Thời bão giá, mua thực phẩm cũng phải chi li từng đồng đã khiến nhiều bà nội trợ chấp nhận dậy sớm hơn, để tìm đến các chợ đầu mối thay vì mua thực phẩm ở chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn Hà Nội như trước kia. Cách làm này không chỉ tiết kiệm được túi tiền mà còn chọn lựa được những thực phẩm tươi, ngon.
>> 20% người giàu đẩy hàng hóa “đội giá”?
>> Bỏ chợ, vào siêu thị mua thực phẩm
>> Khốn khổ vì giá thịt tăng vọt
>> Hầu hết vàng trang sức để tích trữ đều bị pha thêm đồng?
4h45 phút, trời còn chưa sáng rõ, ngoài đường vẫn còn khá vắng người, thế nhưng bác Lan (Khu tập thể đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trở dậy chuẩn bị giày, quần áo cho buổi tập dưỡng sinh cùng mấy người bạn già tại nhà văn hóa Cầu Giấy. Không chỉ dừng lại ở đó, từ hôm ra Tết mỗi sáng bác lại có thêm một phần việc mới là dành từ 20-30 phút để đi chợ Dịch Vọng mua rau và thực phẩm ăn trong ngày cho gia đình, trước khi bắt đầu buổi tập.
Theo lời bác Lan, trước đây thường 6 giờ sáng bác mới thức dậy chuẩn bị cơm nước, nhưng từ hôm nghe mấy người hàng xóm rỉ tai nhau chuyện đi chợ sáng mua được thức ăn tươi, ngon mà giá rẻ trông thấy nên bác cũng làm theo. Theo tính toán, mỗi ngày gia đình bác Lan tiết kiệm được 20.000 đồng - 30.000 đồng so với đi chợ lúc 8 -9 giờ sáng như trước đây.
Theo chân bác Lan chỉ chưa đầy 20 phút, 4-5 loại thức ăn đã được mua một cách nhanh chóng. Theo lý giải của bác, ở chợ đầu mối la liệt các quầy hàng thịt, rau xanh, thủy hải sản nên rất dễ dàng lựa chọn được những đồ tươi ngon và có cơ hội chọn các quầy hàng bán với mức giá chấp nhận đươc.
Bác Lan cho biết: "Cá chép ở chợ đầu mối chỉ có 60.000 đồng/kg, nhưng khi mua ở chợ cóc lên đến 80.000-90.000 đồng/kg tùy hôm, còn sườn lợn ở đây mua với giá 9.000 đồng/lạng nhưng khi về chợ lại lên tận 11.000 -12.000 đồng/lạng. Nếu không đi chợ đầu mối mỗi ngày tiền chợ cho cả gia đình cũng phải ngốn tận 100.000 đồng, hôm nào trời mưa rét còn nhiều hơn, vì giá rau xanh đột ngột tăng lên đáng kể".
Cùng có cách làm như bác Lan, cô Thủy (Quận Hoàn Kiếm) bị tiểu đường gần 5 năm nay nên sáng nào cũng dành gần 1 tiếng để đi bộ rèn luyện sức khỏe. Thế nhưng, khi giá cả phi mã liên tục cô cũng phải "hi sinh" 15 phút đi bộ để tạt qua chợ đầu mối Long Biên mua rau và thực phẩm.
Cô Thủy kể: "Trước đây có mấy bà bán hàng rong thường đưa thức ăn đến bán ở khu nhà tôi, nhưng mà giá đắt kinh khủng, mớ rau muống bán gần 10.000 đồng thì ai chấp nhận được. Nếu kỳ kèo giá đắt thì họ lại nhăn nhó, có khi văng lời lẽ khó nghe lắm. Đi chợ sáng sớm mình thích chọn quầy nào cũng được, mà giá rau muống có khi chỉ 2.000 đồng/mớ".
Không chỉ có rau xanh hay thực phẩm, mà theo lời cô Thủy, giá bán các loại hoa quả tại chợ đầu mối cũng tương đối rẻ. Ví dụ 1 kg xoài Thái "xịn" ở chợ đầu mối chỉ có 40.000 đồng/kg nhưng khi vào tay tiểu thương trong nội thành có khi lên đến 55.000 đồng - 60.000 đồng/kg, còn cam sành từ 40.000 đồng/kg lại "vọt" lên 60.000 đồng/kg.
