Ngoài các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nước Nga cũng vừa lên tiếng phản đối việc Bắc Triều Tiên (hay Triều Tiên) muốn vươn lên thành “cường quốc hạt nhân”.

Nước Nga lắc đầu phủ nhận

Trả lời phỏng vấn hãng tin Hàn Quốc Yonhap, ngày hôm qua 04/10/2014, Thứ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố Matxcơva không chấp nhận Bình Nhưỡng là một cường quốc hạt nhân. 

Tuyên bố nói trên được đưa ra trong bối cảnh các cường quốc đang có nhiều nỗ lực để mở lại cơ chế đàm phán Sáu bên (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên) về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

{keywords}
Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Bắc Triều Tiên với lò phản ứng có khả năng cung cấp nhiên liệu Plutonium để chế tạo bom nguyên tử. Ảnh: Nguồn Kyodo.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov nhấn mạnh: “Nga không bao giờ có thể thừa nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”. Vẫn theo thứ trưởng Nga, nếu thừa nhận như vậy tức là không phù hợp với lập trường của Nga, với tư cách một quốc gia lập nền móng (cùng với Hoa Kỳ) cho Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào cuối những năm 1960. Cuộc phỏng vấn nói trên được Yonhap tiến hành nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ Hàn Quốc - Nga.

Tuy không thừa nhận quyền sở hữu vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng có thể để giảm nhẹ mối quan hệ giữa hai nước, vị Thứ trưởng Nga đã nêu lý do để giải thích cho tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đó là vì “mối lo ngại về an ninh quốc gia” khi Bắc Triều Tiên phải đối mặt với liên minh quân sự giữa Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thứ trưởng Ngoại giao Nga còn nói tiếp, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết, nếu căng thẳng chính trị và quân sự khu vực được giải tỏa, an ninh của các nước Đông Bắc Á, bao gồm cả Bắc Triều Tiên, được bảo đảm.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn Yonhap, Thứ trưởng Nga nhấn mạnh đến triển vọng của hợp tác kinh tế giữa Matxcơva với Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Ông Igor Morgulov khẳng định Hàn Quốc hiện là một trong các đối tác chính của Nga tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ và Trung cùng phản đối

Trong thời gian gần đây, các cường quốc Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc đã có nhiều xúc tiến để thúc đẩy khởi động lại đàm phán Sáu bên. Giữa tháng 9/2015, theo Reuters, nhiều chuyên gia Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đã tham gia một hội nghị tại Bắc Kinh, do một viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc chủ trì, để bàn về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 21/9/2015, cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice khẳng định cả hai nước đã thống nhất về yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

{keywords}
Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ, bà Susan Rice. Ảnh: Nguồn The Guardian.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều kiên quyết phản đối Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo vì điều đó đe dọa sự ổn định khu vực. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc Triều Tiên là quốc gia có vũ khí hạt nhân”, bà Rice nói. 

Rõ ràng, Mỹ và Trung, dù ở hai bán cầu khác nhau và còn tồn tại không ít bất đồng, nhưng hai nước đồng ý kiến: yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ còn cho hay, cuộc hội đàm gần đây giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình thế nào cũng bàn đến vấn đề Triều Tiên và làm rõ sự lựa chọn của Triều Tiên giữa phát triển kinh tế với thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân.

Những phát biểu trên của bà Rice đưa ra trong bối cảnh có nhiều thông tin cáo buộc Triều Tiên đang đẩy mạnh việc phát triển vũ khí hạt nhân, đặc biệt là những nghi ngại về việc nước này sẽ thử tên lửa vào tháng Mười tới, trong dịp kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên.

Đồng thời, một nguồn tin cho biết về một diễn biến khác: Triều Tiên đã mời đại diện một số nước châu Phi và Nam Mỹ tới dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10, nhưng lại không mời Trung Quốc. Thông tin này khiến báo giới thêm nghi vấn về quan hệ Trung - Triều đang căng thẳng do vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Dĩ nhiên, mạnh mẽ hơn là thái độ của Mỹ trong sự phản đối Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Và trước mắt là phản đối việc tái khởi động lò phản ứng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cụ thể gần đây, ngày 15/09/2015, phát ngôn viên Nhà trắng Josh Earnest đã ra tuyên bố phản đối việc Bắc Triều Tiên khởi động lại một lò phản ứng hạt nhân được xem như là nguồn cung cấp chính nhiên liệu plutonium sử dụng vào mục đích quân sự.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin chính thức KCNA gần đây, giám đốc Viện năng lượng nguyên tử Bắc Triều Tiên thông báo là mọi thiết bị của cơ sở hạt nhân Yongbyon đã hoạt động bình thường trở lại. Trong số này có một lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt, mà theo các chuyên gia có thể sản xuất được 6 kg plutonium/năm, tức là đủ để chế tạo một quả bom nguyên tử.

Lò phản ứng hạt nhân Yongbyon nói trên đã bị đóng cửa từ năm 2007 trong khuôn khổ một thỏa thuận, theo đó Bình Nhưỡng chấp nhận giải trừ vũ khí hạt nhân để được nhận viện trợ nhân đạo của quốc tế. Nhưng sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần cuối vào năm 2013, Bắc Triều Tiên đã cải tạo lại cơ sở nguyên tử này.

Trong bài trả lời phỏng vấn nói trên, giám đốc Viện năng lượng nguyên tử Bắc Triều Tiên còn cảnh báo: “Nếu Hoa Kỳ và các lực lượng thù địch khác tiếp tục thi hành chính sách thù nghịch vô trách nhiệm, Bắc Triều Tiên sẵn sàng đáp trả bất cứ lúc nào bằng vũ khí hạt nhân”. 

Để đáp lại, trong tuyên bố đưa ra hôm qua, phát ngôn viên Nhà trắng Josh Earnest đã yêu cầu Bình Nhưỡng “không nên có những hành động khiêu khích vô trách nhiệm chỉ làm cho các căng thẳng khu vực thêm trầm trọng”. 

Ngoài việc cho khởi động lại lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon, Bắc Triều Tiên còn để cho hiểu là họ dự trù phóng các vệ tinh bằng tên lửa đẩy, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Bắc Triều Tiên ngày 10/10 tới.

Trong khi đó, theo các chuyên gia Mỹ, Bắc Triều Tiên có thể đang chế tạo những quả bom nguyên tử mạnh hơn và hoàn thiện hơn rất nhiều so với những quả bom mà nước này hiện có.

Trần Minh (tổng hợp)