Đại diện Liên hợp quốc cho biết, nguyên nhân tử vong của 6 công nhân từng làm tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản và đã chết sau khi thảm họa động đất – sóng thần gây sự cố rò rỉ hạt nhân tại nơi này, không liên quan tới phóng xạ.
>> Nhật tìm cách giảm mức phóng xạ ở Fukushima / Nhà máy Fukushima chính thức đóng cửa / Nửa số trẻ em Fukushima nhiễm phóng xạ
6 công nhân từng làm tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản đã chết sau khi thảm họa động đất – sóng thần gây sự cố rò rỉ hạt nhân tại nơi này cách đây 1 năm. Ảnh: NEI Nuclear Notes. |
Theo hãng thông tấn AP, Ủy ban Khoa học Liên hợp quốc về Bức xạ nguyên tử (UNSCEAR) hôm 23/5 đã công bố kết luận trên. Cơ quan này khẳng định, mặc dù nhiều công nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị xạ chiếu qua da sau sự cố xảy ra cách đây 1 năm nhưng cho đến nay vẫn chưa có báo cáo về bất kỳ “ảnh hưởng đáng kể nào xét trên phương diện lâm sàng”.
Chủ tịch UNSCEAR Wolfgang Weiss tuyên bố, mục tiêu hiện tại của cơ quan này là đánh giá các mức độ xạ chiếu đối với khoảng 2 triệu người sống trong khu vực Fukushima vào thời điểm xảy ra sự cố rò rỉ lò phản ứng hạt nhân ngày 11/3/2011.
Ông Weiss tiết lộ thêm rằng, UNSCEAR cũng đã thu thập thông tin về các kết quả đô tuyến giáp của hơn 1.000 trẻ em tại khu vực ảnh hưởng và dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo gửi Đại hội đồng Liên hợp quốc về sự việc vào năm sau.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho hay, nhiều vùng quanh nhà máy Fukushima Daiichi có độ phóng xạ vượt mức gây ung thư. Tuy nhiên, hầu hết nước Nhật không bị mức phóng xạ nguy hiểm này.
Trong báo cáo dày 124 trang, WHO nói thêm rằng, mức phóng xạ tại các nước láng giềng của Nhật đã trở về mức bình thường và phần còn lại của thế giới chỉ chịu tác động rất nhỏ qua thức ăn.
Trước đó, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) từng xác nhận, mức nhiễm xạ trong một loại sữa và rau của Nhật đã cao hơn đáng kể ngưỡng cho phép tiêu dùng theo quy định của nhà chức trách nước này.
Tuấn Anh