World Cup 2014 là dịp “ăn nên làm ra” của các hãng bia. Đây cũng là dịp để “soi” thị phần bia nội trên thị trường…
Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2013, thị trường bia VN đã cán mốc 3 tỷ lít. Tính về giá trị, lượng bia này tương ứng 4,56 tỷ USD. Trong đó, DN nội, mà điển hình là CTCP bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (bia Sài Gòn, bia 333), CTCP bia, rượu, nước giải khát Hà Nội - Habeco (bia Hà Nội) rất thành công khi nỗ lực giành được thị phần lớn, cùng với VBL ( Heineken, Tiger...) và Carlsberg đang chiếm lĩnh thị trường.
Lợi nhuận ấn tượng
Năm qua, bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt và thách thức từ thị trường cho tới chính sách, nhiều hãng bia đã bị thu hẹp thị phần, nhưng lợi nhuận nhìn chung vẫn tiếp tục tăng trưởng. Theo báo cáo tài chính 2013 của Sabeco, đơn vị này sản xuất và tiêu thụ 1,32 tỷ lít bia Sài Gòn các loại. Doanh thu đạt 28.707 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 2.495,4 tỷ đồng; mức chia cổ tức đề xuất cho năm 2013 là 23%.
Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với ngành bia |
Hiện Sabeco giữ thị phần lớn nhất trên thị trường bia VN và nằm trong Top 3 các nhà sản xuất bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Theo ước tính chưa đầy đủ, Sabeco hiện đã đầu tư 24 dự án, trong đó đã có 20 nhà máy đi vào hoạt động với tổng công suất hơn 1,8 tỷ lít bia.
Mặc dù 2014, Sabeco cho biết sẽ phải đối diện với nhiều biến động từ giá cả nguyên liệu, chi phí vận chuyển cho tới thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, tuy nhiên công ty vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ. Theo đó, năm nay, Sabeco dự kiến doanh thu đạt 29.322 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.621 tỷ đồng; mức cổ tức được đề xuất tương đương năm 2013 là 23%. Mục tiêu sản xuất và tiêu thụ năm nay của DN này trên 1,33 tỷ lít bia, tăng 1% so với 2013. Tính riêng 4 tháng đầu năm, Sabeco vừa hoàn thành 30% kế hoạch này.
Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT Sabeco cho hay, năm nay tiếp tục là một năm nhiều khó khăn nhưng công ty sẽ không ngại cạnh tranh với bia ngoại nhập bởi xét về mức giá và chất lượng, sản phẩm của Sabeco có vị thế riêng. Ông Tuất cũng kỳ vọng sản phẩm Saigon Gold sắp ra mắt thị trường sẽ đủ sức cạnh tranh với dòng bia cao cấp khác, thay vì nhường sân chơi cho một vài thương hiệu độc chiếm như hiện nay. Hiện, Sabeco đang đầu tư nâng cấp khá nhiều nhà máy.
Còn tại Habeco - DN bia nội lớn thứ hai, báo cáo tài chính hợp nhất năm của công ty này cho thấy, tổng doanh thu năm 2013 của Habeco đạt 9.033 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2012; lợi nhuận sau thuế 830 tỷ đồng, giảm 15,4 % so với 2012; mức chia cổ tức cho các cổ đông năm 2013 là 16%.
Tuy lợi nhuận 2013 của Habeco giảm, nhưng theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, đây vẫn là con số lợi nhuận ấn tượng trong ngành giữa bối cảnh có khá nhiều khó khăn.
Năm nay, công ty đặt chỉ tiêu tổng sản lượng tiêu thụ bia đạt 503 triệu lít; doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 7.046 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 847 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái; mức chia cổ tức năm 2014 vẫn ở mức 16%. Hiện, tại Habeco cổ đông Nhà nước nắm giữ 81,79% cổ phần, Carlsberg Breweries A/S, công ty TNHH Carlsberg Đông Dương và các cổ đông khác nắm 18,21%.
