Nhắm vào những người đang cần tiền nhưng thu nhập thấp, với “chiêu bài” mời chào khéo léo, các công ty tài chính khiến nhiều khách hàng nhanh chóng “sập bẫy".

Tuyệt chiêu “bẫy” khách hàng của các công ty tài chính

Kinh tế khó khăn, nhiều người dân thu nhập thấp và trung bình không đủ điều kiện để mua một chiếc xe máy mới hay một chiếc điện thoại xịn, họ buộc phải đi vay để thỏa mãn mục đích mua sắm cá nhân của mình. Khi “cầu cứu” ngân hàng khó, họ buộc phải xoay mình qua vay ở các tổ chức tín dụng phi ngân hàng bên ngoài.

Chính vì lẽ đó, các công ty tài chính đã “mọc lên như nấm sau mưa” trong thời gian gần đây. Dựa vào cái mác của công ty có tiềm lực tài chính lớn hay công ty đa quốc gia, nhiều người dân đã “trao mặt gửi vàng”, tuy nhiên, sau khi vay, khách hàng mới “ngã ngửa” nhận ra rằng: Đó thực sự là một kiểu “chợ đen” chuyên nghiệp và có pháp luật bảo hộ. Bởi lẽ, có công ty tài chính cho vay với mức lãi suất lên đến 74%/năm – một mức lãi suất kinh khủng trong khi lãi suất quy định theo luật chỉ có 9%/năm (được phép vượt trần không quá 150% tức là 13.5%/năm).

{keywords}

Nhằm cảnh báo mọi người tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra trong quá trình vay tiêu dùng tại công ty tài chính, còn có cả 1 trang fanpage mang tựa đề “Hội những người cảnh giác với tài chính PPF” được lập lên.

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Tôn Quốc Dũng, đại diện ban quản trị fanpage “Hội những người cảnh giác với tài chính PPF” (PPF - công ty xảy ra nhiều tranh chấp với người vay do lãi suất cao gần đây bị dư luận lên án - pv) cho biết: Các trường hợp tố cáo vay tiêu dùng, than phiền về công ty PPF nói riêng và các tổ chức tín dụng khác nói chung thường rơi vào trường hợp chậm thanh toán (hoặc mất khả năng chi trả) cả khách quan lẫn chủ quan. Ngoài ra những trường hợp đi vay mà không nắm được bất kì thông tin gì trên hợp đồng chỉ nghe nhân viên tư vấn nói sao làm vậy cũng không ít.

Ông Dũng phân tích: Đối với trường hợp chậm thanh toán, trong quá trình hợp đồng tín dụng được thực hiện, đại đa số người vay không nắm được các thông tin thiết yếu như lãi suất thực tế phải đóng, ngày tháng được giải ngân và ngày đóng tiền không trùng khớp nhau (trong khi hợp đồng vay luôn nêu rất rõ là tính 30 ngày = 1 tháng), thậm chí có trường hợp được giải ngân ngày 16 đến ngày 28 đã phải đi đóng tiền (tức sau 12 ngày) dẫn đến vấn đề chậm thanh toán. Từ đó lại phát sinh số tiền gọi là phí phạt, cứ chậm 4 ngày thì phạt 250.000 đồng, sau 30 ngày thì lên tới 450.000 đồng - số tiền tuy không lớn nhưng gây bức xúc cho người vay, vì có nhiều trường hợp khách quan do nộp qua bưu điện hoặc lỗi phát sinh của hệ thống ngân hàng.

“Về mất khả năng chi trả, trường hợp này, tôi gặp khá ít nhưng cũng nên nói tới. Thường thì số tiền vay tối đa bên PPF có thể giải ngân là 30.000.000 đồng , đa số người đi vay đều cho rằng: số tiền này đều nằm trong khả năng của mình. Thế nhưng với lãi suất như hiện nay 30.000.000 đồng với lãi suất trung bình là 6%/ tháng, tức là 1 tháng họ vứt qua cửa sổ 1.800.000 đồng.

