Trong tuần đầu áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, mặc dù thị trường kinh tế, tài chính nước ngoài có nhiều thông tin tiêu cực nhưng thị trường ngoại hối Việt Nam vẫn đang duy trì được sự ổn định, thậm chí còn có diễn biến tích cực.

Trong tuần đầu tiên sau khi Việt Nam áp dụng chính sách tỷ giá mới, thị trường ngoại hối nhận những thông tin không mấy tích cực từ nước ngoài. Chỉ số USD tăng 0,35% so với cuối năm trước, có thời điểm chạm mốc 99 điểm, mức cao nhất trong vòng 1 tháng. Cùng thời điểm đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc ngập tràn sắc đỏ và phải đóng cửa giao dịch 2 ngày (4 và 7/1/2016) trong vòng 1 tuần. Động thái phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) đã vượt quá kỳ vọng của nhà đầu tư, khiến thị trường hoảng loạn và dòng vốn tháo chạy. Giá trị đồng CNY rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua (mất hơn 1,52% so với USD).

Thị trường ngoại hối ổn định

Trong tuần đầu áp dụng chính sách tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm tăng tổng cộng 19 đồng/USD, tương đương 0,09% so với cuối năm 2015. Tuy nhiên, tỷ giá bán niêm yết của Ngân hàng TMCP Ngoại thương thời điểm 8/1/2016 giảm 0,13% so với cuối năm 2015, thậm chí tỷ giá giảm mạnh hơn trên thị trường tự do, ở mức 0,31%. Điều này cho thấy, với cách thức điều hành tỷ giá mới của NHNN, yếu tố đầu cơ trong nước đã giảm mạnh bởi việc “ôm” ngoại tệ chờ “sóng” tỷ giá trở nên rủi ro, mạo hiểm hơn rất nhiều, nhà đầu tư bán ra ngoại tệ khiến tỷ giá trong nước giảm trong khi USD thế giới và tỷ giá trung tâm đều tăng.

Với những tính toán hợp lý, kịp thời, cách thức điều hành tỷ giá mới của NHNN ngay trong tuần đầu áp dụng đã phát những tín hiệu thành công ban đầu. Tỷ giá trở thành tấm đệm làm giảm bớt các cú sốc trên thị trường.

{keywords}
Trong tuần đầu áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, thị trường ngoại hối Việt Nam vẫn đang duy trì được sự ổn định, thậm chí còn có diễn biến tích cực.

Ở đây có thể liên tưởng đến việc Trung Quốc thay đổi cơ chế tỷ giá mới từ tháng 8/2015. Nhìn lại hiệu ứng từ cơ chế tỷ giá mới của Trung Quốc

Cụ thể, thời điểm 11/8/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thay đổi cách công bố tỷ giá chính thức, theo đó tỷ giá tham chiếu trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng do PBoC công bố được xác định bằng tỷ giá đóng cửa bình quân trên thị trường liên ngân hàng ngày hôm trước. Các thành viên thị trường chỉ có thể xác lập tỷ giá giao dịch trong ngày của mình trong biên độ ±2% xung quanh tỷ giá tham chiếu do PBoC công bố. Tỷ giá tham chiếu PBoC công bố vì thế sẽ liên tục thay đổi, tùy thuộc vào tỷ giá đóng cửa trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng ngày hôm trước.

Thực tế cho thấy, chỉ 3 ngày sau khi công bố, đồng CNY đã mất giá 4,6% và liên tục chịu áp lực giảm giá sau đó. Tốc độ giảm giá CNY có phần chững lại trong tháng 9 và 10 nhưng sau đó tiếp tục giảm mạnh liên tiếp từ tháng 11 đến nay, bất chấp việc IMF chấp nhận để CNY gia nhập rổ SDR. Đáng chú ý, chỉ trong tuần đầu tháng 1/2016, giá trị đồng CNY đã mất tiếp 1,52% so với USD, giảm xuống mức thấp kỷ lục trong gần 5 năm (6,593) trong bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc phải đột ngột đóng cửa. Như vậy, chỉ trong 5 tháng kể từ khi áp dụng chính sách tỷ giá mới, CNY đã mất giá tổng cộng 5,8%.

Tốc độ mất giá của CNY được nhận định là nằm ngoài dự liệu của PboC. Một trong những nguyên nhân dẫn đến đồng CNY giảm giá mạnh là vào cuối ngày, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, theo đó sẽ kéo theo tỷ giá đầu ngày hôm sau tiếp tục giảm. Để giữ cho đồng CNY không bị giảm giá quá sâu, PBoC đã phải can thiệp một lượng lớn dự trữ ngoại hối vào thị trường. Theo số liệu thống kê của PBoC, tổng lượng ngoại tệ PBoC bán ra ròng để can thiệp thị trường ngoại hối trong 12 tháng đầu năm 2015 là 513 tỷ USD, trong đó khoảng 321 tỷ USD được bán ròng kể từ tháng 8 đến hết tháng 12/2015.