Không còn là DN nội như 2 đơn vị trên, cuối 2011 Công ty TNHH Bia Huế đã chính thức là DN 100% vốn của Carlsberg (Đan Mạch). Trải qua nhiều biến chuyển, tuy nhiên, 2013 công ty này vẫn đạt kết quả kinh doanh khá tốt. Theo thông tin của Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát, năm 2013, sản lượng sản xuất của Bia Huế đạt 200 triệu lít, doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng và nộp ngân sách tăng 30% so với cùng kỳ năm 2012.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện thị trường Việt có mặt hơn 30 thương hiệu bia trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sức hút với nhà đầu tư cho ngành này chưa dừng lại.
Mới đây, Aneuser-Busch Inbev (AB Inbev) - hãng sản xuất bia lớn nhất thế giới đã đặt chân vào VN. AB Inbev đã được cấp phép đầu tư tại VN và đang bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy với số vốn 50 triệu USD, dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2015. Ngoài sản xuất, AB Inbev cũng sẽ tiến hành nhập khẩu vào VN một số dòng sản phẩm chất lượng cao để thử nghiệm, sau đó tiến tới sản xuất tại chỗ. Đơn vị này đang sở hữu nhiều thương hiệu như Budweiser, Corona, Stella Artois, Beck's và Brahma.
Trong bối cảnh đó, hai DN đứng đầu thị trường rơi vào tình trạng vừa phải lo đối phó nhau vừa phải lên chiến lược cạnh tranh với tất cả các thương hiệu còn lại trên thị trường.
Không có gì ngạc nhiên khi mùa World Cup năm nay, cả Sabeco và Heineken đối đầu trực diện nhau trong các kênh quảng cáo từ truyền hình, báo điện tử tới báo giấy. Cả 2 thương hiệu này đều đổ hàng trăm tỷ đồng cho quảng cáo. Và kết quả của các chương trình này là rất cao.
Trước đây, Heineken đã bày tỏ nguyện vọng muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco. Quá trình đàm phán diễn ra trong im lặng. Người ta chỉ biết kết quả là đến ngày hôm nay, vị trí cổ đông chiến lược tại Sabeco vẫn để trống. Sabeco chọn cách làm đối thủ của Heineken chứ không phải thành "người một nhà".
Chiến lược phù hợp
Đánh giá về tình hình kinh doanh của các công ty bia dẫn đầu, một chuyên gia phân tích cho hay, VN vẫn là thị trường hấp dẫn đối với ngành bia. Lợi nhuận của một số công ty giảm so với mọi năm là vì có những đơn vị giảm thị phần, chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, mức lãi này vẫn khá ấn tượng trong thời buổi kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ giảm.
Vị này cũng cho hay, trong khi các DN lớn ở ngành khác đề ra kế hoạch giảm chỉ tiêu lợi nhuận trong năm nay, nhưng đối với ngành bia dù thách thức lớn vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận, điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường vẫn còn.
Còn ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát VN lại cho rằng, nhìn tổng thể ngành bia vẫn phát triển hơn so với những ngành khác. Tuy nhiên do khủng hoảng chung, tác động của thời tiết ảnh hưởng đến giá nguyên liệu, những năm gần đây ngành bia có dấu hiệu giảm. Không chỉ thách thức về sức tiêu thụ mà dự thảo Nghị định mới về tăng thuế lên 15% khiến không chỉ DN trong nước, mà nước ngoài cũng sẽ gặp khó khăn. Trong tình hình khó khăn chung, 3 tháng đầu năm sức tiêu thụ bia trên thị trường giảm, bước sang quý II lượng tiêu thụ tuy đã tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn so với 2012, 2013.
Ông Việt khuyên các DN nên có chiến lược dài hạn để đối phó với những khó khăn sắp tới. Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý và đổi mới DN, tránh tình trạng đầu tư vào những sản phẩm ít sức hút với thị trường.
Theo DDDN