Như vậy, với thu nhập bình quân của đại đa số người dân thu nhập thấp từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, số tiền trên có thể coi là quá lớn, khả năng mất chi trả dễ xảy ra, vì thế PPF ràng buộc khách hàng bằng điều khoản bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm khách hàng đóng coi như vật thế thân trong trường hợp khách hàng không còn khả năng thanh toán. Với cách tính lãi suất như vậy, khách hàng không than phiền PPF mới là điều lạ” – ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, với các “chiêu bài” mời chào của nhân viên các công ty tài chính cũng khiến nhiều khách hàng nhanh chóng “sập bẫy”. “Các nhân viên tại các shop như điểm bán xe gắn máy hoặc điện máy…, họ nắm rất rõ tâm lý của khách hàng, thường thì không biết họ phù phép và tính toán thế nào mà đưa lãi suất về dưới trần 4 - 3 %/tháng. Thậm chí có trường hợp , biết khách hàng thực sự khó khăn nhưng họ vẫn làm hồ sơ và chỉ cho khách hàng một số mưu mẹo để “qua mặt” luôn cả công ty tài chính” – ông Dũng bật mí.

Thêm vào đó, nhân viên thu hồi công nợ qua điện thoại là một tuyệt chiêu khá hữu dụng của các công ty tài chính sử dụng. Quy trình như sau: Khi khách hàng nợ, hệ thống máy tính sẽ ghi nợ rồi trừ lương nhân viên tại shop đã làm hợp đồng với khách hàng đó. Nhân viên này cay cú sẽ gọi điện thoại đòi nợ khách hàng liên tục 7 ngày trong tuần khiến khách hàng rất ức chế.

{keywords}

Các công ty tài chính luôn có các "chiêu bài" mời gọi như phù phép và tính toán thế nào mà đưa lãi suất về dưới trần 4 - 3 %/tháng để khách hàng gật đầu vay. (Ảnh minh họa)

Đối tượng dễ bị “hút máu”: Người có thu nhập thấp

Cũng qua tìm hiểu, có thể nhận thấy, đối tượng mà các công ty tài chính nhắm vào chủ yếu là những người có thu nhập trung bình khá và mức trung bình (Tức thu nhập từ 6- 10 triệu/tháng). Qua hình thức cho vay tiêu dùng (tiền mặt hoặc vay trả góp mua sản phẩm), công ty tài chính đánh vào tâm lý khách hàng mong muốn bỏ một số tiền nhỏ để có một món hàng có giá trị.

Đối tượng vay thuộc vào 3 nhóm: Thứ nhất, người vay biết rõ về lãi suất, vay với mục đích sắm sửa vật dụng cá nhân (hoặc chi tiêu).Với nhóm khách hàng này (có thể là công chức, nhân viên văn phòng,…), thu nhập cũng thuộc loại khá nhưng số tiền đủ để mua một vật dụng có giá trị thì chưa thể ngay lập tức có được.

Nhóm thứ hai là người vay không biết chút thông tin gì đến tài chính tín chấp. Họ chỉ hiểu đơn thuần về những thuật ngữ như “trả góp”, “vay trả lãi”… Nhóm khách hàng này thường rơi vào dạng công nhân, lao động tự do, buôn bán gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ … Các hiểu biết về lãi suất, các điều khoản ràng buộc trên hợp đồng vay đối với họ chỉ hoàn toàn bằng 0.

Nhóm thứ ba là người vay được giải ngân bằng tiền mặt và mục đích vay khác nhau. Vì mục đích vay không rõ ràng, thậm chí có người đi lấy tiền này để kinh doanh – buôn bán, cho vay lại, do đó, khả năng mất trắng rất cao. Đại đa số trường hợp vay được giải ngân bằng tiền mặt, khả năng chi trả rất kém.

“Thực tế mà nói, các trường hợp tố cáo và phản ánh tiêu cực vì các công ty tài chính cho vay với lãi suất “cắt cổ”, lỗi đầu tiên là do khách hàng. Đại đa số người dân không am hiểu pháp luật, không nắm được thông tin hoặc biết rất mù mờ về vay tài chính qua hình thức tín chấp, trong khi đó, luật còn nhiều kẽ hở, đều là những nguyên nhân khiến cho các công ty tài chính lợi dụng hút máu người vay” – sau nhiều ngày lắng nghe những chia sẻ, đơn thư than phiền, tố cáo của không ít khách hàng, ông Dũng đã đưa ra kết luận.

Theo Trí Thức Trẻ