Việt Nam có nhiều cơ quan giám sát tài chinh nhưng hệ thống này còn nhiều hạn chế, chưa liên thông nên rất nhiều tổ chức, cá nhân vẫn vượt qua, vi phạm các quy định. Thậm chí, nhiều sai phạm đã có tính lịch sử và tồn tại một cách ngang nhiên.
Tại Hội thảo quốc tế về "Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính" mới đây, rất nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự lo lắng về tính hiệu quả của hệ thống giám sát tài chính Việt Nam.
Theo ông Roberto Rocha, cố vấn cao cấp Ngân hàng Thế giới, hệ thống tài chính của Việt Nam hiện đang dựa quá nhiều vào ngân hàng. Hiện ngân hàng đang chiếm tới 92% nguồn cung cấp vốn trên thị trường. Trong khi đó, công tác quản trị ngân hàng hết sức yếu kém, quá nhiều sở hữu chéo và phức tạp, mức độ minh bạch thấp. Còn các DN luôn thổi phồng khả năng sinh lời, hoạt động kế toán, kiểm toán còn sơ khai, báo cáo tài chính không rõ ràng. Điều này đặc biệt nghiêm trọng tại các DN Nhà nước.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn lại nhấn mạnh đến tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, với sự liên thông của 3 khu vực ngân hàng, chứng khoán, DN đã làm méo mó và lệch lạc các dòng chảy tiền tệ, trong nền kinh tế và được coi là một trong những nguyên nhân gây bất cập của hệ thống tài chính thời gian qua.
Rất nhiều cơ quan giám sát nhưng lắm kẽ hở nên bị qua mặt. |
“Minh bạch thông tin là nhân tố quan trọng để thiết lập môt hệ thống tài chính lành mạnh, thì đến nay vẫn mờ mịt” ông Ngoạn nói.
Trong khi đó, hệ thống giám sát còn yếu kém, bộc lộ nhiều lỗ hổng và không phù hợp. Chẳng hạn các quy định về giám sát ngân hàng lại kết hợp chức năng giám sát và thanh tra tổng hợp, làm giảm hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát tại chỗ. Giám sát từ xa vẫn còn ở giai đoạn đang xây dựng, chất lượng báo cáo tài chính, hệ thống thông tin còn yếu. Thiếu khả năng và quyền hạn thực thi pháp luật, thiếu giám sát hợp nhất.
Hiện tại, công tác giám sát thị trường tài chính được phân nhiệm cho nhiều cơ quan như: Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)… việc này dẫn đến nhiều chồng chéo trong quá trình giám sát. Đặc biệt, việc giám sát các rủi ro chéo còn yếu do thiếu sự phối hợp, liên thông giữa các cơ quan liên quan.
Việt Nam chưa có một cơ quan giám sát vĩ mô đủ thẩm quyền để có thể cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của thị trường tài chính. Dù đã có một Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhưng các quy định pháp lý và vị thế cơ quan ngày còn thấp nên chủ yếu mới làm… báo cáo.
Trong khi đó, hệ thống chế tài xử phạt còn thiếu tính răn đe, nên hiệu quả ngăn ngừa các hành vi vi phạm còn nhiều hạn chế. Cả ba lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm chưa có hệ thống công nghệ thông tin và các tiện ích điện tử đủ để đáp ứng cho việc giám sát và phân tích dữ liệu phục vụ hoạt động giám sát.
Đáng quan ngại hơn cả, hệ thống giám sát tài chính hiện chỉ tập trung vào giám sát tuân thủ, mà chưa coi trọng thỏa đáng giám sát rủi ro phát sinh trong thực tiễn vận hành của thị trường. Với phương thức giám sát này, cơ quan quản lý mới chủ yếu dừng lại ở kiểm tra tính tuân thủ của các đối tượng trong diện giám sát xem đã thực hiện đúng các cơ chế, chính sách, các tiêu chí mà cơ quan quản lý đã ban hành hay chưa.
Hệ thống tài chính của Việt Nam hiện đang dựa quá nhiều vào ngân hàng. |
Mối nguy của phương thức giám sát trên, là hệ thống cơ chế, chính sách giám sát chưa bao quát hết những rủi ro có thể phát sinh, hoặc tồn tại không ít bất ổn, trong khi các đối tượng trong diện giám sát buộc phải tuân thủ những quy định không ổn đó. Điều này làm tăng rủi ro cho chính các chủ thể tham gia thị trường, cũng như đe dọa tính an toàn hệ thống.
Một số chuyên gia cho rằng, thời gian qua cơ quan giám sát là "tuyến phòng thủ" thứ 2 đã không làm tròn sứ mạng trong việc phát hiện kịp thời rủi ro, để có chính sách ngăn ngừa đổ vỡ.
Hệ thống tài chính đang phát triển nhanh chóng, phức tạp, do đó, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị, trong đó có đề xuất đáng chú ý là nên xây dựng mô hình giám sát hợp nhất, thay vì mô hình phân tán như hiện nay. Việc có một “nhạc trưởng” thực sự trong giám sát hệ thống tài chính mới có thể dần khắc phục những bất cập hiện tại, nâng cao hiệu quả giám sát.
Tuy nhiên, giám sát hợp nhất cũng cần phải có kiểm chứng và những câu trả lời cụ thể. Việt Nam đang trong quá trình chuyển từ giám sát phân tán sang giám sát hợp nhất, nhưng chưa hoàn chỉnh. Vì vậy mới làm cho chức năng giám sát không rõ ràng, mạch lạc, cơ chế điều phối giám sát rất quan trọng lại bị khuyết, khiến cho khả năng giám sát thiếu hiệu quả.
Trần Thủy