Mỗi đêm ở lò mổ Phùng Khoang (Hà Nội) có khoảng 200 con lợn bị giết, có lúc lên đến 500- 600 con. Nước, phân, máu, lông, da lợn trộn lẫn vào nhau, thành một thứ dung dịch sền sệt, dậy mùi hôi thối và gây ô nhiễm môi trường.
Mặc dù đã được các cơ quan chức năng địa phương lên kế hoạch di dời từ lâu để chuyển mục đích sử dụng khu đất nhưng hiện lò mổ này vẫn ngang nhiên hoạt động gây nhiều bức xúc của người dân.
Thất kinh vào lò mổ
Trong vai người mới mở quán lòng lợn tiết canh, muốn đi tìm mối để lấy hàng, chúng tôi đã đến khu Cầu Trại, Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tìm hiểu. Chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào, chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến hoạt động của lò mổ này. Toàn bộ khâu giết mổ đều được thực hiện dưới mặt đất và hoàn toàn thủ công. Trước khi mổ, lợn được giội qua bằng thứ nước giếng vàng đục.
Những con lợn sau khi chọc tiết, được nhúng qua nước sôi và quẳng xuống sàn xi măng nhớp nháp máu, lông, nước thải. Tiếp đó, lợn được mổ phanh ra, nội tạng vứt tung tóe trên bệ mổ, thu hút "đội quân" ruồi, nhặng. Xô tiết có lẫn cả phân, nước thải thành một màu đỏ nhờ nhờ. Các thợ mổ chân đi ủng, mặc quần dạng túi nilon ra sức giẫm đạp lên những con lợn vừa được phanh thây. Không gian ẩm thấp, mùi nước cống rãnh cộng mùi tanh của máu khiến chúng tôi không khỏi cảm thấy buồn nôn, khó chịu.
Những con lợn sau khi đã được mổ phanh, bắt đầu được chuyển đến các chợ đầu mối. Trước khi được xếp lên xe, những phần thịt này được nhân viên trong lò giội cho xô nước màu vàng khè cho hết máu tươi. Ai cũng bình thản, nhìn những công đoạn này hết sức bình thường. Chủ lò là bà Trần Thị Bích Hồng và một nam thanh niên ngồi bàn giấy luôn tay ghi chép các mẻ lợn được xuất đi cho các tiểu thương buôn bán trong vùng. ở thời điểm chúng tôi có mặt, hầu hết các tiểu thương chở thịt lợn đi bán đều không có vải bạt che đậy.
Bước vào khu vực "hậu" giết mổ, chúng tôi càng "choáng" khi chứng kiến quy trình làm lòng lợn. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là đống lòng phèo, gan, tim bùng nhùng "trộn" lẫn phân lợn được vứt ngay lối đi lại, trên nền nhớp nháp loang lổ. Cạnh đó, một người đàn ông trên tay cầm đoạn lòng già, tuốt phân trực tiếp xuống cống nước thải đen ngòm, xung quanh bốc mùi hôi tanh nồng nặc.
ở phía bên cạnh, một nhân viên khác tay thoăn thoắt cắt lòng rồi cho vào xô nhựa cáu bẩn bên trong chứa thứ nước đen ngòm, lõng bõng gồm cả phân, lông để rửa trước khi các tiểu thương đến lấy. Mỗi thau nước đen ngòm này được dùng đi, dùng lại tới 6 - 8 lần cho tới khi nào nước cạn hết mới đổ đi. Thỉnh thoảng, một số đoạn lòng còn bị người làm ném quá tay, trôi tuột xuống cống phân. Nhưng chẳng có gì áy náy, người này vớt miếng lòng lên, nhúng vào xô nước và đưa tay tuốt tuốt coi như bộ lòng đã sạch?! Những hành động này được các đồ tể thực hiện với thái độ dửng dưng, vô cảm.
Thấy chúng tôi ngơ ngác và hốt hoảng, một người thợ nhìn chúng tôi mỉm cười nói: "Đến đây lấy hàng nhiều, các chị sẽ quen dần thôi. Hàng ngày chúng tôi làm hàng trăm con, không có thời gian làm sạch. Mà lòng làm sạch quá mất hết độ ngon?!". Đang nói chuyện cùng chúng tôi có chị đến mua tiết, anh này vội vàng bỏ bộ lòng toàn phân, chạy ra cầm xô tiết gạn vào can cho khách mà quên tay mình vừa tuốt lòng già đầy phân! Lấy lý do cần tham khảo thêm giá cả, chúng tôi vội bước ra lò mổ mang theo mùi hôi thối ám vào quần áo cùng những cái nhìn đầy nghi ngờ.
