-  Cho rằng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cắt mất cây cầu vượt đi qua địa bàn xã mình, hơn 200 hộ nông dân huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) đã viết đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng. Theo họ, việc không làm cầu dẫn đến 300ha đất canh tác của dân làng sẽ khiến các hộ dân nơi đây bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Cả làng đi kiện… cây cầu vượt

Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi qua địa bàn xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cắt ngang tỉnh lộ 199. Đây là con đường đi qua nhiều xã Việt Cường, Minh Châu, Yên Phú… nó cũng đường đến khu vực canh tác gần 300ha của bà con nông dân xã Yên Phú.

Theo ông Lương Văn Ngãi, một trong hơn 200 hộ nông dân xã Yên Phú, khi hoàn thành đưa vào sử dụng, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ… cắt đôi cánh đống 300ha canh tác của hai thôn Từ Hồ, Mễ Thượng.

"Chúng tôi được nhận thông báo sẽ làm một cây cầu vượt của đường ĐT199 đoạn đi qua địa bàn xã Yên Phú. Thế nhưng, sau buổi họp đó một thời gian, chúng tôi rất bất ngờ thay vì làm cầu vượt sẽ lấp hẳn đoạn đường giao với đường 199, mà như thế, nông dân hai thôn Từ Hồ, Mễ Thượng chúng tôi sẽ không có đường đi làm đồng”, ông Lương Văn Ngãi cho biết.

{keywords}
Vị trí dự kiến xây cầu vượt sẽ bị thay bằng cống chui.

Cũng theo người dân xã Yên Phú, thay cho cây cầu vượt lẽ ra sẽ được làm, chủ đầu tư đã thay thế bằng một… cống dân sinh có chiều cao trên 02m, rộng 04 mét nhưng… cách xa vị trí làm cầu khoảng 2 – 3km.

“Nếu xây dựng cống dân sinh như thế, chúng tôi sẽ mất rất nhiều thời gian vì quãng đường đi làm đồng xa hơn, và cống dân sinh này không đủ điều kiện cho hàng ngàn con người hàng ngày phải ra cánh đồng làm việc, cùng với lưu lượng giao thông trong khu vực”.

Vị trí mà theo người dân, theo thiết kế ban đầu là sẽ làm cầu vượt cho đường ĐT199, hiện vẫn để trống. Đường 199 vẫn chưa bị “chặn”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Giao (một nông dân trú tại thôn Từ Hồ) than phiền: “Nếu người ta đổ đất lấp đoạn đường 199 giao với đường cao tốc đang làm, thì người dân sẽ bị chặn đường ra đồng. Đường này có mặt bằng rộng 7m, nay nếu không có đường để bà con đi làm ruộng, thì cũng rất bất cập”.

Kèm theo lá đơn phản ánh gửi tới các cấp chính quyền, những nông dân đi kiện… cây cầu vượt này còn làm cả bài toán kinh tế để chỉ ra việc tổn hại do phải… đi đường vòng đi làm đồng.

Theo tính toán, hàng ngày, khoảng 200 hộ dân (tương đương 800 người) phải đi vòng xuống đường bộ ở thôn bên cạnh sẽ xa hơn 2.000m, thời gian đi bộ hết 40 phút; một ngày cả đi lẫn về 4 lần, bị tiêu hao 2h40’ cho tổng quãng đường 8.000m.

Một ngày làm việc 8 tiếng, nay chỉ còn 5 tiếng 20 phút. Theo ngày công lao động ở địa phương, hiện tại, một lao động có thu nhập 150.000/8 giờ; hao phí do phải đi bộ sẽ làm mỗi người giảm thu nhập hơn 49.000 đồng. Mỗi năm, một nông dân bị thiệt hại gần 15 triệu đồng; 800 người sẽ bị thiệt hại gần 12 tỷ; nhân tiếp với 50 năm, con số bị thiệt hại của 800 lao động chính của hai thôn Từ Hồ - Mễ Thượng lên tới… gần 600 tỷ đồng!!!

