- Những bước đi quyết đoán của Putin khiến phương Tây khó lường để đối phó. Bài trừng phạt quen thuộc của Âu - Mỹ vẫn là đánh vào kinh tế mà bước đầu nhắm vào một số quan chức và giới tài phiệt bên kia chiến tuyến.
Âu - Mỹ đánh vào tài sản cá nhân
17/3, một ngày sau khi người dân nước cộng hòa tự trị Crimea (Crưm) đồng loạt biểu quyết độc lập và về với nước Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada và Nhật Bản công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt, áp dụng đối với một số quan chức Nga và Ukraine trong chính quyền của Tổng thống Yanukovych.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh trừng phạt 11 quan chức và nhà lập pháp cao cấp của Nga và Ukraine, trong đó có Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, Thủ tướng Cộng hòa Crimea Aksyonov, Tổng thống Ukraine mất quyền Viktor Yanukovych, hai cố vấn cấp cao của Tổng thống Nga Vladimir Putin Vladislav Surkov và Sergei Glazyev..., không cho nhập cảnh vào Mỹ và phong tỏa tài sản, với cáo buộc "phải chịu trách nhiệm gây ra cuộc khủng hoảng" tại khu tự trị Crimea.
Cùng ngày, giới chức châu Âu tổ chức nhóm họp tại Brussels (Bỉ) và thống nhất trừng phạt 21 quan chức Nga và Ukraine, cấm nhập cảnh vào lãnh thổ EU và đóng băng tài sản.
Danh sách bị trừng phạt của EU bao gồm các lãnh đạo Crimea thân Nga (Thủ tướng Sergei Aksyonov), Phó Thủ tướng Nga Rogozin, các nhà lập pháp hàng đầu Nga tán thành việc sáp nhập Crimea (có Phó Chủ tịch Hạ viện Sergei Zheleznyak), 3 tư lệnh quân sự cấp cao Nga (Giám đốc Cơ quan An ninh Nga - FSB Alexandre Bortnikov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, phó đô đốc Alexander Vitko - lãnh đạo Hạm đội biển Đen Nga) và lãnh đạo các Tập đoàn Gazprom, Rosneft, RZD, với cáo buộc đây là những nhân vật đe dọa tới toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine.
Cùng ngày, Canada cũng tuyên bố áp đặt trừng phạt với 7 quan chức Nga và 3 quan chức cấp cao Crimea (trong đó có Chủ tịch Quốc hội Crimea Viktor Medvedchuk). Nhật cũng hoãn các cuộc thảo luận về nới lỏng điều kiện cấp thị thực, dừng đàm phán về một thỏa thuận đầu tư...
Những động thái nói trên là các biện pháp công kích toàn diện nhất Mỹ và EU áp dụng đối với Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, tính hiệu quả của những biện pháp trên vẫn là một điều mà nhiều người đặt câu hỏi. Nó được coi chưa đủ mạnh bởi ngay khi các bên đưa ra biện pháp trừng phạt thì tổng thống Putin cũng đã ký sắc lệnh công nhận Crimea là quốc gia độc lập và sau đó hoàn tất thủ tục sáp nhập Crimea.
Sức mạnh đồng tiền của giới tài phiệt
Chưa biết hệ thống tài chính, kinh tế Nga bị ảnh hưởng như thế nào nhưng nhiều tỷ phú hoặc doanh nhân kiêm chính trị gia trong các danh sách trên sẽ bị ảnh hưởng trong hoạt động kinh doanh và các tài sản để ở nước ngoài.
Trong 7 quan chức Nga bị Mỹ trừng phạt, có 2 doanh nhân làm chính trị là ông Surkov, người được đánh giá là "kiến trúc sư chính trị" và Andrei Klishas (thành viên Thượng viện Nga) giữ vai trò Chủ tịch tại công ty khai mỏ và luyện kim MMC Norilsk Nickel.
Đáng chú ý trong danh sách bị trừng phạt còn có lãnh đạo các tập đoàn khổng lồ của Nga là Gazprom, Rosneft, RZD.
Gazprom được biết đến là tập đoàn kiểm soát 20% trữ lượng khí đốt của thế giới, cung cấp hơn một nửa khí đốt cho Ukraine hằng năm và 30% khí đốt cho châu Âu. Hiện tại, theo tập đoàn này, Kiev đang nợ DN hàng tỷ USD tiền khí đốt.
Trong cuộc khủng hoảng đầu 2006 và 2009 khi mà Gazprom khóa van khí đốt bán sang Ukraine và EU, các bên đã phải giải thông qua một thỏa thuận cực kỳ phức tạp thông qua một công ty con của Gazprom đăng ký ở Thụy Sĩ.
Rosneft, trong khi đó, cũng là tập đoàn dầu khí hàng đầu tại Nga với 75% vốn thuộc sở hữu của Chính phủ nước này.
Cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych cũng là người bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng này. Yanukovych bị đóng băng tài khoản và bị Thụy Sĩ điều tra do bị nghi ngờ rửa tiền liên quan cáo buộc tham nhũng. Ông Yanukovych bị thủ tướng lâm thời Ukraine Arseny Yatseniuk cáo buộc đã biển thủ khoảng 37 tỉ USD trong 3 năm tại vị.
Các lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các cá nhân có tên trong danh sách của Mỹ, EU và có thể ảnh hưởng tới các DN mà họ đang lãnh đạo.
Với các quan chức Nga, họ dường như không lo lắng trước các biện pháp trừng phạt của Âu, Mỹ. Trả lời phỏng vấn CNN, cố vấn của ông Putin là Vladislav Surkov thậm chí còn tuyên bố lấy làm tự hào vì bị Mỹ trừng phạt. Trong khi Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm về vấn đề quốc phòng Nga Rogozin cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ chẳng ảnh hưởng gì đến những người không có tài sản gì ở nước ngoài.
Các tập đoàn dầu khí lớn của Nga như Gazprom hay Rosneft đều là các DN cổ phần với cổ đông rải khắp thế giới (BP có 25% tại Rosneft) và sức ảnh hưởng rất lớn đối với EU. Nên hẳn họ sẽ có biện pháp đối phó.
Với cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, các quyết định trừng phạt, trên thực tế đã được đưa ra từ trước khi Crimea trưng cầu về với Nga.
Một điểm cũng đáng lưu ý là đa số người dân Nga bao gồm các doanh nhân ủng hộ ông Putin trong các quyết định cứng rắn gần đây, bất chấp hậu quả về kinh tế mà họ có thể phải gánh chịu.
Không những thế, giới quan sát đang nhìn thấy sự khó xử của châu Âu trong việc cân nhắc các biện pháp trừng phạt nặng hơn đối với nền kinh tế Nga, giới lãnh đạo và tài phiệt Nga. Nước Đức đang hy vọng rằng đó là biện pháp răn đe cuối cùng mà EU buộc phải đưa ra. Trong khi Pháp cho rằng, Nga cần đối thoại để hạn chế leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương. Còn Anh quốc đang lưỡng lự vì những lợi ích của dòng tài chính Nga ở London.
Huấn Tú