Bức tranh kinh tế quý I được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phác họa khá tươi sáng  hôm 25/3 đã bị một đại diện của Bộ Công Thương dội gáo nước lạnh rằng: quá lạc quan, hơi rời rạc và coi trọng hình thức. Ông còn hoài nghi về các số liệu thống kê kinh tế.

Quan chức bộ Công Thương choáng với số liệu thống kê    

Cuối năm 2013, Tổng Cục thống kê ước xuất siêu tới 863 triệu USD, nhưng rốt cục, con số chính thức từ Tổng cục Hải quan hồi tháng 1/2014 cho thấy chỉ xuất siêu 10 triệu USD.

Tháng 2/2014, Tổng cục Thống kê ước cả nước xuất siêu 600 triệu USD nhưng con số từ Hải quan tổng hợp đã tăng lên1,3 tỷ USD.

Sự sai lệch trong các tính toán kinh tế đó khiến cho quan chức của Bộ Công Thương cũng phải 'choáng'!

Chia sẻ tại hội nghị giao ban của Bộ KHĐT sáng 25/3, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương nói: “Số liệu thống kê luôn được ước trong khoảng 10-15 ngày. Điều này sẽ làm cho bức tranh xuất nhập khẩu không chuẩn xác. Thống kê kiểu này giống như cái nhiệt kế hỏng, người ốm thật thì lại bảo không ốm”.

Theo ông, cần có sự chính xác hơn. Sau 1 tháng, Bộ KHĐT phải có thông báo chỉ số kinh tế chính thức. Nếu không làm như vậy, bức tranh tổng thể kinh tế sẽ bị méo mó. Hiện nay, nhiều DN không biết con số thực sự, cứ đi lờ mờ dự đoán.

{keywords}
Việt Nam xuất siêu dựa hơi FDI

Không chỉ băn khoăn với sự bất nhất giữa 2 số liệu ước tính và chính thức, vị đại diện Bộ Công Thương còn hoài nghi cả về những tín hiệu được cho là tích cực từ phía Bộ KHĐT.

Chẳng hạn như đó là sự tăng giảm của các chỉ số giá tiêu dùng hay như mối liên hệ với vấn đề sản xuất và tồn kho.

Ông Thắng “vặn” lãnh đạo Bộ KHĐT rằng: “Quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường trong nước tăng 10,2% so 2012. Nghe thì ngon lành nhưng tại sao CPI lại thấp như vậy?”

Hay như “trong rổ hàng hóa tính CPI, chỉ số giá bất động sản và nhà ở giảm (giảm 0,74%) nhưng trên thực tế thị trường, lại có thông tin bất động sản hiện nay đang ấm hơn năm ngoái. Đây là sự vô lý”, ông Thắng cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh:“Bản thân Bộ Công Thương cũng sẽ phải làm lại số liệu chính thức để có bức tranh tổng thể kinh tế xã hội”.

Với hàng loạt điểm nêu ra,  đại diện Bộ Công Thương đã không ngần ngại nói thẳng: “Theo bảng đánh giá quý I thì hình hình kinh tế rất được. Song, dường như, có sự hơi lạc quan, rời rạc”. Thậm chí, nói riêng về chỉ số giá bất động sản, ông còn cho rằng, các đánh giá của Bộ KHĐT đã coi trọng hình thức.

63 tỉnh thành như 6 3 nền kinh tế

Trái ngược với lo ngại của đại diện bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, Bộ KHĐT trước đó đã bày tỏ: “Chỉ số cần tăng đã tăng, cái gì cần giảm đã giảm, đó là dấu hiệu tích cực”.

Ông  Trung phân tích, chỉ số giá tháng 3 thấp nhất trong 10 năm gần đây (CPI tháng 3 âm 0,44%). Tăng trưởng kinh tế quý I/2014 là số liệu cao nhất trong 3 năm qua ở cả 3 khu vực, tăng 4,96%. Xu hướng tăng lên này đã được nhìn nhận ngay từ năm 2013 và là cơ sở tốt cho 3 quý còn lại. Cái đích GDP cả năm 2014 là 5,8% có thể đạt được.

{keywords}
Giá bất động sản ấm lên hay giảm xuống ? (ảnh minh họa: P.H)

TS Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KHĐT thừa nhận, hiện có nhiều ý kiến trái chiều về chỉ số giá giảm. Người bảo giá xuống thì tốt người lại bảo không tốt.

Ông Bùi Hà cho rằng, Việt Nam có 63 tỉnh thành như 63 nền kinh tế. Hiện nay, tồn kho cao, tiêu thụ thấp thì không ai nói chúng ta thoát khỏi tình trạng trì trệ nhưng xu hướng đang có dấu hiệu tốt. Trong sản xuất, phải có tồn kho để đảm bảo kinh tế lưu thông nhưng tồn kho đến mức nào mới là đáng lo ngại.

Bình luận về CPI tháng 3 thấp, ông Hà nói: “Các nhà nghiên cứu do quán tính nhìn lạm phát ở Việt Nam luôn quá cao nên giờ thấy thấp đã vội nghĩ đến thiểu phát. Thế giới thì nhiều nước luôn có lạm phát thấp.  Thực tế, CPI hiện thấp nhất trong vòng 15 năm so với cùng kỳ, nhưng nếu so với tháng 3/2013 thì vẫn tăng tới 4,4%, gấp quá 2 lần giới hạn đỏ của liên minh châu Âu. CPI như vậy chưa thiểu phát tý nào cả”.

 Trong khi đó, ông Thắng nói rằng: “Nhìn tồn kho và chỉ số tiêu dùng hiện nay, chưa thể nói sản xuất đã “ok’  được. Tôi chưa thể nói các anh đánh giá đúng hay sai nhưng tôi cảm nhận  được sự đánh giá đó lạc quan quá và vẫn hời hợt”.

Với một bối cảnh như vậy, quan chức của Bộ Công Thương đánh giá: “Kinh tế có nguy cơ dần giảm phát chứ không phải là kiềm chế được lạm phát.”

“Nền kinh tế Việt Nam nếu không có mức độ lạm phát nhất định thì khó phát triển được. Cứ đà này, sản xuất cứ giảm dần và có thể đi đến nguy hiểm. Phân tích tình hình như vậy để thấy được mình phải làm gì thay vì lạc quan như hiện nay”, ông Thắng đề nghị.

Nhưng, phía bộ KHĐT, ông Bùi Hà vẫn nói: “Lạm phát thấp là mừng. Nếu duy trì lạm phát dưới 5%năm là điều may mắn cho cả quốc gia”.

Phạm Huyền