Để qua mắt cơ quan chức năng, Phước chọn căn nhà không số làm nơi sản xuất, cho ra những loại sữa “cao cấp” đem tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây...

Chiều 27/6, Cơ quan CSