Dịch cúm gia cầm đang bùng phát và lan rộng, nhưng món tiết canh vịt tại Hà Nội vẫn rất đắt hàng.
Chúng tôi đã thâm nhập vào nhiều điểm giết mổ gia cầm và quán vịt nướng, tiết canh ở thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội - nơi được xem là “thủ phủ vịt cỏ” - để tận mắt chứng kiến quá trình chế biến tiết canh.
Bất chấp dịch cúm, tiết canh vịt vẫn đắt hàng
Dù dịch cúm gia cầm đang bùng phát, nhiều người đã tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 nhưng về “thủ phủ vịt cỏ” Vân Đình những ngày gần đây, để kiếm được quán vịt nướng, tiết canh ngồi nhậu, nhiều lúc thực khách phải đợi cả giờ đồng hồ.
Nhìn những món tiết canh rất ngon và bắt mắt, nhưng ít ai biết được tác hại và quá trình chế biến như thế nào. |
Vớ ngay con vịt cỏ trong đàn vịt hơn 40 con đã khóa cánh, trói chân, lông ướt sũng nằm la liệt giữa sân gạch xung quanh là phân vịt, bùn đất lấm lem bốc mùi hôi, bà Lý - người làm nghề giết mổ vịt thuê cho bà chủ tên H ở thị trấn Vân Đình - tay cầm chắc con vịt để cùng một bà tên Dung cắt tiết vịt.
Nhấc con dao nhọn nằm giữa sân, bà Dung tay trái giữ đầu vịt, tay phải dùng dao đâm vào cổ vịt và bắt đầu cho tiết chảy vào thau. Tiết ào ào phun ra và nước trên lông vịt cũng nhỏ liên hồi vào thau tiết.
Lấy xong tiết, bà Dung vứt con vịt vào một chậu lớn ngay bên cạnh rồi dùng bàn tay còn dính phân, nước bẩn trên lông vịt bốc nhúm muối bỏ vào thau và dùng dao chọc tiết khuấy đều để tiết không bị đông, đợi đánh tiết canh. Khuấy xong tiết, bà Dung vứt con dao nhọn xuống nền gạch xung quanh đầy lông và phân vịt, rồi bắt tiếp con vịt khác chọc tiết. Tiết đầy thau, bà Dung đổ hết vào một cái xô cáu bẩn nằm ngay giữa sân.
Chuẩn bị tiết để đánh tiết canh ngay trong nhà tắm. |
Bà Dung tiết lộ: “Trước khi cắt tiết, pha ít nước với phân đạm vào thau để tránh cho tiết bị đông. Muốn ngon hơn nữa thì cho thêm ít bột Oresol vào để khi ăn khách không bị tiêu chảy. Nhiều chủ quán còn mang cả hàn the đến dặn chúng tôi hãm vào tiết để khi đánh xong tiết canh đông cứng và tươi rói cả ngày. Ăn vào không bị tiêu chảy, tiết lại tươi, ai chả tin là tiết canh sạch, tiết canh đánh theo kinh nghiệm gia truyền”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, điểm giết mổ vịt của bà H là một trong những điểm giết mổ lớn nhất ở thị trấn Vân Đình. Bà H cho biết, bình quân mỗi ngày điểm giết mổ của bà tiêu thụ ra thị trường ít nhất 200 con vịt và cả chục lít tiết canh. Làm việc cho bà H là 5 người phụ nữ đều đã có tuổi. Ngay từ 4h sáng, nhà bà H đã bắt đầu sáng điện, những người làm có mặt và ai nấy đều thoăn thoắt bắt đầu công việc của mình. Cắt tiết, vặt sạch lông xong, những người phụ nữ này tiếp tục dùng dao mổ bụng rồi làm lòng.
