Đỉa là loài rất dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện trong khi đó tiêu diệt đỉa lại vô cùng khó khăn. Nếu không kiểm soát được, một lượng lớn đỉa tràn ra môi trường tự nhiên thì lúc đó hậu hoạ sẽ không thể tính hết được.

TIN BÀI KHÁC

Câu chuyện buôn bán đỉa sang Trung Quốc kiếm bạc triệu đang khiến dư luận sửng sốt, còn các nhà khoa học, các chuyên gia cảnh báo rằng nếu phong trào này lan rộng, hậu quả sẽ khó lường.

Giới truyền thông Trung Quốc cho hay, thời điểm hiện tại ở nước này đỉa là mặt hàng có lợi nhuận cao nhất. Vào cuối năm 2009, giá đỉa là 280 tệ/kg, song vào đầu tháng 4.2010, người ta phải chi 500 tệ để mua, còn hiện tại giá khoảng 800 tệ/kg.
Nguy cơ dấy lên phong trào nuôi đỉa
Theo tìm hiểu của NTNN hiện nay phía đối tác Trung Quốc liên tục thúc giục các thương lái Việt Nam cung cấp hàng, tuy nhiên theo những thương lái thu mua đỉa như chị Thuỷ (Hải Phòng), chị Thanh (Lào Cai), khó khăn là họ chưa đủ khả năng để có thể thu gom hàng và cung cấp ổn định cho đối tác Trung Quốc với số lượng từ 400-500kg đỉa khô mỗi lần.

Các thương lái Việt Nam đang khẩn trương thiết lập, mở rộng mạng lưới đội ngũ... bắt đỉa. Chị Thủy - thương lái quận Hồng Bàng, Hải Phòng cho biết: “Chúng tôi cũng nghĩ tới phương án nuôi đỉa để lấy nguồn cung cấp thường xuyên. Những vùng vốn có nhiều đỉa sinh sống sẽ được chọn để nhân giống và những người dân bắt đỉa quanh vùng đó sẽ đảm nhiệm việc phát triển vùng nuôi. Tôi nghĩ ý định này cũng rất khả thi”.

Theo một số thương lái, Trung Quốc thu mua đỉa để sử dụng chế biến thuốc.

Khi được hỏi về khả năng nuôi đỉa để cung cấp cho thương lái và đại lý thu mua đỉa, nhiều người dân đăng ký cung cấp đỉa trên mạng đều khẳng định nếu bắt hết đỉa mà chưa đáp ứng được nhu cầu của thương lái thì họ sẽ chuyển sang nuôi đỉa vì đỉa dễ sống dễ nuôi và sinh sản nhanh.

Nông dân Phan Anh Cường ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cho hay: “Ở quê tôi đỉa nhiều vô kể, nếu thương lái thu mua cần số lượng lớn và đảm bảo thu mua dài lâu chắc chúng tôi sẽ tính đến chuyện nuôi đỉa đem bán, mỗi kg đỉa giá 1,5 - 2 triệu đồng, tội gì chúng tôi không làm”.

Đứng trước nguy cơ người dân sẽ ồ ạt tổ chức nuôi đỉa để cung cấp cho Trung Quốc, Hội Động vật học Việt Nam cho rằng: Đỉa là loài rất dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện trong khi đó tiêu diệt đỉa lại vô cùng khó khăn. Hội này cảnh báo, nếu vì thấy lợi trước mắt người dân sẽ thi nhau nuôi đỉa để bán, rồi khi thương lái không thu mua nữa, vậy xử lý như thế nào? Trường hợp xấu, nếu không kiểm soát được, một lượng lớn đỉa tràn ra môi trường tự nhiên thì lúc đó hậu hoạ sẽ không thể tính hết được.

Thực tế, hiện nay nhu cầu thu mua đỉa lớn hơn rất nhiều so với nguồn cung, do đó để cung cấp với số lượng lớn không loại trừ khả năng ng¬ười dân sẽ tổ chức nuôi đỉa.

Viện trưởng Viện Sinh Thái và Tài nguyên sinh vật (Viện KHCN VN) - PGS.TS Lê Xuân Cảnh cho hay: “Người dân hay làm theo phong trào, theo đám đông vì lợi ích kinh tế trước mắt, mà không nghĩ đến hậu quả phía sau. Nếu người dân nuôi đỉa tràn lan không kiểm soát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cân bằng môi trường sinh thái. Muốn tiêu huỷ đỉa cần phải ngâm cồn rồi đốt thì đỉa mới chết hẳn. Còn các phương pháp như chặt chỉ càng khiến loài này sinh sản nhanh hơn”.
Đỉa dùng làm thuốc - con dao 2 lưỡi
Các loại thuốc có thành phần từ đỉa phải được làm rất cẩn thận vì chúng rất nguy hiểm nếu sơ suất, tự ý dùng bừa bãi sẽ gây những tác hại khôn lường.

Nhiều người dân hay những thương lái thu gom đỉa đều không biết hay hiểu lờ mờ về việc đỉa được dùng để làm gì. Họ chỉ cần biết đây là món hàng có thể sinh lợi nhanh.

Theo Hội Đông y Việt Nam, đỉa có tác dụng thông máu, tan vết bầm, sưng, giải máu ứ đọng. Đỉa và các chế phẩm từ đỉa rất tốt cho bệnh khớp, tim mạch, bởi trong tuyến nước bọt của loài hút máu này chứa chất chống viêm sưng, chống đông máu cùng một số chất có khả năng hạn chế triệu chứng viêm khớp. Trong y học hiện đại, đỉa phơi khô được phối chế với nhiều loại thuốc khác để điều trị bệnh tắc nghẽn mạch máu, ứ trệ máu…

Tuy nhiên Lương y Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam) cho rằng: "Các loại thuốc có thành phần từ đỉa phải được làm rất cẩn thận vì chúng rất nguy hiểm nếu sơ suất, tự ý dùng bừa bãi sẽ gây những tác hại khôn lường. Nếu trong quá trình đốt đỉa không kỹ, khi người bệnh uống, tế bào còn sót lại sẽ sinh trưởng và lớn lên thành con đỉa ở trong người bệnh".

PGS-TS Lê Xuân Cảnh cho rằng: “Trong y học hiện đại, đỉa được dùng để hút vết thương chống đông máu, nhưng ở Việt Nam chưa có những nghiên cứu sâu về vấn đề này và chưa ai làm. Còn theo y học cổ truyền thì một số thầy lang có sử dụng thôi”.
(Theo Dân Việt)