Từ vụ án chiếm đoạt tài sản lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng cho thấy một chuỗi thất bại về tiền bạc, thất bại về pháp luật, thất bại về trách nhiệm và thất bại về lòng tin.

Vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ đồng xảy ra tại Vietinbank là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng. Và sẽ xảy ra một thảm họa pháp lý nếu kết quả xét xử đúng như cáo trạng. Đó là một chuỗi thất bại về tiền bạc, thất bại về pháp luật, thất bại về trách nhiệm và thất bại về lòng tin.

Thất bại về tiền bạc

Vụ án có tới 23 bị cáo, nhưng toàn bộ số tiền thất thoát khổng lổ nói trên đều qua một đầu mối Huyền Như gây ra trong khoảng thời gian 18 tháng (từ 3/2010 đến 9/2011). 

Câu hỏi đặt ra là số tiền khổng lồ này đã đi đâu? Kết quả điều tra gần như không chứng minh rõ được đường đi của đồng tiền. 

{keywords}
Tại sao Viện KSND Tối cao đã hai lần yêu cầu làm rõ dấu hiệu tham ô mà Huỳnh Thị Huyền Như vẫn không bị truy tố tội Tham ô? 

Theo Cáo trạng, trong tổng số tiền mà bị cáo Huyền Như chiếm đoạt, ngoài phần bù cho khoảng 200 tỷ đồng vay mượn từ đầu năm 2007 để kinh doanh bất động sản bị thua lỗ và chi tiêu cá nhân, số còn lại chủ yếu dùng để trả lãi cho các khoản tiền huy động. 

Số tiền thất thoát đương nhiên là chỉ dùng để trả lãi, vì số tiền gốc thì huy động bao nhiêu cũng chỉ phải trả lại bấy nhiêu, mà không có sự chênh lệch. Nếu lấy số tiền huy động sau để trả cho số tiền huy động trước, thì mấy ngàn tỷ đồng huy động trước đó đã đi đâu mà chỉ thu hồi được khoảng 600 tỷ đồng.  

Nếu chỉ dùng để trả nợ gốc và lãi cho số tiền đã huy động trước đó, thì trả cho những khoản huy động nào, của ai, bao giờ và tổng số tiền huy động là bao nhiêu mà phần thiếu hụt do trả lãi lên đến hơn 3.900 tỷ đồng. Đặc biệt là các khoản huy động và chi trả đều được lưu trên hệ thống ngân hàng. 

Nhưng dù có bị quy kết chiếm đoạt vài tỷ hay gần năm ngàn tỷ đồng, thì đòn phạt đối với Huyền Như cũng chẳng có gì khác nhau, vì mức hình phạt cao nhất đối với tội lừa đảo chỉ là tù chung thân theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành”

Đối với tội phạm về kinh tế, thì vấn đề quan trọng nhất là khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản bị thiệt hại, chứ không phải là nhằm trừng phạt người phạm tội.

Nếu xét về số tiền thiệt hại, chỉ là tù chung thân theo quy định của Bộ vụ này tuy không bằng vụ EPCO - Minh Phụng, nhưng mức độ thiệt hại thực tế thì lại là lớn nhất trừ trước đến nay.

Vì vụ án EPCO - Minh Phụng đã thu hồi được phần lớn số tiền thông qua việc xử lý khối tài sản khổng lồ, còn vụ án này thì thấy rõ nguy cơ mất trắng 3.300 tỷ.

Thất bại về pháp luật 

Huyền Như đã bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với một loạt thủ đoạn như: Làm giả hợp đồng ủy thác đầu tư, giả chữ ký của Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè, làm giả hồ sơ mở tài khoản của khách hàng, giả lệnh chi, giả chữ ký chủ tài khoản, giả chữ ký của khách hàng trong việc lập và cầm cố thẻ tiết kiệm để vay tiền,…

Nhưng dù có bị quy kết chiếm đoạt vài tỷ hay gần năm ngàn tỷ đồng, thì đòn phạt đối với Huyền Như cũng chẳng có gì khác nhau, vì mức hình phạt cao nhất đối với tội lừa đảo chỉ là tù chung thân theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. 