Trong khoảng sân chỉ rộng chừng 12m2, vịt sống la liệt nằm cạnh vịt đã vặt lông, lẫn với phân và bùn đất lấm lem, lông lá chất đống, ruồi nhặng bu đầy. Mổ được con vịt nào, bà Dung cùng bà Lý vứt hết lòng mề ra nằm lăn lóc giữa sân để 3 người phụ nữ khác vuốt phân từ lòng mề ra ngoài. Dội nước qua một lượt, những người phụ nữ này bỏ hết lòng mề vào thau mà không cần xát muối.
“Có chừng ấy thôi chứ đánh được cả trăm bát tiết đấy. Đánh lên nhìn ngon lành lắm, chúng tôi mổ vịt cả ngày, nhưng nhiều hôm vẫn không đủ tiết để phục vụ cho nhu cầu của khách”, bà Lý cho biết.
Đánh tiết canh ngay cạnh nhà vệ sinh
Trong vai một người đi mua vịt và tiết về mở quán nhậu, tôi tiếp tục đến lò giết mổ gia cầm của ông Q nằm trong một ngõ nhỏ đối diện chợ Chùa Chè. Quá trình giết mổ tại đây cũng tương tự như tại nhà bà H, khi đã mổ hết vịt, những người làm tiến hành múc tiết từ xô vào các chai nhỏ để người nhà ông Q mang ra chợ bán và cho các chủ quán đến lấy tiết về phục vụ khách.
Những quán vịt nướng, tiết canh ở Vân Đình, Hà Nội vẫn đắt khách trong mùa dịch cúm. |
Theo chân Tuấn - một người đi lấy vịt và tiết vịt ở nhà ông Q, tôi đến quán cháo vịt, vịt nướng, tiết canh của bà chủ tên Linh ở thị trấn Vân Đình. Phía trước cửa quán, hai người đàn ông đã đứng tuổi đang nướng vịt, khói tỏa ra nghi ngút, thơm lừng. Bên trong quán, khách ngồi kín chỗ, vừa ăn uống vừa nói chuyện rôm rả.
Mang hai túi nilông đựng vịt sống, lòng mề và tiết vào khu vực nhà tắm gần ngay nhà vệ sinh, Tuấn vứt hết xuống nền nhà, kế bên là hai người phụ nữ khác đang rửa chén bát, bọt nước rửa bát, mỡ, tiết canh thừa lênh láng khắp nền nhà tắm.
Hãm tiết canh trong một khoảng sân rất nhỏ và bẩn thỉu, xung quanh là phân vịt, vịt sống và lông vịt |
“Đổ lòng mề vào luộc luôn đi, luộc nhanh để đánh tiết canh không khách người ta về mất”, nghe Tuấn sai bảo, một người phụ nữ đang rửa bát đứng phắt dậy, mở túi lòng mề đổ vào nồi luộc mà không cần rửa lại. “Người ta làm sạch rồi mình mới lấy về, nước sôi ùng ục thế này vi khuẩn nào mà sống cho nổi”, người phụ nữ này cho biết.
Lửa vừa ngắt, Tuấn vớt lòng mề ra thái nhỏ bỏ vào bát và ngồi ngay giữa nhà tắm đánh tiết canh. Chỉ khoảng 15 phút sau, cả chục bát tiết canh được mang ra phục vụ khách. Số còn lại, Tuấn bỏ lên mâm xếp gọn vào một góc bên nhà tắm mặc cho ruồi nhặng bu đầy.
Gần ngay bên cạnh quán bà Linh là quán của ông D, cũng nườm nượp khách ăn tiết canh, vịt nướng. Có tiếng bởi tấm biển tiết canh gia truyền, nhưng vào tận nơi mới biết quá trình chế biến tiết canh tại đây “hãi hùng” như thế nào! Cả can tiết gần 5 lít vừa chở về từ điểm giết mổ ông D cho người đổ hết vào một cái thùng nhựa đã cũ kỹ, cáu bẩn và còn dính đầy máu ở ngay khu nhà bếp.
