Chính phủ vừa có báo cáo liên quan đến việc 18 tàu cá của ngư dân được vay ưu đãi bị hư hỏng dù mới đưa vào sử dụng. Theo đó, một loạt sếp đăng kiểm bị kỷ luật với hình thức khiển trách và cảnh cáo.

Báo cáo của Chính phủ liên quan đến vụ việc cho biết, đến ngày 30/9/2017, toàn quốc đóng mới được 301 tàu cá vỏ thép (chiếm 39,55%) và đi vào hoạt động sản xuất, có nhiều tàu cá khai thác đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, tại tỉnh Bình Định ngay sau khi đưa tàu cá vào hoạt động đã phát hiện 18 tàu cá bị hư hỏng.

Cụ thể có 6 tàu rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin tàu (Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng 1 tàu; Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng 5 tàu); có 11 máy chính tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng hiệu Mitsubishi MPTA không đồng bộ và 1 tàu lắp máy thủy Dosan của Hàn Quốc bị gãy trục cơ.

{keywords}
Trình độ của cán bộ đăng kiểm còn hạn chế nên không phát hiện ra sai sót của các tàu vỏ thép (ảnh Zing)

Nguyên nhân chủ quan dẫn đến hỏng máy tàu là do Công ty TNHH MTV Nam Triệu mua máy bộ cải hoán lắp xuống tàu không theo đúng hợp đồng với chủ tàu là mua máy thủy.

Còn lý do khiến rỉ sét phần vỏ tàu là vì Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không tuân thủ quy trình sơn, kỹ thuật sơn, kỹ thuật làm sạch bề mặt và sử dụng sơn không đảm bảo chất lượng.

“Trong quá trình giám sát thi công, cán bộ đăng kiểm chưa tuân thủ các quy trình, quy phạm theo quy định về đăng kiểm”, báo cáo nêu rõ và khẳng định trình độ năng lực kỹ thuật của cán bộ đăng kiểm còn hạn chế, chưa phát hiện được việc lắp máy bộ cải hoán xuống tàu.

“Việc làm giả giấy chứng nhận nguồn gốc máy (CO) khá tinh vi, cán bộ đăng kiểm không phát hiện được”, báo cáo viết.

Ngay sau khi sự cố tàu cá vỏ sắt bị hư hỏng xảy ra tại Bình Định, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã ban hành Quyết định đình chỉ 2 Tổ trưởng Tổ đăng kiểm tàu cá để xem xét, xử lý trách nhiệm.

Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm tàu cá kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đăng kiểm viên có liên quan và quyết định thành lập Đoàn kiểm tra tại Trung tâm Đăng kiểm tàu cá để tập trung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm và các đăng kiểm viên đối với 18 tàu cá bị hư hỏng của Bình Định.

Kết quả là, mới đây Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã ban hành một loạt quyết định kỷ luật cán bộ của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá.

Cụ thể, ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, bị kỷ luật cảnh cáo.

Ông Vũ Thái Hệ, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng Kiểm tàu cá bị kỷ luật khiển trách;

Ông Nguyễn Vũ Hà, Trưởng phòng Đăng kiểm tàu cá, đăng kiểm viên hạng I bị kỷ luật cảnh cáo;

Ông Vũ Đình Thắng, Chánh Văn phòng Trung tâm, Tổ trưởng Tổ Đăng kiểm tàu cá số 2 tại nhà máy đóng tàu của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, đăng kiểm viên hạng II: Thi hành hình thức kỷ luật cảnh cáo;

Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó trưởng Phòng Kiểm định, Tổ trưởng Tổ Đăng kiểm tàu cá số 3 tại nhà máy đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đăng kiểm viên hạng II: Thi hành hình thức kỷ luật cảnh cáo;

Ông Trần Thế Anh, Viên chức Văn phòng Trung tâm Đăng kiểm tàu cá bị khiển trách.

Còn Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải chịu toàn bộ chi phí trong việc thay mới máy thủy và sơn lại 11 tàu cá theo đúng hợp đồng đã ký với ngư dân; thay mới trục cơ, sửa chữa các hư hỏng máy Dosan, sửa chữa, bảo dưỡng sơn lại 1 tàu và chi trả kinh phí cho chủ tàu những ngày tàu nằm bờ.

Đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, phải chịu toàn bộ chi phí trong việc sửa chữa, sơn lại 5 tàu cho ngư dân và chi trả kinh phí cho chủ tàu những ngày tàu nằm bờ.

Dự kiến đến 30/10, số tàu bị hư hỏng của tỉnh Bình Đình sẽ được khắc phục xong và trở lại hoạt động bình thường.

Lương Bằng