Thông tin tăng thuế trước bạ đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi lên cao đang gây xôn xao dư luận, theo đó, mức lệ phí lần đầu đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ (kể cả lái xe) là 10%. Tuy vậy, các địa phương, căn cứ vào thực tế mà áp dụng mức thu với tỷ lệ cao hơn. Thực hư câu chuyện này như thế nào?

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính nói: "Dự thảo Nghị định ra đời từ năm 2016, đến nay Chính phủ đã ra Nghị định và chính thức áp dụng. Việc đưa thông tin phí trước bạ tăng 50% là hoàn toàn sai sự thật, Bộ sẽ phản hồi về vấn đề này".

Theo thông tin được lan truyền hiện lệ phí trước bạ lần đầu áp cho ô tô dưới 10 chỗ, trên toàn quốc, có 2 mức là 10% và 12%, tùy từng địa phương. Tuy nhiên, với "độ mở" khá lớn trong dự thảo của Bộ Tài chính, nếu thành hiện thực, sẽ cho phép các địa phương có thể nâng lệ phí trước bạ với ô tô lên cao, đón đầu thời kỳ giá ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN giảm vào năm 2018.

{keywords}

Theo quy định, mức phí trước bạ được tăng tối đa chỉ 15% trên phạm vi cả nước 18% với Hà Nội (ảnh minh hoạ)

Theo các doanh nghiệp (DN), vào đầu năm 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN về Việt Nam giảm xuống mức 0%, giá xe có thể giảm 20% so với hiện nay. Sang năm 2018, không ít mẫu xe bình dân nhập khẩu sẽ xuất hiện trên thị trường với mức giá từ 500-600 triệu đồng. Chỉ còn hơn 200 ngày nữa là đến thời điểm này.

Tuy nhiên, việc thông tin phí trước bạ được tăng sốc đã dội gáo nước lạnh vào tâm lý của nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang mong chờ mua được một chiếc xe nhập khẩu với giá rẻ vào năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia được xoá bỏ hoàn toàn thay vì 30% như năm 2017.

Trên thực tế, Dự thảo Nghị định này được Bộ Tài chính đưa ra tháng 4/2016, lấy ý kiến các Bộ, ngành và chuyên gia. Nội dung về phí trước bạ đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống được quy định cụ thể tại mục 5, Điều 7, cụ thể: Ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%. Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung.

Ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Hiện mức phí trước bạ áp dụng cho ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi đăng ký mới là 10%, riêng Hà Nội là 12%.

Theo nội dung của Dự thảo như trên thì việc điều chỉnh tăng tối đa không quá 50% mức quy định chung. Tức là 50% của 10% phí trước bạ hiện nay (tăng thêm 5%), thành mức tăng 15% áp dụng trên cả nước, còn riêng với Hà Nội mức phí trước bạ có thể tăng tối đa 18% (hiện là 12%).

Từ tháng 10/2016, Nghị định 140/2016/NĐ-CP về phí trước bạ được Chính phủ ban hành áp dụng từ ngày 01/01/2017, Nghị định ra đời sau khi Dự thảo về lệ phí trước bạ được Bộ Tài chính lấy ý kiến trước đó.

Theo đó, Chính phủ quy định: Ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%. Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung.

Ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Như vậy, câu chuyện phí trước bạ với ô tô đã được giải quyết trong Nghị định 140 của Chính phủ, mức phí trước bạ chỉ có thể tăng từ 10% lên 15% đối với phạm vi cả nước và 17-18% đối với riêng Hà Nội. Tuy nhiên, để chấp thuận mức tăng phí này, bắt buộc phải có sự đồng ý của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố. Như vậy, không có chuyện tăng phí trước bạ sốc theo như thông tin đang lan truyền.

(Theo Dân Trí)