Bất chấp quy định về quản lý giá sữa của Bộ Tài chính, từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 giá sữa bột cho trẻ em vẫn tiếp tục tăng và dự báo sắp tới nhiều sản phẩm sữa sẽ còn tăng giá nữa.
Lại tăng vì nguyên liệu
Không chính thức công bố về việc tăng giá sữa nhưng khảo sát trên thị trường đầu năm 2014, giá sữa bột dành cho trẻ em của các công ty sữa như Abbott Việt Nam, Mead Jonhson đều đã được điều chỉnh tăng lên.
Mở màn cho đợt tăng giá sữa mới là sữa của hãng Mead Johnson, đã tăng 5 - 7% từ ngày 12.12.2013, ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30 yêu cầu các công ty sữa giảm chi phí để giảm giá bán. Một trong những hãng sữa khác chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam là Abbott cũng đã thông báo với các đại lý về việc tăng giá sản phẩm. Như vậy, bất chấp Thông tư 30 về việc quản lý giá sữa và các thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20.11 và các văn bản liên tục ban hành của Bộ Tài chính, nhiều hãng sữa vẫn tăng giá dịp cuối năm ngoái.
Ông Trương Văn Toàn, Giám đốc pháp lý và đối ngoại Công ty sữa FrieslandCampina cũng cho biết giá sữa nguyên liệu là nguyên nhân chính trong việc dự kiến tuần sau lãnh đạo FrieslandCampina sẽ ngồi lại để tính toán giá bán và nhiều khả năng phải tăng giá sữa thành phẩm.
Không âm thầm tăng giá như các công ty sữa ngoại, một số hãng sữa trong nước đã thông báo trước động thái tăng giá vì những biến động về nguyên liệu. Theo thông tin từ Công ty sữa Vinamilk, từ quý 3/2013, giá lương thực thực phẩm trong đó có nguyên vật liệu sữa trên thị trường thế giới biến động tăng liên tục và rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng so với nhiều năm trước đây.
Đến đầu năm 2014, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu sữa trên thế giới vẫn tiếp tục tăng giá nguyên vật liệu và họ chỉ đồng ý cung cấp nguyên liệu trong ngắn hạn cho các nhà nhập khẩu nguyên liệu sữa. Ngay cả với Vinamilk, ưu thế của những năm trước là ký được hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu cho cả năm, nhưng năm nay Vinamilk cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, không ký được hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất cả năm.
Từ đầu năm 2014, giá các nguyên liệu chính (bột sữa, dầu bơ) trên thị trường thế giới đã tăng thêm từ 30 - 57% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, bột sữa gầy tăng khoảng 1.250 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ 3.650 USD/tấn lên 4.900 USD/tấn), tương đương tăng 34%; bột sữa béo tăng khoảng 1.555 USD/tấn, từ 3.600 USD/tấn tăng lên 5.155 USD/tấn tương đương tăng 43% so với cùng kỳ năm 2013; dầu bơ tăng từ 3.650 USD/tấn lên 5.746 USD/tấn.
Trong nước, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân cũng tăng, ví dụ như Vinamilk đến cuối năm 2013 đã tăng giá thu mua cho nông dân khoảng 22% so với đầu năm 2013. Đại diện Vinamilk cho biết: “Thời gian tới nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ là vấn đề đau đầu cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa. Vì vậy việc điều chỉnh giá bán sữa trong nước sắp tới có thể là vấn đề tất yếu không tránh khỏi”.
Bất lực trong quản lý
Cuối năm 2013, Bộ Tài chính đã yêu cầu các Sở Tài chính tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm việc quản lý giá sữa theo đúng quy định. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị trên chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế, hải quan và cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá theo quy định hiện hành đối với mặt hàng sữa và sản phẩm sữa thuộc danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định...
Đây được cho là một động thái quyết liệt tiếp theo từ phía Bộ Tài chính đối với vấn đề tăng cường công tác quản lý giá sữa của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Thông tư 30 chỉ yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá, nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Thêm vào đó, luật Giá hiện đang cho phép các doanh nghiệp sữa được tăng giá từ 15 - 20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, các doanh nghiệp sữa vẫn thoải mái tăng giá vài lần trong năm, thậm chí 1 tháng tăng 2 lần mà vẫn không sai luật.
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, nhận định: “Với mức trần cao và thời gian quy định không được tăng giá ngắn như vậy thì khác gì tạo cơ hội để doanh nghiệp sữa “rộng đường” tăng giá. Do đó cần phải điều chỉnh lại thông tư này. Mặt khác, khi doanh nghiệp đưa ra các lý do để tăng giá, phải xem xét tính chính đáng của các lý do bằng cách đưa ra và đối chiếu các quy chuẩn để quyết định có được tăng hay không”.
Theo Thanh niên