- Trong 3 thập kỷ, người Trung Quốc đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ khi xây dựng Thâm Quyến từ “chỗ không có gì” trở thành một đặc khu kinh tế giàu có. Liệu Việt Nam có thể đạt được thành công tương tự?

Cực tăng trưởng và nơi thử nghiệm

Năm 2013, theo chỉ số phát triển của Down Jones, Thâm Quyến (Trung Quốc) đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu.

Sự giàu có của Thâm Quyến được GS Lý Quốc Hoa, trợ lý Hiệu trưởng Viện Kinh tế, Đại học Thượng Hải (Trung Quốc) mô tả: tổng tài sản, thu nhập, quy mô lãi đứng đầu, số lượng công ty quỹ đứng thứ 2 toàn quốc. Đây là nơi tập trung những người khổng lồ của ngành tài chính Trung Quốc. Tổng giá trị gia tăng ngành này đã chiếm 13,8% tỷ trọng GDP quốc gia. Thế nhưng, hơn 30 năm trước, “vốn khởi điểm” cho kế hoạch thành lập đặc khu kinh tế ở đây gần như là “chẳng có gì”.

Một câu chuyện khác được ông Parth Shri Tewari, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới Singapore dẫn ra: Singapore hông có một giọt dầu nào nhưng đã trở thành nơi trung chuyển dầu của cả thế giới. Diện tích nhỏ, dân số ít, tài nguyên không có nhưng sau 50 năm, Singapore đã có tốc độ tăng GDP trung bình tới 10,2%/năm.

{keywords}

Phú Quốc sẽ là đặc khu kinh tế phát triển như Thâm Quyến?

Đó chỉ là hai trong hàng loạt ví dụ điển hình được các chuyên gia kinh tế nêu ra tại Hội thảo khoa học về mô hình đặc khu kinh tế cho Việt Nam ở Quảng Ninh ngày 20/3. Một câu hỏi được đặt ra: Liệu Việt Nam có thể có những đặc khu kinh tế như vậy?

GS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương chia sẻ: “Đặc khu kinh tế sẽ tạo ra các cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng kinh tế và nền kinh tế phát triển. Đây cũng là nơi để thử nghiệm các thể chế cơ chế mới trước khi áp dụng cho toàn quốc”.

Trên thực tế, ý tưởng xây dựng đặc khu kinh tế ở Việt Nam đã có từ năm 1997 nhưng đến năm 2002, mới bắt đầu hiện thực hóa với việc thí điểm khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Tháng 10/2013, kết luận Hội nghị Trung ương 8 đã một lần nữa nhấn mạnh chủ trương này khi nêu rõ: cần sớm xây dựng một số khu hành chính- kinh tế đặc biệt

GS Huệ cho rằng, Việt Nam cần phải sớm xây dựng Luật về Đặc khu kinh tế. Ngoài ra, cần vận động các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có ảnh hưởng lớn về tài chính, công nghê. Cùng đó, khi xây dựng đặc khu kinh tế thì thể chế hành chính và kinh tế tại đây phải được thiết kế hiện đại, mang tầm quốc tế, có sức cạnh tranh vượt trội so với các khu khác trên thế giới.

Đừng sợ sai

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một đặc khu kinh tế nào đúng nghĩa mà mới có tiền thân của mô hình này. Đó là các khu công nghiệp, khu kinh tế tự do.

Ông Huệ cho biết: “Việt Nam đã có 18 khu kinh tế ven biển, song còn thua kém nhiều, không đủ sức cạnh tranh với các khu kinh tế tự do khác trong khu vực và trên thế giới. Thể chế ở các khu này tuy vượt trội so với khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung ưu đãi về thuế, tiền thuê đất… Hầu như, chưa có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đầu tư ở các khu kinh tế này. Một số ít nhà đầu tư có các dự án lớn, nhưng lại ít có dự án có công nghệ hiện đại’.

{keywords}

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một đặc khu kinh tế nào đúng nghĩa.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ: “Điểm mấu chốt chính là xây dựng một thể chế hiện đại và vượt trội và chuẩn mực. Về kinh tế, phải đảm bảo tính tự do cạnh tranh, về mặt hành chính, phải có tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm”.

“Thế giới có 500 Tập đoàn kinh tế đa quốc gia lớn nhất thì 80% đã đổ về Trung Quốc. Việt Nam sẽ thu hút được bao nhiêu người khổng lồ này đến lập bản doanh”, GS nói.

Như ông Thắng phân tích, cái khó là làm thế nào hình thành một đặc khu kinh tế trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay?.

Ông nhấn mạnh, sẽ cần một quyết tâm chính trị rất lớn mới làm được. Khi xây dựng thể chế vượt trội đó thì không nên “sợ sai”. Vì phải có làm mới biết đúng hay sai. Nếu thể chế không đột phá, tư duy sợ sai thì khó mà có thể bứt phá.

Ông Andrew Grant Giám đốc hợp danh cao cấp, lãnh đạo khối toàn cầu Khối khu vực công Tập đoàn Mc Kinsey, Singapore chia sẻ: “muốn xây dựng đặc khu kinh tế, không thể một sớm một chiều mà phải có nhiều cân nhắc lớn. Thất bại của các khu kinh tế là điều thường gặp, khi ước có 50% các khu kinh tế hoạt động kém hiệu quả so với mặt bằng nền kinh tế chung của quốc gia. Hầu hết, các đặc khu kinh tế sẽ phải mất hơn một thập kỷ trước khi được coi là thành công”, ông Andrew nói.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã ví von: “Đặc khu kinh tế là cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng. Nếu ta làm tổ cho gà thì sẽ không thể nào có phượng hoàng đến đẻ trứng được”.

Hội nghị trung ương 8 đã chọn ba khu kinh tế tiêu biểu để ‘nâng cấp” thành đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Phong (Khánh Hoà).

Ngoài ra, theo GS Vương Đình Huệ, có những địa điểm có thể được lựa chọn tiếp như ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà- Rịa, Vũng Tàu, hình thành các tuyến phát triển ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại phía Bắc, một số nơi có thể xem xét như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Tại Miền Trung, những điểm vàng ven biển như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định cũng được nhắc đến.


Phạm Huyền