Không đủ tiền vào nhà hàng sang khi túi tiền eo hẹp, dân nhậu chuyển dần sang quán giá rẻ, tuy chỗ ngồi không đẹp, độ sang không bằng, kém sạch sẽ nhưng đồ nhậu ngon không kém. Nhờ đó mà quán nhậu vỉa hè đã được dịp lên ngôi.

Đi nhậu cũng phải tính

Thời giá cả đắt đỏ, thu nhập eo hẹp nên những quán bình dân, quán vỉa hè trở thành bãi đáp lý tưởng bởi giá cả phải chăng nhưng đồ nhậu không kém phần độc đáo, giá lại rẻ.

Là người thường tụ tập bạn bè sau giờ làm việc, Anh Nguyễn Tiến Quang, nhân viên một công ty máy tính trên phố (Lê Thanh Nghị - Hà Nội) cả năm nay không còn lui tới các nhà hàng “ruột” như trước kia. Anh Quang tâm sự, kinh doanh khó khăn nên túi không còn rủng rỉnh, mọi khoản chi tiêu đều phải hạn chế nên thay vì vào các nhà hàng sang nhóm bạn nhậu của anh chuyển dần qua quán bình dân và bia vỉa hè.

“Mỗi quán đều có một loại đồ nhậu khá độc đáo, giá rẻ, mỗi lần ăn chơi cũng tiết kiệm vài trăm nghìn. Vì thế, dù không yên tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng dân nhậu cũng dễ dãi cho qua. Lúc đầu ngồi vỉa hè cũng thấy ngại nhưng đi nhiều thành ra nghiền”, anh Quang nói. 

{keywords}
Bỏ quán sang ra vỉa hè nhậu rẻ.

Theo anh Quang, một nồi lẩu ở vỉa hè 250.000-300.000 đồng, trong khi đó chỉ cần bước chân vào nhà hàng là mất 500.000 đồng hay một chai vodka cũng chỉ 35.000 đồng so với cái giá 50.000 đồng trong nhà hàng. Một tuần cũng tới 2-3 buổi anh nhậu với bạn bè ngoài quán, tính ra cũng đỡ khối tiền.

Anh Trần Mạnh Tiến (nhân viên một công ty lắp ráp điện dân dụng ở quận Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ, anh tham gia đội bóng của công ty được hơn một năm. Sau mỗi trận giao lưu, cả đội lại rủ nhau đi nhậu. Lựa chọn tối ưu vẫn là quán bia cỏ, vỉa hè gần sân bóng. Cả đội hơn chục người hết hơn một triệu. Thấy vui và rẻ nên đây luôn là lựa chọn sau mỗi trận cầu.

Theo anh Tiến, các quán nhậu bình dân giá rẻ và có thể gọi món gì vẫn vui vẻ phục vụ. Có lần vào uống vài cốc bia và mấy cái nem chua đứng dậy thanh toán hết có 100.000 đồngn. Thậm chí gặp đối tác dễ tính anh cũng rủ ra quản vỉa hè bàn công việc.

Trong buối cảnh kinh tế khó nhăn, quán bình dân đang lên ngôi bởi hợp túi tiền của đại bộ phận người lao động. Chính vì thế, các quán này đang hút được một khách lớn từ các nhà hàng sang chuyển qua.

Quán nhậu “cóc” lên ngôi

Dọc theo các con phố ở Hà Nội đang xuất hiện la liệt các quán ăn vỉa hè, trong đó phải kể tới phố lẩu Cao Bá Quát, Phùng Hưng; đồ nướng Đại Cồ Việt, Bít tết Hòe Nhai...

Một số tuyến đường mới mở như Hoàng Cầu,đường ven sông Tô Lịch cũng đã xuất hiện các quán vỉa hè, tấp nập từ 6 giờ tối tới tận đêm.

Giá thực phẩm ở đây tương đối rẻ, chỉ từ 180.000-250.000 đồng/lẩu, đồ nướng khoảng 150.000 đồng/bàn, trà đá 2.000 đồng/cốc... Mặc dù vẫn lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng các quán vẫn luôn đắt khách nhờ lợi thế giá rẻ.

Anh Huỳnh Văn Hậu, chủ một quán nhậu bám vỉa hè trên phố Hồ Đắc Di (Đống Đa - Hà Nội), ít ai nghĩ anh là chủ một nhà hàng lớn trên phố Ngọc Khánh. Anh Hậu kể, nhà hàng ở Ngọc Khánh kinh doanh một thời có lãi nhưng kinh tế khó khăn khách vắng dần, trong khi vẫn phải mất thuê mặt bằng, nhân viên nên ngày càng lỗ.

{keywords}
Quán vỉa hè, bán hàng rẻ lời to.

Đang không có việc lại được anh em “xui” tận dụng vỉa hè trước nhà mở hàng lẩu, anh Hậu cũng thử đầu tư, vì một phần ngứa nghề. Tận dụng một số đồ dùng ở nhà hàng cũ, anh Hậu chỉ mua thêm vài bộ bàn ghế nhựa.

Theo anh Hậu, khách chủ yếu là sinh viên, nhân viên văn phòng, người lao động thu nhập thấp. Trung bình mỗi ngày anh cũng bán được hàng chục nồi lẩu. Hai vợ chồng cùng ba nhân viên bận rộn từ chiều đến tối muộn, nhất là các ngày nghỉ, dịp lễ không ngơi tay nên thu nhập cũng khá.

“Bán ở vỉa hè, mỗi hóa đơn ít nhưng được cái đông khách nên doanh thu cũng không hề nhỏ. Ở đây chủ yếu là người ít tiền nên lúc nào cũng cần rẻ, mặc dù vậy vẫn đặt chất lượng và số lượng để giữ khách. Muốn có lãi phải tìm được đầu vào tận gốc, bỏ công sức ra làm và thu hút đông khách. Vất vả hơn làm nhà hàng nhưng được cái tiền thu đều, quay vòng nhanh và lợi nhuận thu được không hề nhỏ”, anh Hậu cho biết.

Từ khi thất nghiệp, anh Nguyễn Bá quê Thái Bình đã mở quán vỉa hè để kiếm sống. Từ việc đầu tư ban đầu chỉ vài triệu bạc, tới nay anh Bá đã là chủ hai quán lẩu vỉa hè với gần chục nhân viên trên phố ven sông Tô Lịch mới mở.

Anh Bá cho hay: “Mình cũng nát óc nghĩ cách, cuối cùng thử liều mở quán vỉa hè. Lúc đầu cũng khó khăn nhưng sau thời gian khách hàng thường xuyên lui tới”.

Theo anh Bá, bí quyết duy nhất để hút khách vẫn là giá cả, nhưng không vì thế mà bỏ qua chất lượng. Chỉ cần nấu không ngon một hai hôm là mất khách ngay. Kinh doanh vỉa hè không phải chuyện đơn giản vì kiểu gì cũng vi phạm trật tự giao thông đô thị, chưa kể tới chuyện đầu gấu tới gây gổ nên dù giảm được sức ép đầu tư, chi phí nhưng lại đối phó với nhiều vấn đề khó nói khác.

Nhiều chủ quán nhậu vỉa hè có chung một phương châm kinh doanh mô hình nhỏ, quản lý đơn giản, chi phí thuê cửa hàng ít, đóng thuế không nhiều. Còn lại tập trung vào giá rẻ, lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh để hút khách thành ra lãi vẫn cao mà lại bớt sức ép.

Tuấn Linh