- Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013, Chính phủ yêu cầu, việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế phải theo lộ trình hợp lý, không dồn vào cùng một thời điểm, tránh tác động gây tăng giá đột biến.
Không điều chỉnh giá điện, xăng dồn dập
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo tiết kiệm chi, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ chi từ nguồn dự phòng ngân sách; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đánh giá việc thực hiện các chính sách tài khóa theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, khả năng cân đối ngân sách năm 2013, tính toán phương án tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 20% và phương án giảm thuế giá trị gia tăng, báo cáo Chính phủ trong tháng 4-2013.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tháng 3-2013, khi xem xét đề xuất của Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 25% xuống 23%), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Chính phủ tính toán và cân nhắc khả năng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 20%. Nhiều ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng “nếu giảm thuế về mức 20% thì thuận lợi nhất”. Dù vậy, theo Bộ Tài chính, cứ giảm mức thuế xuống 1%, ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu khoảng 6.000 tỷ đồng.
Cũng tại Nghị quyết tháng 3-2013, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế phối hợp hướng dẫn theo thẩm quyền lộ trình điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế một cách hợp lý, không dồn vào một thời điểm, nhằm tránh tác động gây tăng giá đột biến. Sau khi giá xăng tăng mạnh vào ngày 28-3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương hôm 1-4, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, chưa nhận được đề xuất nào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN về việc tăng giá điện. Cục Điều tiết điện lực cũng khẳng định “tháng 4-2013 chưa điều chỉnh giá điện”.
Tiếp tục giảm lãi suất, tính toán giảm thuế
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương hướng dẫn và triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng để hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với mức lãi suất ổn định ở mức thấp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải tiếp tục điều hành giảm lãi suất tín dụng ngay trong đầu tháng 4.2013; tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn về điều kiện, thủ tục vay vốn để tín dụng nhanh chóng đi vào nền kinh tế; đẩy mạnh ưu tiên cho vay các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Bộ Tài chính tính toán phương án tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 20% và phương án giảm thuế giá trị gia tăng, báo cáo Chính phủ trong tháng 4.2013. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế phối hợp hướng dẫn theo thẩm quyền lộ trình điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế một cách hợp lý, không dồn vào một thời điểm, tránh tác động gây tăng giá đột biến.
Mua nhà xã hội được vay tiền
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vào cuối tháng 3-2013, việc vay tiền để mua nhà ở xã hội không được quy định trong Nghị quyết 02 của Chính phủ nên gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không dành cho diện đối tượng này. Tuy nhiên, NHNN cũng nhấn mạnh, sẽ ủng hộ bổ sung thêm đối tượng vay mua nhà ở xã hội vào chương trình này, nếu pháp luật cho phép.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2013, Chính phủ yêu cầu NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương hướng dẫn và triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng để hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với mức lãi suất ổn định ở mức thấp. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục điều hành giảm lãi suất tín dụng ngay trong đầu tháng 4-2013; tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các ngân hàng thương mại, tháo gỡ khó khăn về điều kiện, thủ tục vay vốn để tín dụng nhanh chóng đi vào nền kinh tế; đẩy mạnh ưu tiên cho vay các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục điều hành ổn định tỷ giá, kiểm soát chặt giá trị đồng tiền Việt Nam.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương đề xuất phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đây là chủ trương được doanh nghiệp, nhà đầu tư mong chờ, bởi nó có thể sẽ góp phần quan trọng vào việc kích cầu, giải quyết lượng nhà, đất tồn kho rất lớn hiện nay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
PV (Tổng hợp)