giá 5,6 tỉ USD ở Mỹ. Được Tổng thống Mỹ George W. Bush ký phê duyệt vào năm 2004, dự án nhằm đảo bảo nguồn tài trợ hào phóng cho các nhà khoa học nghiên cứu về các biện pháp chống vũ khí sinh học, cũng như thúc đẩy nghiên cứu chống lại các tác nhân hóa học, phóng xạ và hạt nhân.

Tuy nhiên, Jennifer Cole, ủy viên nghiên cứu cấp cao thuộc cơ quan tư vấn độc lập về các vấn đề an ninh, phòng vệ quốc gia cũng như quốc tế RUSI của Anh, nhấn mạnh, hiện không phải là thời gian tốt nhất đối với bọn khủng bố để vận dụng chiến thuật trên.

Bà Cole cho rằng: "Mọi người đang tìm kiếm các dấu hiệu của Ebola vào thời điểm hiện tại, nên bọn khủng bố ít có cơ hội ra đi cùng với nó. Một vấn đề khác với virus Ebola là nó rất khó kiểm soát. Các phiến quân có thể kết thúc bằng việc tự giết hại mình trước khi có cơ hội truyền nhiễm mầm bệnh cho người khác. Đối với tấn công tự sát, buộc các thanh chất nổ quanh ngực còn hiệu quả hơn nhiều".

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)