- Nhà máy điện hạt nhân của nước láng giềng phương bắc ở cảng Phòng Thành gần Móng Cái nước ta cũng gây mối đe dọa nhất định đối với một số người.
Tổ hợp Nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc ở cảng Phòng Thành (tỉnh Quảng Tây) chỉ cách cảng Móng Cái (Quảng Ninh) của nước ta khoảng 45- 50 km.
Nhà máy bắt đầu khởi công xây dựng vào 5 năm trước, năm 2010, từng tạo ra mối lo ngại nhất định đối với không ít người dân nước ta, đặc biệt những người sống ở vùng biên giới Móng Cái - Quảng Ninh.
Bây giờ đây, ngay trong năm 2015 và 2016 này, 2 lò phản ứng đầu tiên đang chuẩn bị đưa vào hoạt động và mối quan ngại nói trên lại đặt ra.
Do vậy, các bộ phận khoa học chuyên ngành hạt nhân phóng xạ thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân ở Hà Nội đã ý thức được vị trí của mình và đề xuất các đề tài khoa học nhằm nghiên cứu đánh giá mức độ tác hại để theo dõi cảnh báo khi cần thiết và cũng để góp phần làm dịu bớt mối quan tâm và cả sự quan ngại của nhiều người.
Phòng Thành (nơi đang xây nhà máy ĐHN của Trung Quốc) cách xa Mông Cái (thuộc Việt Nam) khoảng 45-50 km. Ảnh: Nguồn: vneconomy.vn. |
Trong hai bản đồ kèm theo, bản trên giới thiệu vị trí của nhà máy ĐHN Phòng Thành (Trung quốc) xây dựng gần thị xã Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) của nước ta và bản dưới giới thiệu bổ sung nền công nghiệp hạt nhân đồ sộ của nước láng giềng Trung Hoa.
Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc. Ghi chú: Xanh lá cây (đang hoạt động), xanh lam (đang xây dựng) và đỏ (trong kế hoạch), trong đó có nhà máy ĐHN Phòng Thành Cảng (Quangxi Fangchenggang). Ảnh: Nguồn www.world-nuclear.org. |
Đề tài khoa học nghiên cứu các vấn đề quan tâm ở trên mang tên KC-05.04/11-15 do TS. Nguyễn Tuấn Khải phụ trách. Đề tài bao gồm một phạm vi nghiên cứu khá rộng. Phần đầu gồm những nghiên cứu về phát tán phóng xạ và đánh giá liều chiếu đối với dân chúng bởi 2 nhà máy điện hạt nhân sắp xây dựng ở tỉnh Ninh Thuận nước ta (hình dưới đây). Phần sau nghiên cứu đánh giá đối với nhà máy ĐHN Phòng Thành của Trung Quốc trong trường hợp nhà máy hoạt động bình thường và khi xảy ra sự cố tai nạn.
Những người sống ở vùng biên giới miền đông bắc nước ta chủ yếu quan tâm đến nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành hay Phòng Thành Cảng được xây dựng ở quận Cảng Khẩu thuộc tỉnh biên giới Quảng Tây, địa điểm này cách Móng Cái của nước ta chừng 45 - 50 km.
|
Các nhà máy ĐHN trong dự án xây dựng ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguồn dienhatnhan.com.vn. |
Trong giai đoạn 1, nước này cho xây dựng 2 tổ máy sử dụng công nghệ CPR-1000 hay còn gọi là Lò phản ứng nước áp lực kiểu Trung Quốc có công suất mỗi tổ máy 1.000 MW. Đây là công nghệ lò hiện đại nhất của Trung Quốc với tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 50%. Tiếp theo là giai đoạn 2 với 4 tổ máy tương tự sẽ đưa Dự án Phòng Thành Cảng lên tổng cộng 6 tổ máy với công suất khoảng 6.000 MW.
Đề tài nghiên cứu KC-05.04/11-15 đặt ra yêu cầu tìm hiểu vấn đề phát tán phóng xạ và đánh giá tác động môi trường đối với nước ta do phát thải phóng xạ từ Nhà máy ĐHN Phòng Thành trong trường hợp nhà máy hoạt động bình thường và khi xảy ra sự cố tai nạn.
Trước hết, nhóm đề tài đề xuất nghiên cứu các nội dung chính sau: Đánh giá và thu thập các tham số kỹ thuật đặc trưng của công nghệ lò phản ứng CPR-1000. Thu thập và xử lý số liệu địa hình từ nhà máy ĐHN Phòng Thành đến các tỉnh biên giới của nước ta. Nghiên cứu xây dựng một số kịch bản tai nạn giả định tại nhà máy ĐHN Phòng Thành…
Ngoài ra, nhóm còn đề xuất: Xây dựng các trạm quan trắc khí tượng tại một số tỉnh giáp biên giới để có được cơ sở số liệu khí tượng cần thiết cho nghiên cứu phát tán. Xây dựng trạm quan trắc phóng xạ môi trường tại một số tỉnh biên giới (đã có trong dự án mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ quốc gia) để theo dõi thường xuyên phông phóng xạ tự nhiên ngoài trời khi nhà máy ĐHN Phòng Thành bắt đầu hoạt động.
Kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học của các nhà khoa học ở Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân và các đồng nghiệp khác đều cho rằng khoảng cách 40 - 50 km từ vùng dân cư đến trung tâm nhà máy ĐHN là bình thường ở nhiều quốc gia ĐHN trên thế giới. Ở nhà máy ĐHN Phòng Thành cũng vậy. Trong nhiều trường hợp trên thế giới dân cư sống gần nhà máy hơn. Các nhà máy ĐHN trong quy hoạch xây dựng ở nước ta, Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, cũng không là ngoại lệ.
Ngoài ra, với hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn và theo dõi phông phóng xa trong phạm vi dân cư xung quanh nhà máy đề xuất bởi đề tài KC-05.04/11-15, bất cứ diễn biến bất thường nào có ảnh hưởng đến sức khỏe con người đều có thể được phát hiện và thông báo sớm.
Điều cần nhấn mạnh thêm, công nghệ của các lò phản ứng hạt nhân hiện đại sử dụng ở các nhà máy điện hạt nhân mới xây hiện nay đều thuộc thế hệ mới với độ an toàn cao gần như tuyệt đối. Những sự cố như ở Chernobil (Nga) và Fukushima (Nhật) trước đây khó có thể xảy ra trong tương lai.
Với tất cả những thông tin trên đây, các nhà khoa học hạt nhân ở các cơ quan khoa học đã góp phần mang đến cho mọi người sự yên tâm đối với các nhà máy điện hạt nhân đang và sẽ đưa vào hoạt động, ở Phòng Thành Cảng gần biên giới nước ta và ở Ninh Thuận … trên đất nước ta.
Mọi người không nên xem các nhà máy điện hạt nhân này là những mối đe dọa.
Minh Trần