- Được xem là trụ cột công nghiệp hóa nhưng ngành cơ khí đã thất bại trong hầu hết các mục tiêu chiến lược của mình. 'Thành tích' đáng kể nhất là dẫn đầu nhập siêu.

Trụ cột yếu

Năm 2002, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Theo đó, đến 2010, phải đáp ứng 40% -50% nhu cầu cơ khí cả nước, xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng...

Tuy nhiên, sau 10 năm, phần lớn các mục tiêu đề ra đều không đạt được. Thậm chí, có ngành còn tụt hậu hơn thời bao cấp. Những cái làm được vẫn chỉ là đơn giản, giá trị thấp còn sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn vẫn ngoài tầm với.

Thành công nhất trong cơ khí phải kể đến công nghiệp xe máy. Hiện tỷ lệ nội địa hóa với xe máy đã đạt trên 90% và thỏa mãn 80% - 90% nhu cầu tiêu dùng trong nước, mỗi năm xuất khẩu khoảng 200.000 xe.

Tuy nhiên, số DN Việt Nam tham gia vào sản xuất xe máy không nhiều. Nếu như trước 2005, Việt Nam có 57 DN trong nước lắp ráp 1 triệu xe/năm thì đến nay chỉ còn 10 DN tồn tại với sản lượng khoảng 30.000 - 50.000xe/năm, trên 90% thị phần thuộc về DN FDI.

{keywords}

Ngành đóng tàu đã có thể đóng được những chiếc tàu lớn, nhưng về hiệu quả kinh tế thì chưa hẳn

Trong các DN sản xuất linh kiện, cung cấp cho DN xe máy FDI có tới 50% đến từ Nhật Bản, 30% đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%. Không những thế, sản phẩm của DN Việt Nam thường là đơn giản, giá trị thấp vì không đầu tư cho đầu tư cho nghiên cứu phát triển.

Nhóm ngành chế tạo thiết bị toàn bộ cho các dây chuyền sản xuất cũng được xem là có nhiều tiến bộ nhưng thực tế vẫn chỉ là sản xuất những thiết bị lớn, phi tiêu chuẩn. Đây là phần dễ làm nhất và chỉ chiếm không quá 20% toàn bộ giá trị dây chuyền. Các DN cơ khí Việt Nam không thâm nhập được vào nhiều dự án.

Việt Nam có rất nhiều các dự án xi măng, nhiệt điện than, bauxite... khối lượng xây lắp cơ khí rất lớn, nhưng các DN trong nước phần lớn vẫn đứng ngoài cuộc. Dự án tham gia nhiều nhất, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 25%, còn ở mức 3% trở xuống 0% rất nhiều.

Ngành đóng tàu đã có thể đóng được những chiếc tàu lớn, nhưng về hiệu quả kinh tế thì chưa hẳn, bởi toàn bộ trang thiết bị linh kiện từ que hàn dùng cho phần ngập nước vẫn phải nhập khẩu.

Có những con tàu ký hợp đồng trị giá 360 triệu USD thì chiếm tới 330 triệu USD là nhập khẩu.

Công nghiệp ôtô đặt ra mục tiêu đến 2010 đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%-60% đáp ứng 60% - 80% nhu cầu trong nước, hướng tới xuất khẩu phụ tùng. Tuy nhiên, chỉ có mục tiêu xuất khẩu phụ tùng là đạt, còn lại đều thất bại. Các chi tiết có hàm lượng kỹ thuật cao như động cơ, hộp số đều chưa sản xuất được.

Trong khi đó, ngành chế tạo máy công cụ còn được cho là tụt hậu hơn so với thời bao cấp khi không có cơ sở chế tạo lớn nào còn hoạt động.

Dẫn đầu nhập siêu

Theo Hội Cơ khí Việt Nam, đến 2012, khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành cơ khí mới đạt 32,58%. Thấp hơn mục tiêu đề là đáp ứng 40% đến 50%. Xuất khẩu đạt 34,7% sản lượng vào 2012, trong khi mục tiêu yêu cầu chỉ cần 30%.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu không cao. Các sản phẩm xuất khẩuchủ yếu thuộc về DN FDI, còn DN trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và sự ổn định, giá cả, mẫu mã theo các đơn đặt hàng, không theo được chuỗi cung ứng của các DN FDI.

{keywords}

Trong khi đó, ngành công nghiệp ôtô thì vẫn còn yếu kém

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu của ngành này năm 2103 lên đến 24,8 tỉ USD, cao gấp 3 lần so với mức nhập khẩu năm 2006 (8,7 tỉ USD). Tính ra mức nhập siêu của ngành cơ khí những năm gần đây vào khoảng hơn 10 tỉ USD/năm. Tình trạng này còn kéo dài trong nhiều năm nữa và ngày càng tăng.

Chẳng hạn, do công nghiệp ôtô yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu trong nước, nhất là xe cá nhân, theo tính toán giai đoạn từ 2025 trở đi, Việt Nam sẽ phải bỏ ra trên 10 tỷ USD/năm để nhập khẩu xe, đáp ứng nhu cầu tăng cao khi bước vào thời kỳ bùng nổ ôtô.

Như vậy, chỉ riêng với mặt hàng ôtô, dự báo cũng sẽ đẩy nhập siêu ngành cơ khí tăng vọt trong tương lai gần, khó có gì bù đắp nổi.

Cơ khí được coi là một "trụ cột" công nghiệp, nhưng xem ra cây "cột trụ" này còn khá yếu, khó đưa Việt Nam cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp vào năm 2020 như mục tiêu đã đề ra từ lâu.

Điểm yếu của cơ khí Việt Nam nằm ở công nghệ cũ, lạc hậu, thiếu chuyên môn hóa, trình độ tụt hậu tới 2-3 thế hệ so với khu vực... Nguồn nhân lực ngày càng yếu, hàng loạt các ngành cơ khí đang thiếu nhân lực trầm trọng...

Theo Hiệp hội DN cơ khí, có đến 50% các DN thuộc Hội đang thiếu vốn. Không có vốn thì việc đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất là không thể thực hiện được và cứ tụt hậu mãi.

Trong khi đó, lãi suất cho vay ưu đãi khá cao khiến người đi vay nản lòng. Năm 2011, lãi suất hỗ trợ với lĩnh vực cơ khi là 11,4%. Tuy khá thấp so với mặt bằng lãi suất nhưng không một DN cơ khí nào muốn tham gia bởi ngành cơ khí chỉ lãi khoảng 3% - 5% sẽ khó chịu đựng nổi.

Dự báo, đến 2020, cơ khí có thị trường lên tới 250 tỷ USD về thiết bị trong các ngành năng lượng, xây dựng, vật liệu xây dựng. Nếu tính cho toàn nền kinh tế thì lên tới 1.000 tỷ USD. Tiềm năng rất lớn nhưng phải nhường cho DN nước ngoài là điều khó tránh khỏi.

Trần Thủy