Giờ đây, chỉ với 70.000 đồng/ngày gia đình cô Thủy vẫn có đủ rau xanh và thức ăn tươi cải thiện mà không phải lo lắng "thiếu trước, hụt sau" như trước kia. Theo lời cô Thủy, nếu đi chợ trong nội thành mà cầm 70.000 đồng thì chỉ đủ mua một ít thịt với 2 mớ rau muống, muốn ăn hoa quả cũng chịu.
Không chỉ có những người già đã nghỉ hưu mới lựa chọn cách đi chợ vào sáng sớm này. Mỗi sáng nhiều nhân viên văn phòng bận rộn cũng tranh thủ dậy sớm hơn để qua chợ mua thức ăn chuẩn bị cho bữa tối. Chị Linh Giang (Xuân Đỉnh) đang là nhân viên kế toán ngân hàng làm việc ở Hà Đông cách nhà gần 15km, nhưng sáng nào chị cũng tranh thủ dậy sớm hơn từ lúc 6 giờ kém 15 phút, để đảo qua chợ đầu mối Nam Thăng Long tranh thủ chọn những đồ ăn tươi nhất cho chồng và 2 con nhỏ.
Nhiều gia đình bỏ thói quen
tiện đi
làm về đi chợ buổi chiều vì giá cả ngoài chợ liên tục tăng.
Chị Giang cho biết: "Nếu đợi đến chiều tối thì phải mua đồ ăn ở chợ Xuân Đỉnh, mà thức ăn lúc đó còn đâu đồ ngon. Đi chợ sáng chọn được đồ tươi mà giá cả theo tôi thấy chỉ bằng một nửa".
Thu nhập của 2 vợ chồng chị Giang gần 10 triệu/tháng, nhưng riêng tiền học của hai cô "công chúa" cũng đã tốn gần 3 triệu đồng. Đủ loại chi tiêu, tiền thuê nhà, điện nước, điện thoại, xăng xe cũng "ngốn" một số tiền không nhỏ, nếu chấp nhận mua đồ ăn cho tiện khi đi làm về buổi chiều thì gia đình chị chẳng còn tích lũy được bao nhiêu. Từ ngày áp dụng cách mới này, tháng nào chị cũng tiết kiệm được gần 1 triệu đồng tiền ăn để phòng lúc có công chuyện trong gia đình.
Đi chợ đầu mối cũng phải có... mẹo
Tuy nhiên, không phải cứ phó mặc cho việc mua thức ăn ở chợ là hoàn toàn yên tâm về chuyện túi tiền đã được tiết kiệm. Bác Lan cho biết, lần đầu tiên đi chợ đầu mối bác đã bị hớ, vì tưởng rằng các quầy hàng đều cùng một giá. Sau lần tặc lưỡi cho qua đó, bác đã thêm dạn dày kinh nghiệm khi đi chợ sáng.
Bác Lan chia sẻ: "Khi đi chợ đầu mối, nếu thấy giá tăng hơn thường ngày thì phải đi nhiều hàng cạnh đó để xem xét tình hình, nếu biết người bán tự nâng giá thì mình nên chọn hàng nào mà họ bán với giá phải chăng nhất". Tuy nhiên, một điều không thể quên là giá cả phải đi cùng với chất lượng, bác Lan cho rằng: "Mua với giá rẻ nhưng thực phẩm phải tươi, chưa có mùi lạ và không bị bầm dập".
Còn chị Tâm (Tập thể Đại học Sư Phạm Hà Nội) lại duy trì mối quen biết với những hàng mình thường hay mua. Như vậy, có thể tạm yên tâm về giá cả.
Chị Tâm cho biết: "Lúc đầu đi chợ, chị chẳng quen ai cả, nhưng sau 1 tháng ở mỗi khu vực bán thực phẩm, rau xanh lại quen được 1-2 quầy hàng. Làm được thế, mình rất tiện chọn lựạ, mà người bán cũng không nói thách, vừa tiết kiệm tiền đỡ mất thời gian. Thậm chí có khi chị đảo hết cả sạp để chọn rau tươi ngon, mà họ chẳng nói gì".
(Theo VTC)