Chất lượng sữa nội hiện không thua kém sữa ngoại và thậm chí, có cùng nguồn nguyên liệu đầu vào. Vậy, vấn đề đặt ra là sức hút của sữa ngoại ở đâu, sữa nội sẽ phản công giành thị phần thế nào…

TIN BÀI KHÁC


“Gần 20 năm kinh doanh hàng tiêu dùng, tôi thấy giá sữa ngoại liên tục tăng, nhưng sức mua không giảm, dù biết nhiều gia đình phải “bấm bụng” thời bão giá”, một lãnh đạo siêu thị Hapro nói.

Ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đã phân tích 4 nguyên nhân của sự tăng giá liên tục và không kiểm soát được giá sữa ngoại: độc quyền; sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu và khẩu vị người tiêu dùng; một bộ phận lớn người Việt Nam có tâm lý “sính” hàng ngoại và cuối cùng là luật về quản lý giá, bán lẻ, độc quyền chưa có…

“Ma trận” giá

Theo khảo sát của Đất Việt, từ đầu năm tới nay, một số hãng sữa đã tăng giá đến 17% - 20%, gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.

Sản phẩm sữa của Abbott tăng từ 12% lên 18%, như Similac Mom 400gr là 137.000 đồng, tăng 18% so với hồi tháng 2 là 116.000 đồng, Similac IQ 400gr là 215.000 đồng. Ensure Gold 400gr, giữa năm 2010, có giá chỉ 200.000 đồng thì đến cuối năm là 230.000 đồng. Qua Tết, giá sản phẩm này nhích thêm 10.000 đồng và hiện nay, giá bán lẻ trên thị trường đang ở mức 260.000 đồng/hộp… “Trong khi giá sữa nhập khẩu liên tục tăng thì một nghịch lý là giá nhập khẩu sữa thành phẩm từ thế giới vài tháng nay chưa hề tăng. Hiện, giá của nhiều loại sữa ngoại tại VN chênh hơn 50% so với giá gốc”, ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận định.

Khi đặt câu hỏi “chọn sữa bột nào cho con?”, phần lớn câu trả lời của các bà mẹ: “cứ đồ ngoại thì… mua”. Trong ảnh: Chọn mua sữa ngoại trên đường Nguyễn Thông, quận 3, TP HCM.

Bộ Công thương cho biết trong quý I.2011, giá nhiều mặt hàng sữa liên tục tăng dù chưa được sự chấp thuận của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhất là sữa ngoại nhập khẩu. Để bình ổn giá sữa, Tổng cục Hải quan sẽ cung cấp cho Cục Quản lý giá về số lượng và giá của các loại nguyên liệu sữa gồm: bột gầy, nguyên kem (sữa bột toàn phần), bột béo, bột whey, bột sữa nước để làm cơ sở tính toán giá sữa ngoại nhập khẩu.

Chiêu “độc” hút khách

“Không phải ngẫu nhiên người tiêu dùng bỏ một khoản lớn để mua sữa ngoại cho con, nếu hãng sữa không có các chiêu tiếp thị, quảng cáo độc đáo, hấp dẫn. Những hãng sữa ngoại mới gia nhập thị trường VN, ngoài đầu tư quảng cáo trên báo, đài, còn trưng bày sản phẩm ở vị trí nổi bật tại các siêu thị và tất nhiên, phải trả khoản phí cao”, lãnh đạo siêu thị Hapro nói.

Theo đại diện Abbott VN, việc hãng tăng giá sữa là do sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái của ngân hàng nhà nước và việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng sữa, trong đó có sữa dành cho trẻ em, bệnh nhân và người già yếu của các nước không thuộc ASEAN (như Mỹ và châu Âu) từ 5 - 10%, bắt đầu từ 1.1.2011. Đại diện truyền thông của công ty Friesland Campina Vietnam cũng cho biết, giá sữa tăng là do tỷ giá ngoại tệ tăng 13%, trong khi nguyên liệu sữa bột chủ yếu phải nhập khẩu; giá lon thiếc và bao bì carton tăng giá từ 10 - 30%, chi phí nhân công tăng từ 11 - 18%...

Do “bắt thóp” tâm lý người tiêu dùng, sữa ngoại luôn được quảng cáo với câu từ “đắt”: chiều cao vượt trội, thông minh nhất, kết quả được kiểm định bởi việc nghiên cứu ABC…; hay chơi chữ, đưa thêm các chất ARA, AA, EPA vào, nhưng thực chất, đây là các thành phần của DHA - có nhiều trong dầu cá. Các hãng sữa ngoại cũng thường tung các đợt khuyến mại và rất quan tâm khâu hậu mãi, như tổ chức các hội thảo miễn phí dành cho mẹ và bé… Song, chiêu “độc” vẫn là tiếp thị sản phẩm tại các viện phụ sản, viện nhi, thông qua tư vấn của một số bác sỹ, y tá. Chị Hà Thanh (ngõ 250 Kim Giang, Hà Nội) kể: “Khi mang bầu được 8 tháng, không hiểu bằng cách nào mà nhân viên tiếp thị sữa Abbott có số điện thoại và liên tục gọi tôi. Đầu tiên là hỏi giới tính bé, thời gian sinh, sau đó tư vấn chăm sóc, dinh dưỡng cho bé… và cuối cùng là mời chào mua sản phẩm”.

“Cứ đồ ngoại thì mua”

Khi đặt câu hỏi “chọn sữa bột nào cho con”, Đất Việt nhận được câu trả lời phổ biến của các bà mẹ: “cứ đồ ngoại thì… mua”. Chị Tuyết (Lò Sũ, Hà Nội), vừa sinh đôi hai bé, chia sẻ: “Do không có sữa sau sinh nên tôi phải cho con bú sữa ngoài và cứ tìm sữa ngoại mà mua. Mỗi tháng, hai bé uống 8 - 9 hộp sữa Meji 900gr của Nhật”.

Chị Thủy (NH6A, Trung Hòa, Nhân Chính) thông tin: “Tôi từng nói chuyện với một chủ cửa hàng bán sữa ở phố Thành Công và họ cho rằng, tâm lý sính ngoại của người dân lớn quá. Nhiều người chỉ hỏi sữa ngoại; nếu giá thấp, họ không tin bởi cho là chất lượng thấp. Khi tăng giá, sữa đó lại bán chạy”. Chị Mai (Mỹ Đình, Hà Nội), cũng bộc bạch: “Nghe người này nói, người khác giới thiệu, xem quảng cáo… là tâm lý chung chọn sữa cho con của nhiều bà mẹ. Như bé nhà tôi đang uống Friso Gold. Tôi cũng định đổi sữa nội nhưng còn băn khoăn…”.

 

Sữa là một trong những ngành đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành thực phẩm ở VN, với mức tăng trưởng doanh thu trung bình 18% năm. Tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại VN từ mức 8,09 lít/người/năm vào năm 2000, lên tới 14,81 lít/người/năm vào năm 2008 và đến nay tăng lên 16 - 17 lít/người/năm. Tuy nhiên, sữa bột nhập khẩu chiếm khoảng 72% thị phần, trong khi sữa nội bị lấn át nghiêm trọng, như Vinamilk (20%), Nutifood (5%) ...

(Theo Đất Việt)