Lo lắng “thực tế” hơn, ông Đỗ Xuât Tốt, nông dân thôn Từ Hồ buồn rầu bên hầm đường bộ dân sinh đã được thi công ở khu vực thôn Mễ Thượng cho hay: “Hầm này trong hồ sơ ghi là 2.8m, rộng 4 mét nhưng tôi giơ cánh tay lên là đã gần chạm đến… nắp hầm. Nông dân chúng tôi, mùa màng chở thóc lúa, rơm rạ thường hay chất cao vượt đầu người, xe cồng kềnh như thế, một chiếc xe thồ qua hầm còn khó, huống chi hai cái tránh nhau.

Thay cầu vượt bằng… cống chui

Theo thiết kế ban đầu, tại Hồ sơ thiết kế kỹ thuật gói thầu EX-2, dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được VIDIFI phê duyệt năm 2010 thì đường tỉnh 206 và đường tỉnh 199 (cách nhau 480m) sẽ được bố trí 02 cầu vượt.

Tuy nhiên, chính chủ đầu tư VIDIFI sau khi đã phê duyệt phương án của nhà thầu lại thay đổi thiết kế với lý do: với khoảng cách quá gần như trên, việc bố trí hai cầu vượt có quy mô đường cấp III đồng bằng (12m) sẽ gây lãng phí không cần thiết và làm mất mỹ quan cho khu vực nói chung.

Trong nội dung trả lời đơn thư công dân ngày 02/4/2013, VIDIFI cho rằng: trong quá trình triển khai xây dựng gói thầu EX-2 do có nhiều khó khăn trong công tác GPMB giai đoạn II trên phạm vi dọc theo đường tỉnh 199 và có khả năng gây chậm tiến độ nên VIDIFI đã có văn bản số 111119.01/TCT-PMB HNHP ngày 19/11/2011 đề xuất phương án điều chỉnh không xây dựng cầu vượt trên DDT199, bổ sung đoạn đường nối nhập DDT199 vào DDT206 theo quy mô đường cấp III, không bố trí cống chui dân sinh (4,0x2,7m) để đảm bảo giao thông dân sinh.

{keywords}
Cống quá thấp nhỏ không đảm bảo lưu thông cho nông dân.

Ngày 21/5/2012, Sở GTVT tỉnh Hưng Yên có văn bản 853/TLĐ-SGTVT trả lời đơn thư công dân. Văn bản này cũng nhắc đến việc điều chỉnh một số nội dung của dự án có liên quan đến việc kết nối đường địa phương, cụ thể là việc nhập đường DDT199 với đường 206; không bố trí cống chui dân sinh quan đường 199, chỉ làm cầu vượt trên đường ĐT 206.

Tuy nhiên, trước những kiến nghị của các hộ dân xã Yên Phú, chính quyền sở tại đã đề xuất với chủ đầu tư về việc thiết kế cống chui dân sinh tại điểm giao giữa đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường DDT199, vị trí mà lẽ ra sẽ xây cầu vượt theo thiết kế ban đầu.

Tiếp tục, ngày 08/11/2012, Sở GTVT tỉnh Hưng Yên đã có buổi làm việc với UBND huyện Yên Mỹ, UBND xã Yên Phú và chủ đầu tư VIDIFI thống nhất lại phương án điều chỉnh, bỏ cầu vượt tại điểm giao với ĐT199; bổ sung bằng một… cống chui dân sinh.

Chủ đầu tư VIDIFI cho biết, hiện tại VIDIFI đã chỉ đạo tư vấn thiết kế lập xong phương án bổ sung cống chui dân sinh, đang xin ý kiến của Sở GTVT Hưng Yên. Theo phương án thiết kế, cống chui dân sinh ĐT199 có kích thước 4,0x2,0; cao độ đáy +3,25m, được thoát nước ra cống hộp 3x3m.

Tuy nhiên, với hơn 200 hộ dân xã Yên Phú điều này vẫn chưa thỏa mãn. Ông Hoàng Văn Phan, phó thôn Từ Hồ cho biết: “Cống chui này có kích thước 4.0x2.0m chắc chắn không đảm bảo được nhu cầu đi lại, sản xuất của bà con. Về lâu dài, nhu cầu đi lại, sản xuất của bà con về lâu dài sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Theo nhiều người dân, nếu không xây dựng cầu vượt thì cống chui dân sinh phải có kích cỡ tương đương. “Từ 12m xuống còn 4m là một điều rất vô lý , trong khi mặt đường cũ đã có chiều rộng 7m” – ông Nguyễn Văn Giao, thôn Từ Hồ nói.

Thái Bình