Những chai tiết được đựng trong chai để mang ra chợ bán. |
Bát được xếp thành dãy trên nền nhà và ông D bắt đầu đánh tiết canh. Đánh xong, ông D vừa dùng tay bốc lạc rải lên bát vừa ho lọc khọc rồi sai người mang tiết canh ra ngoài phục vụ khách. “Quán chật quá nên phải ngồi trong này đánh cháu à! Nhìn thế thôi chứ cháu cứ yên tâm quán chú làm sạch sẽ lắm!”, ông D trấn an khách.
Vô tư ăn tiết canh trong mùa dịch cúm
Càng về chiều, những quán vịt nướng, tiết canh ở Vân Đình càng trở nên nhộn nhịp. Theo bà Hòa - chủ một quán vịt nướng cho biết, bình quân mỗi ngày quán bà tiêu thụ khoảng 70 con vịt nướng, 150 bát tiết canh. Khách vào quán liên tục gọi tiết canh, những người làm tại nhà bà Hòa cũng đánh sẵn cả chục bát xếp hàng trên nền nhà. “Vẫn biết là vịt đang bị dịch cúm, nhưng đã lây lan ra đến đây đâu. Mình ăn nhưng uống rượu và vắt chanh vào tiết canh rồi còn lo gì nữa”, một thực khách tên Hoàng vô tư nói.
Vịt sống, vịt đã vặt lông nằm lăn lóc, lẫn lộn giữa sân. |
Tại các quán cháo vịt ở trung tâm Hà Nội cũng đông đúc không kém. Mới gần 20h tối, nhưng một quán cháo vịt, tiết canh ở đường Trần Đại Nghĩa (gần Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đã chật cứng khách. “Khách có nhu cầu thì mình phục vụ thôi. Vì dịch cúm cũng chưa ra đến đây nên không có gì phải lo cả. Ngày nào tôi cũng bán được cả trăm bát tiết canh”, ông Đông - chủ quán cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không ít người còn mua cả chai tiết được bày bán tại những hàng vịt sống để về tự đánh. Điểm bán và giết mổ vịt của ông Long (quê Thanh Oai) tại chợ Vĩnh Tuy (Hà Nội) luôn nhộn nhịp người đến mua vịt. Nhiều khách còn yêu cầu ông Long cho tiết vào túi để về tự đánh tiết canh. “Mua tiết về tự đánh tôi an tâm hơn vì không lo người ta pha trộn gì vào tiết. Vịt nhìn còn khỏe thế này chắc không bị dịch cúm đâu”, bà Hồ Thị Mỹ một khách mua vịt nói.
Bộ trưởng kêu gọi không ăn tiết canh
Hiện dịch cúm gia cầm đang bùng phát trên diện rộng, mới đây Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã kêu gọi và khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh vì trong máu (tiết canh) có rất nhiều vi trùng, virus độc hại, nguy hiểm có thể thâm nhập vào cơ thể người, thời gian gần đây có rất nhiều người phải nhập viện vì ăn món này. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, kết quả kiểm tra tại các chợ gia cầm mới đây cho thấy tỉ lệ phát hiện virus H5N1 vẫn còn khá cao.
Vắt nhiều chanh cũng không diệt được virus
Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều người chủ quan cho rằng khi ăn tiết canh vắt nhiều chanh vào tiết sẽ tiêu diệt được hết vi trùng, virus nên vô tư ăn mà không lo độc hại. Tuy nhiên, theo lương y Hoàng Gia Trí - Bệnh viện y học cổ truyền, trong tiết canh có rất nhiều chất bổ nhưng cũng có rất nhiều vi trùng, virus, kí sinh trùng gây hại cho con người. Vắt chanh vào tiết canh chỉ để làm người ăn ngon miệng và có tâm lý yên tâm hơn, còn các loại virus nguy hiểm độc hại thì không thể nào tiêu diệt hết được. |
Theo Lao Động