Bỗng một trong hai người họ là một đàn ông tuổi trên dưới 50 vụt chỉ tay sang tấm áp phích có in hình tỉ phú Nguyễn Đình Quát, buột miệng nói to giọng lơ lớ: "Thằng cha này bị bùa mà chưa chết hay sao?".

Câu chuyện con gái tỉ phú Quát bị tai nạn giao thông lan nhanh khắp Sài Gòn. Ngay trong thời gian ông Nguyễn Đình Quát bận rộn chuẩn bị cho cuộc vận động tranh cử chức Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên tác giả bài viết này còn nghe được một tin khá ly kỳ liên quan đến ông Quát và lá bùa nào đó tận Tây Nguyên xa xôi nhắm vào ông.

Những "thông tấn xã vỉa hè"

Vào thời đó ở Sài Gòn có những nơi mà dân Sài Gòn quen gọi là "đài phát thanh" không chính thức nhưng luôn được mọi người đón nhận thông tin phát ra từ những nơi ấy. Muốn tìm hiểu tin tức về thời sự chính trị có liên quan tới báo chí nước ngoài, thì hằng ngày có thể tới nhà hàng Continental và quán cà phê đối diện với Continental là nhà hàng Grivral và một nơi nổi tiếng nữa là nhà hàng cà phê La Pagode, (tọa lạc tại góc đường Catinat - d'Espagne, ngày nay đó là góc Đồng Khởi và Lê Thánh Tôn, quận 1).

{keywords}
Giới nhà giàu Sài Gòn thời ấy râm ran về cái chết bi thảm của cô con gái tỉ phú Quát

Tại đây, những nhà báo nổi tiếng của thế giới và Việt Nam hay tụ hội để trao đổi thông tin cũng như phát ra những tin tức mà thời ấy người ta quen gọi là Radio Catinat (ngầm hiểu là đài phát thanh Catinat).

Còn một nơi nữa tuy không bề thế bằng các nơi vừa kể nhưng lại là một địa điểm có thể được gọi là radio đường phố (đó là trước hiên nhà hàng Kim Sơn nằm ở góc De Lattre De Tassignie - Boulevard Bonard (tức góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Lợi ngày nay).

Ở hành lang quán Kim Sơn này thời đó cứ khoảng 2h trưa cho đến 5-6h chiều thì khách ngồi trên những chiếc ghế gỗ có đai dựa, để uống thức uống duy nhất là những ly cà phê đá.

Mặc dầu quán pha không được ngon lắm nhưng các khách trẻ, đặc biệt là thanh niên trí thức và những người có liên quan tới ngành thông tin báo chí nội địa rất thích ngồi để vừa tán gẫu chuyện thời sự vừa ngắm ông đi qua bà đi lại.

Đặc biệt là ngắm những thiếu nữ mặc áo dài mỏng đi bộ qua đường trong buổi đi bát phố Lê Lợi. Một thú vui của con trai Sài Gòn thời ấy, cũng coi đó là niềm vui chung được giới trẻ Sài Gòn thời đó rất mặn mà thích thú.

Bởi vậy một ly cà phê đá được ngồi uống và "ngồi đồng" suốt từ 2h trưa đến 6h chiều mà vẫn coi như chưa đủ thời gian. Hình như con mắt của khách trẻ chủ yếu trăm phần trăm là nam giới, vẫn chưa no với bóng dáng những chiếc áo dài bó sát thân thể các cô thích bát phố, đẹp như những cánh bướm mùa xuân.

Và cũng tại đó vào một buổi chiều mùa hè, tình cờ người viết bài này nghe một tin tức có liên quan tới câu chuyện của nhà tỉ phú Nguyễn Đình Quát, cũng như sự phá sản và cái chết thảm của cô con gái rượu của ông ta.

Vào thời điểm ấy (tức là những tháng đầu năm 1960) Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đang có một chiến dịch vận động tranh cử bầu Tổng thống đầu tiên của chế độ gọi là đệ nhất cộng hòa, giữa Ngô Đình Diệm và các đối thủ chính trị khác của ông ta.

Trong số ba liên danh ra tranh cử vào thời ấy thì ngoài liên danh của Ngô Đình Diệm và đốc phủ Nguyễn Ngọc Thơ ra còn có một liên danh khác gây chú ý cho dư luận, đó là liên danh của nhà tỉ phú Nguyễn Đình Quát.

Vào thời điểm này thì cái tin về sự phá sản của tỉ phú Nguyễn Đình Quát đã nổ ra, đồng thời chuyện cái chết bi thảm của cô con gái ông ấy cũng được mọi người biết tới và bàn tán nhiều.

Bắt "sóng" thông tin quan trọng

Hôm đó tôi và một số bạn bè ngồi ở hàng hiên nhà hàng Kim Sơn, từ phía bên này đường nhìn sang vách tường phía bên kia, tức đối diện cách khoảng mười mét của nhà sách Vĩnh Bảo, thấy có dán la liệt những tờ áp phích lớn để cổ động cho cuộc tranh cử tổng thống. Mà trong số các áp phích này lại vô tình nổi bật lên ảnh của nhà tỉ phú Nguyễn Đình Quát và người đồng sự trong liên danh tranh cử của ông ta.

