Alain Fumey đã trở thành cái tên quen thuộc đối với nhiều nghệ nhân trong giới bon sai, cây kiểng ở TP.HCM.

Nói quen thuộc là chuyện bây giờ, chứ thật ra khoảng 3 năm trước thì còn lạ lẫm và ngạc nhiên nhiều lắm. Cũng phải thôi vì ông Tây ở tận vùng Mulhouse, phía đông nước Pháp và bất ngờ xuất hiện ở Việt Nam để rồi những năm tháng tuổi già ông lại gắn bó, mê mẩn những loài hoa, cây kiểng miền nhiệt đới.

Mối tình “người đẹp và cây”

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Alain Fumey khoe: “Mình đã ăn 3 cái tết cổ truyền ở Việt Nam rồi mà vẫn rất thích, chưa có chút gì gọi là ngán cả”. “Đường phố Sài Gòn mỗi dịp tết vắng hẳn người, ngắm cảnh đẹp phố xá rất là khoái, đi đâu cũng thấy mai vàng nở rộ. Ở nhà thì đầm ấm với người thân, ăn bánh chưng, bánh tét; bà con trong khu phố ai cũng vui  vẻ”, Alain Fumey thân tình nói.

Alain Fumey bảo ông có đến hai mối tình ở Việt Nam. Mối tình thứ nhất, ông chỉ sang người phụ nữ ngồi cạnh là vợ ông, chị Nguyễn Ngọc Linh, và nở nụ cười mãn nguyện. Sau đó, ông chỉ ra những chậu kiểng ngoài sân bảo: “Mối tình thứ hai của tôi là ở đó”.

Là kỹ sư cơ khí ở vùng Mulhouse, đam mê cây kiểng từ nhỏ nhưng mãi đến năm 1985, Alain Fumey mới có điều kiện dấn thân theo thú chơi này. Sau một thời gian mày mò học hỏi về cây kiểng, ông đã trở thành một nghệ nhân thực thụ, rồi đứng lớp giảng dạy ở Trung tâm Yaka Ta ka (Pháp) chuyên về bon sai.

{keywords}
Cây cảnh Việt là thú đam mê của không ít người nước ngoài

Alain Fumey sang Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2006 trong chuyến du lịch cùng một nhóm bạn Pháp. Trong chuyến đi này, ông tình cờ gặp chị Linh, lúc đó là chủ một tiệm internet ở phố Tây (P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM). Sự dịu dàng của cô gái miệt vườn Nam Bộ đã cuốn hút ông. Ông trở về Pháp, nhưng thường xuyên liên lạc với chị qua email. Chị Linh vì không biết tiếng Pháp nên mỗi lần nhận và gửi…. thư tình đều phải nhờ người dịch. Một năm sau, tình cảm đong đầy qua những dòng thư, ông trở lại Việt Nam làm lễ cưới và đưa vợ sang Pháp. Năm 2010, sau khi ông nghỉ hưu, ông năn nỉ vợ … về Việt Nam “sống cho đến hết đời luôn”.

Nghệ nhân đa phong cách

Trở lại Việt Nam, Alain Fumey bàn với vợ mua một khu đất rộng để làm vườn vì “nhớ cây quá”. Thế là vợ chồng ông tìm mua đất, xây một ngôi nhà ở con hẻm nhỏ thuộc khu phố 5, P. Thạnh Xuân, Q.12. Sau đó, Alain Fumey rong ruổi khắp thành phố tìm mua cây về trồng, chăm sóc. Lễ hội sinh vật cảnh nào ông cũng góp mặt. Nhiều khi ông chở vợ bằng xe máy lặn lội xuống Bến Tre, Long An, Tiền Giang… tìm cây kiểng ưng ý.

Theo lời chị Linh, “ổng cả ngày ở cùng cây với bộ đồ cắt tỉa, ăn uống cùng cây luôn”.

Alain Fumey được biết đến là một nghệ nhân đa phong cách. Ông bảo: “Ở vùng Mulhouse khí hậu lạnh nên các cây kiểng đều khác xa so với cây xứ nhiệt đới như ở Việt Nam. Phong cách chơi cũng khác. Người chơi cây ở Pháp thường chuộng sự tự nhiên, mỗi cây một vẻ, nhưng ở Việt Nam thì chuộng dáng thế nhiều hơn”.

Cũng vì sự khắc biệt trong phong cách chơi như thế, nên dù đã là nghệ nhân ở Pháp, một lần nữa  Alain Fumey lại phải “tầm sư học đạo” đề hiểu rõ hơn ngọn nguồn cách chơi kiểng Việt. Ông được những nghệ nhân trong Câu lạc bộ bon sai Thanh Tâm nhiệt tình hướng dẫn, phần vì lần đầu tiên câu lạc bộ có một hội viên là ông Tây, phần là để học hỏi phong cách chơi của nhau. Những cây linh sam, sanh, cần thăng, hoàng tùng, bồ đề, bằng lăng, khế… trong vườn nhà Alain Fumey đều được uốn nắn thuần thục, mang đậm dấu ấn tài hoa của ông. “Lúc đầu việc tìm hiểu tính nết của từng loại kiểng nhiệt đới khó lắm, nhưng giờ đã biết cách chăm nhiều loại rồi”, Alain Fumey khoe.

Alain Fumey ví mình như một cây miền nhiệt đới “đã cắm gốc rễ” với Việt Nam luôn rồi. Mối tình “người đẹp và cây” trong ông cũng vẫn còn ven nguyên. “Ông lúc nào cũng nói ở lại Việt Nam đến hết đời”, chị Linh chia sẻ thêm. 

(Theo Thanh Niên số Tết)