Anh N.V.T, một người dân ở khu tập thể Nam Thắng, gần khu lò mổ than thở: "Cứ vào buổi sáng, mùi từ cống rãnh lại bốc lên hôi thối, khiến chúng tôi rất khó chịu, nhất là những ngày nắng oi nồng và khi trời mưa. Cứ đi làm khỏi nhà thì được hít thở không khí trong lành chứ bước chân về đến nhà là cảm giác đau đầu, ớn lạnh khiến chúng tôi chán ngán".
Thiếu lò mổ hiện đại, lò thủ công phải tiếp tục hoạt động?
Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Cường, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Thống Nhất, phường Trung Văn cho biết, lò mổ gia súc Phùng Khoang nằm trên diện tích gần 4.000m2, do HTX Thống Nhất, thuộc phường Trung Văn quản lý, sử dụng, được đầu tư kinh phí là 3,9 tỉ đồng và bắt đầu đưa vào hoạt động từ năm 2003. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, trước đây khu vực này dân cư thưa thớt nhưng hiện nay dân cư tập trung đông, nhiều khu đô thị được xây dựng nên không thể tránh khỏi những bất cập. Ngày 6/1/2012, UBND huyện Từ Liêm (cũ) đã có công văn chỉ đạo di dời khu lò mổ này để tái sử dụng khu đất xây dựng nhà ở tầng thấp. Điều đó có nghĩa là lò mổ này không được phép hoạt động.
"Tuy nhiên, cho đến nay, việc chuyển đổi vẫn chưa được thực hiện bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân quan trọng là hiện chưa có lò mổ hiện đại, nên các lò mổ thủ công như thế này vẫn phải tiếp tục hoạt động để cung cấp nguồn thực phẩm ra thị trường. Trong thời gian tới UBND quận Nam Từ Liêm sẽ lên kế hoạch di dời và tuyên truyền các hộ dân tự giác thực hiện. Nếu không thực hiện chúng tôi sẽ phải tính đến biện pháp là cưỡng chế" - ông Cường nói.
Lý giải về vấn đề người dân bức xúc khi các lò mổ này hoạt động gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ông Trần Quốc Cường cho hay, do nhiều năm hoạt động, lò mổ này sẽ không thể tránh khỏi tình trạng xuống cấp. Tuy nhiên, do đã có chủ trương di dời các khu lò mổ nên HTX không tiếp tục đầu tư nữa. Theo đó, các chủ lò mổ phải tự chịu trách nhiệm và khắc phục vấn đề này.
Trên 80% thịt lợn, thịt gia cầm giết mổ thủ công không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo khảo sát mới đây nhất của Chi cục Thú y TP.Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 2.571 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó có 16 cơ sở giết mổ thủ công tập trung. Các cơ sở này đã cung cấp đến 83% sản phẩm giết mổ thịt lợn và 87% sản phẩm thịt gia cầm cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Đặc biệt hiện nay, TP.Hà Nội nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung, tình trạng giết mổ thủ công, nhỏ lẻ vẫn ngang nhiên hoạt động, lấn át các điểm giết mổ tập trung, hiện đại.
Người giết mổ lợn dễ mắc liên cầu khuẩn lợn Hiện nay, bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân được xác định là do con người giết mổ lợn nhiễm bệnh và ăn các chế phẩm từ lợn bị bệnh. Những người làm công việc giết mổ lợn là một trong những đối tượng dễ nhiễm liên cầu khuẩn lợn nhất. Theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu và điều trị tích cực, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, không chỉ lợn ốm mà ngay lợn lành cũng có một số con có liên cầu khuẩn lưu trú ở vùng hầu họng (lợn lành mang vi trùng) nên nếu ăn các sản phẩm chưa nấu chín thì dù là thịt lợn lành vẫn có thể bị bệnh. Người bệnh bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn có triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết... Nếu bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn không được cấp cứu kịp thời thì chỉ sau hai giờ sẽ chuyển qua giai đoạn nặng với các triệu chứng như truỵ mạch, suy đa tạng (tổn thương tim, phổi, gan, nhiễm trùng máu...), khả năng tử vong rất cao. |
(Theo NĐT)