- Các đại gia ngân hàng đang trong một giai đoạn 'luân chuyển cán bộ' với nhiều vị trí thay đổi. Tuy nhiên, cũng chỉ có một nhóm nhỏ các 'ông trùm' đổi ghế qua lại giữa các ngân hàng thân cận với nhau.

Đến rồi đi

Đại hội cổ đông 2014 của Eximbank (EIB) thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư không chỉ bởi sự tên tuổi và những đình đám của Eximbank sau vụ thâu tóm Sacombank mà còn liên quan đến sự đi ở của ông Lê Hùng Dũng, tân Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và người đang ở 'chế độ chờ' Phạm Hữu Phú sau khi thôi chức Sacombank.

Trước đại hội, trong giới đầu tư nhiều người đặt câu hỏi, liệu có biến động nhân sự cao cấp khi ông Lê Hùng Dũng đã đến tuổi nghỉ hưu và đã thôi làm đại diện của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại Eximbank. Tuy nhiên, ông Lê Hùng Dũng lại có tên trong danh sách ứng cử mới bởi được 3 cổ đông thể nhân và 1 pháp nhân sở hữu gần 130 triệu cổ phiếu, tương đương 10,4% EIB đề cử.

Ông Dũng tiếp tục là chủ tịch và Eximbank cũng chứng kiến sự trở lại của một gương mặt rất quen thuộc là ông Phạm Hữu Phú ở cương vị là Tổng giám đốc. Trước khi được "biệt phái" sang Sacombank, ông Phú từng có 8 năm công tác tại Eximbank trên cương vị là Phó chủ tịch HĐQT.

{keywords}

Ông Lê Hùng Dũng đã đến tuổi nghỉ hưu và đã thôi làm đại diện của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại Eximbank

Như vậy, EIB vẫn được dẫn dắt bởi những gương mặt kỳ cựu cho dù trong một thời gian ngắn vài tháng qua, NH này đã nhiều lần thay đổi các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Tại Sacombank, sau khi ông Phạm Hữu Phú từ nhiệm sau 2 năm thực thi nhiệm vụ trong bối cảnh NH này thực hiện chuyển giao quyền lực. Một gương mặt rất quen thuộc trong giới NH là ông Kiều Hữu Dũng được bổ nhiệm là chủ tịch Sacombank

Ông Kiều Hữu Dũng là lãnh đạo mới của STB nhưng lại là người cũ bởi ông đã là phó chủ tịch tại NH này từ 2012 và là người có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực NH và từng là lãnh đạo ở NHNN.

{keywords}
Đại gia Trầm Bê

Cách đây hơn 1 năm rưỡi, Sacombank đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi với cả một dàn lãnh đạo bao gồm cựu chủ tịch Đặng Văn Thành, phó chủ tịch Đặng Hồng Anh (con trai ông Thành) ra đi nhưng thay vào đó đều là những gương mặt khá quen thuộc trong giới tài chính đến từ NH Phương Nam như: ông Trầm Bê, ông Trầm Khải Hòa (con ông Trầm Bê), ông Phan Huy Khang và bà Dương Hoàng Quỳnh Như.

Bình mới rượu cũ?

Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến sự thay đổi lớn tại VIB Bank với 2 năm thay 4 TGĐ nhưng chốt lại thời điểm này vẫn là 2 gương mặt quen thuộc, ông Đặng Khắc Vỹ là chủ tịch và ông Hàn Ngọc Vũ (cựu chủ tịch) nay đảm nhiệm vị trí TGĐ.

Cũng trong tuần qua, tại DongABank, người kỳ cựu ông Phạm Văn Bự thôi nhiệm chủ tịch và không tham gia HĐQT, thay vào đó là ông Cao Sỹ Kiêm - một nhân vật quá quen thuộc với giới tài chính. Ông Kiêm gắn với nghiệp NH, từng là thống đốc NHNN và cũng là thành viên HĐQT độc lập tại DAB từ 2012.

{keywords}

Tốc độ thay đổi nhân sự cao cấp ở các NHTM trong khoảng 2 năm qua đứng ở mức cao kỷ lục.

Với ACB, cả dàn lãnh đạo cũ NH này như ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải và Phạm Trung Cang đã bị thay thế sau vụ "bầu Kiên" nhưng lãnh đạo mới không xa lạ với sự trở lại của gia đình nhà ông Trần Mộng Hùng, với bố là thành viên, con trai là Trần Hùng Huy là chủ tịch.

Tại KienLongBank, gần đây chứng kiến sự rút lui ông ông Trần Phát Minh nhưng thay vào đó là tân chủ tịch Võ Quốc Thắng, thường được gọi là bầu Thắng. Còn ở Techcombank, giới đầu tư vẫn thấy những gương mặt khá quen thuộc là ông Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Cảnh Sơn và ứng viên mới Nguyễn Đoàn Hùng, phó chủ tịch UBCK. Ở NamABank là con trai bà Tư Hường, ông Nguyễn Quốc Toàn, thay cho con gái là Nguyễn Thị Xuân Loan ở vị trí chủ tịch.

Có thể thấy, tốc độ thay đổi nhân sự cao cấp ở các NHTM trong khoảng 2 năm qua đứng ở mức cao kỷ lục. Các vị trí được thay đổi nhiều nhất là TGĐ và kể cả chủ tịch HĐQT. Áp lực tái cơ cấu đã khiến các NH phải đưa ra các quyết định thay tướng.

Tuy nhiên, có một điểm chung là hầu hết không có gương mặt nào thực sự mới, chủ yếu vẫn xoay quanh một số doanh nhân hoặc CEO quen thuộc trên thị trường. CEO ở NH này chuyển về làm CEO ở NH khác. Còn ở vị trí chủ tịch, một số ông chủ thực sự đã ra mặt, nắm giữ vị trí này, số khác "thuê" chuyên gia nổi tiếng đứng ở vị trí "ông chủ".

Quá trình tái cấu trúc hệ thống NH đã dẫn tới hàng loạt các sự thay đổi lãnh đạo ở NH. Đây là điều khiến nhiều NĐT tin tưởng vào sự phục hồi của hệ thống. Mặc dù vậy, ở chiều ngược lại, không ít người e ngại, cho rằng, những thay đổi chỉ là về mặt hình thức. Các NH vẫn nằm trong tay một số ít các đại gia. Vẫn những ông chủ đó, thì CEO mới hoặc CEO từ các đơn vị khác hoặc/và CEO phải theo đường hướng của những ông chủ thực sự hoặc/và chủ tịch "làm thuê" thì sự thay đổi của NH xem ra rất khó khăn.

Sự thao túng của bầu Kiên tại NH ACB trong năm 2011 phần nào đã cho thấy điều này. Gần đây, một số báo cáo cho thấy, đầu tư chéo và nợ xấu trong hệ thống NH đã giảm mạnh nhưng có lẽ các báo cáo chỉ phản được một phần thực tế.

Còn quyền lực thực sự của những chiếc ghế nóng tại các NH chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Huấn Tú