Trong khi, nếu kết tội tham ô, chiếm đoạt tiền của Vietinbank thì chỉ cần vài tỷ đồng là Huyền Như đã phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình.

Lừa lọc trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân, nhưng hầu hết số tiền chiếm đoạt được lại là tiền gửi của khách hàng tại Vietinbank. 

Khi lượng tiền gửi từ các khách hàng đã được nhập vào trong hệ thống ngân hàng, thì một lằn ranh pháp lý rõ rệt đã được hình thành: Tiền gửi của khách hàng lập tức thuộc trách nhiệm quản lý của Viettinbank. 

Là cán bộ của Vietinbank, với một loạt hành vi xảy ra đối với tiền của khách hàng gửi tại chính Vietinbank, thì xét về pháp lý Huyền Như đã móc túi, rút ruột Vietinbank. Dấu hiệu đó cũng cho thấy về mặt cấu thành tội phạm thì tội danh tham ô tài sản của Vietinbank phải được đặt ra đối với Huyền Như thì mới đúng người, đúng tội. 

Và như vậy, thì Vietinbank phải có nghĩa vụ thanh toán đủ số tiền gửi cho khách hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì Huyền Như đã không bị truy tố tội tham ô, mặc dù Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã 2 lần trả lại hồ sơ để yêu cầu điều tra làm rõ tội phạm này. 

Đặc biệt liên quan hành vi giả chữ ký của khách hàng để cầm cố sổ tiết kiệm, vay vốn và chiếm đoạt trên 500 tỷ đồng của Vietinbank, một loạt cán bộ, nhân viên Vietinbank đã bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.  

{keywords}
Trong vụ án này, sự phòng ngự sơ hở của hệ thống quản trị rủi ro tại Vietinbank chính là môi trường tạo ra các hành vi phạm tội của Huyền Như.

Đây là một nghịch lý lớn, vì nếu Huyền Như đã chiếm đoạt tiền của khách hàng, thì các cán bộ này sẽ không bao giờ phạm tội vi phạm quy định về cho vay, vì tội này chỉ có thể gây thiệt hại cho tiền bạc của chính Vietinbank, là ngân hàng cho vay. 

Ngược lại, nếu Huyền Như chiếm đoạt số tiền vay của Vietinbank, thì khoản tiền bị chiếm đoạt này không thể coi là thiệt hại của các pháp nhân và cá nhân đã gửi tiền vào Vietinbank. Như vậy, đây là vụ án chiếm đoạt tài sản lớn nhất từ trước đến nay, nhưng có thể đang vuột mất khả năng trừng trị các bị cáo theo đúng tội danh.

Thất bại về trách nhiệm 

Câu hỏi day dứt nhất đặt ra trong vụ án này là các bị cáo hay Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Phần Quyết định của Cáo trạng nêu: Buộc các bị cáo phải bồi thường cho các bị hại theo quy định của pháp luật. Nếu đúng như vậy, thì đồng nghĩa với việc Vietinbank sẽ vô can và hàng loạt nạn nhân sẽ mất trắng 3.300 tỷ đồng, vì các bị cáo hầu như không còn khả năng tài chính để bồi thường.  

Tuy các bị cáo là những kẻ trực tiếp gây ra thiệt hại, nhưng trong vụ án này không thể phủ nhận một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định chính là sự sơ hở, yếu kém chết người đã chọc thủng hệ thống quản trị rủi ro của Vietinbank: Nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra liên tiếp. Nhiều cán bộ, nhân viên liên quan cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm. 