Tại thời điểm cuối tháng 11/2015 sau khi CNY chính thức được gia nhập SDR, các dự báo vẫn cho rằng tỷ giá USD/CNY sẽ tăng đến mức 6,8 vào cuối năm 2016, nhưng với những gì diễn ra trong tuần đầu tháng 1/2016, tỷ giá USD/CNY sẽ chẳng mấy chốc cán mốc này. Thậm chí hiện nay đã có những dự báo cho rằng USD/CNY sẽ lên đến mốc 7,5 vào cuối năm nay.

Tỷ giá thích ứng trước “cú sốc”

Tại Việt Nam, từ 4/1/2016, NHNN Việt Nam đã áp dụng cách thức điều hành tỷ giá theo tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày, đánh dấu một bước đi quan trọng trong nỗ lực tăng tính thị trường cho tỷ giá nhằm thích ứng kịp thời với các “cú sốc” trong và ngoài nước, hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô trong nước.

{keywords}
Cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến thị trường, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ

Theo cách thức điều hành tỷ giá mới này, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ do NHNN công bố hàng ngày là cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ. Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến thị trường trong và ngoài nước, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Việc công bố tỷ giá trung tâm là bước đi tiếp theo trong các biện pháp đồng bộ được NHNN thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của Đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sự khác biệt

Thứ nhất, NHNN đã có sự tính toán thận trọng, lựa chọn thời điểm công bố là đầu năm 2016, khi thị trường tạm lắng xuống sau đợt nghỉ Tết và chuẩn bị bước vào năm tài chính mới, mục đích là hạn chế gây sốc cho thị trường. Việc công bố về chính sách tỷ giá mới không hề bất ngờ mà đã được NHNN truyền thông tới các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam thông qua các chương trình hội thảo, tọa đàm từ cuối năm 2015. Lãnh đạo NHNN cũng phát đi tín hiệu cần thiết về một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn để thị trường chủ động trong các quyết sách của mình về tỷ giá cho một năm tài chính mới.

Điều này khác với cách làm của Trung Quốc, bởi PBoC công bố cơ chế mới theo cách bất ngờ, đột ngột và gây sốc cho thị trường, ảnh hưởng đến niềm tin vào các nhà hoạch định chính sách, dòng vốn ra ngày càng gia tăng đẩy đồng CNY và PBoC luẩn quẩn trong vòng xoáy mất giá – can thiệp thị trường – mất giá.

Thứ hai, trong cơ chế tỷ giá mới của Trung Quốc, tỷ giá chính thức được xác định bằng giá đóng cửa trên thị trường liên ngân hàng cuối ngày hôm trước. Như vậy, thị trường biết được thời điểm tham chiếu là cuối ngày và hoàn toàn có thể thao túng và làm giá vào thời điểm đó, khiến tỷ giá chính thức có thể bị bóp méo và không phản ảnh sát cung, cầu thực nữa.

Ngược lại, tỷ giá trung tâm mà NHNN công bố có tính linh hoạt hơn, thể hiện ở các biến tham chiếu phản ánh cả thị trường ngoại hối quốc tế và trong nước, cũng như các cân đối kinh tế vĩ mô. Điều này cho phép tỷ giá có thể hấp thụ cả những biến động tổng thể trong và ngoài nước, những tác động trái chiều có thể bù trừ cho nhau và cùng phản ánh vào tỷ giá, làm giảm những biến động quá lớn gây sốc cho thị trường.

Đồng thời, tỷ giá trung tâm được tham chiếu trên diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng trong ngày nên tránh sự thao túng, bóp méo như khi sử dụng tỷ giá chốt cuối ngày của Trung Quốc, giúp tỷ giá trung tâm phản ánh sát hơn cung, cầu ngoại tệ của thị trường.

Thứ ba, cách thức điều hành tỷ giá mới được bổ sung, hỗ trợ bởi sự đổi mới của NHNN trong việc đa dạng hóa hình thức bán, không chỉ bán giao ngay mà còn bán kỳ hạn. Theo đó, ngày 31/12/2015, NHNN bán ngoại tệ kỳ hạn cho phép hủy ngang với các TCTD. Kỳ hạn giao dịch là 90 ngày với tỷ giá kỳ hạn cao hơn 1% so với tỷ giá bán giao ngay của NHNN. Đây là biện pháp điều hành mới với nhiều ưu điểm. Theo đó, mặc dù không đưa ra các cam kết về tỷ giá như trước đây, NHNN vẫn thực hiện được chức năng định hướng, dẫn dắt kỳ vọng thị trường, bởi căn cứ vào tỷ giá kỳ hạn, thị trường có thể ngầm hiểu mục tiêu của NHNN là tỷ giá có thể tăng đến 1% trong một quý tới. Theo cách này, NHNN không phải bán một lượng lớn ngoại tệ theo hình thức giao ngay mà vẫn giúp ổn định tâm lý cho thị trường, nhờ đó TCTD sẵn sàng bán ngoại tệ cho khách hàng khi thị trường khan hiếm nguồn cung. Việc cho phép các TCTD có thể linh hoạt lựa chọn hủy giao dịch với NHNN khi nguồn cung trên thị trường dồi dào, sẽ giúp thị trường tự điều tiết khi nguồn cung cải thiện. NHNN không phải bán ngoại tệ, phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô.

Phương Linh