Nhà tỉ phú Nguyễn Đình Quát khuôn mặt hơi khắc khổ, không giống như bộ mặt no tròn, trán bóng và hói như hầu hết các chính trị gia khác, cho nên đó cũng là một đặc điểm để mọi người nhận ra ngay và phân biệt rõ giữa ông ta và đối thủ nặng ký là đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Cánh nhà báo của chúng tôi đã quá quen thuộc về nhà tỉ phú đang nổi tiếng một thời này cho nên cũng không bàn tán nhiều về chuyện ông ta ra tranh cử Tổng thống nữa mà chỉ kháo với nhau về chuyện những tay vận động tranh cử cho liên danh Nguyễn Đình Quát.

Họ đã khéo léo chọn được mảng tường lý tưởng là hông nhà sách Vĩnh Bảo, nơi những người đi bộ dọc đường Lê Lợi lúc nào cũng đông đảo qua lại và nhìn ngắm.

{keywords}
Tờ áp phích vận động tranh cử tổng thống của tỉ phú Nguyễn Đình Quát

Có người bảo rằng dẫu những tờ áp phích vận động của Nguyễn Đình Quát và liên danh kia thường hay bị nhóm đàn em của đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm lén gỡ đi hoặc là lén chồng hình của "Ngô Tổng thống" lên trên. Tuy nhiên cho đến lúc ấy thì rõ ràng cái ảnh to của tỉ phú Nguyễn Đình Quát vẫn còn rất rõ.

Trong lúc chúng tôi còn đang nhâm nhi ly cà phê thì bất chợt có một nhóm hai người ăn mặc hơi khác thường, đặc biệt nổi bật mỗi khi xuất hiện. Họ là những người dân tộc Thượng mà người Sài Gòn quen gọi là người "Hời".

Đó là những người thiểu số từ vùng núi Tây Nguyên thường hay về Sài Gòn ngồi trên các đường phố có nhiều người qua lại để bày bán nào là nanh heo rừng, những sợi lông đuôi voi dùng làm nhẫn đeo tay và đặc biệt là những loài thảo dược dành làm thuốc trị bệnh.

Theo lời quảng cáo một cách rất ngây ngô và thật thà của những người "Hời" này thì công dụng của những vật họ bày bán là vô cùng tốt.

Dẫu việc buôn bán của họ luôn gây sự tò mò của mọi người dân thành phố và đôi lúc sự mời mọc chèo kéo của họ đối với khách qua lại cũng gây phiền hà cho thị dân nhưng hầu như không một ai phản đối mà luôn dành cho họ những nụ cười thân thiện, dù rằng có mua hàng hay không.

Và điều bất ngờ hôm đó là hai vị khách của núi rừng Tây Nguyên đang ngồi bày những món hàng rừng núi trên lề đường trước mặt nhóm khách đang ngồi hàng hiên Kim Sơn để uống cà phê.

Bỗng một trong hai người họ là một đàn ông tuổi trên dưới 50 vụt chỉ tay sang tấm áp phích có in hình tỉ phú Nguyễn Đình Quát, buột miệng nói to giọng lơ lớ: "Thằng cha này bị bùa mà chưa chết hay sao?".

Câu nói đó khiến nhiều người trong bọn tôi ngạc nhiên. Tôi là người gần ông ta nhất cho nên vội lên tiếng hỏi: "Ủa ông ta bị bùa gì?". Thời đó những thị dân Sài Gòn rất ngại nói chuyện với những người "Hời" như vậy. Bởi có người đồn là nếu không khéo thì khi trao đổi nói chuyện gây mất lòng họ, thì có thể bị thư, bị yếm hoặc là bỏ bùa. Nhưng tôi thì đã quá quen qua những lần đi tác nghiệp trên rừng núi Tây Nguyên cho nên tôi không ngại định hỏi thêm nữa cho rõ.

Tuy nhiên lúc ấy tôi hơi thất vọng, vì sau khi nói câu bí hiểm đó thì hai người "Hời" đang bán hàng đã bị cảnh sát đường phố tới đuổi đi vì chiếm dụng hè phố. Tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ và quyết tâm "canh me" để ngày hôm sau gặp lại họ, quyết truy ra lẽ câu nói bí hiểm kia. Từ đó tôi phát hiện một câu chuyện khá ly kỳ liên quan tới tỉ phú Nguyễn Đình Quát và cái gọi là bùa yểm kia…

"Thằng cha này bị bùa mà chưa chết hay sao?"

Điều bất ngờ hôm đó là hai vị khách của núi rừng Tây Nguyên đang ngồi bày những món hàng rừng núi trên lề đường trước mặt nhóm khách đang ngồi hàng hiên Kim Sơn để uống cà phê. Bỗng một trong hai người họ là một đàn ông tuổi trên dưới 50 vụt chỉ tay sang tấm áp phích có in hình tỉ phú Nguyễn Đình Quát, buột miệng nói to giọng lơ lớ: "Thằng cha này bị bùa mà chưa chết hay sao?".

Theo NĐT