Nhiều công đoạn sai sót chết người nối tiếp nhau mà không hề gặp trở ngại. Nhiều chứng từ và chữ ký giả vẫn lọt qua mọi cửa kiểm soát. Nhiều ngàn tỷ đồng đã được chuyển đi và rút ra bất hợp pháp một cách dễ dàng. Nhiều chục giao dịch phạm tội đã hoàn thành một cách trót lọt. 

Có thể nói, trong vụ án này, sự phòng ngự sơ hở của hệ thống quản trị rủi ro tại Vietinbank chính là môi trường tạo ra các hành vi phạm tội của Huyền Như.

Về nguyên tắc, cán bộ ngân hàng làm sai, thì trước hết ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Điều này cũng giống như lái xe gây tai nạn, thì công ty có lái xe phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân, sau đó mới yêu cầu lái xe bồi thường cho công ty. 

Cũng tương tự như người thi hành công vụ là cán bộ, công chức nhà nước thực hiện các hành vi trái pháp luật (gồm “không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật”) thì cơ quan nhà nước phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại theo quy định tại các Điều 2 và 3 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. 

Nếu người làm việc cho pháp nhân có hành động sai trái hoặc vượt quyền, gây ra thiệt hại cho người khác, mà pháp nhân lại đẩy hết rủi ro ra ngoài xã hội, phủ nhận sạch trơn trách nhiệm của mình, thì pháp nhân đó khác nào một pháp nhân "ma". 

Hay như Điều 618 về “Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra” Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng đã quy định rõ: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”

Và muốn trốn tránh trách nhiệm, thì chỉ cần chứng minh mỗi điều là nhân viên phạm tội hình sự. Điều này thì dường như quá dễ dàng đối với các vụ việc thất thoát tiền tỷ. Và như vậy thì chẳng hóa ra, nhân viên của pháp nhân gây ra thiệt hại càng lớn, thì pháp nhân càng “mừng”, vì họ càng có nhiều cơ hội “thoát tội”, thoát khỏi trách nhiệm bồi thường.

Nếu không quy được trách nhiệm của pháp nhân, thì pháp luật sẽ luôn thất bại trong việc bồi thường cho nạn nhân và người bị hại.

Thất bại về lòng tin

Trên thực tế, đã xảy ra quá nhiều trường hợp cán bộ ngân hàng phạm tội, chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng, đồng thời cũng chính là của ngân hàng. Báo động một tình trạng đặc biệt nguy hiểm là, ngân hàng làm mất tiền tỷ của khách hàng mà cứ cho rằng không liên can gì về trách nhiệm bồi thường. 

Ngân hàng cứ nhất quyết từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh sau khi đã phát hành thư bảo lãnh có chữ ký thật của giám đốc ngân hàng và con dấu thật của ngân hàng. Ngân hàng cứ đẩy được cán bộ vi phạm vào tù, thì cũng đồng thời đẩy được trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Đó chính là những vụ nổ phá tan uy tín của từng ngân hàng nói riêng và của cả ngành Ngân hàng nói chung.

Đặc biệt, nếu ngân hàng nhận tiền gửi cứ giũ bỏ trách nhiệm của mình chỉ vì lý do cán bộ phạm tội, thì hàng vạn tổ chức kinh tế và hàng triệu người dân mang tiền gửi vào ngân hàng có thể bị mất trắng tiền gửi bất kỳ lúc nào. Vì ai có thể đoán chắc được rằng, mình không bị “dính” phải một cán bộ nào đó, như giao dịch viên, thủ quỹ, kế toán viên, kiểm soát viên, trưởng phòng hay giám đốc,… có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 

Nếu khách hàng cứ gửi tiền vào ngân hàng rồi bị mất do bị cán bộ ngân hàng lừa đảo, thì khách hàng sẽ mất hết niềm tin vào toàn bộ hệ thống ngân hàng. Mà dân chúng không còn lòng tin vào ngân hàng, thì không thể lường trước được điều tồi tệ gì có thể xảy ra!

(Theo Đất Việt)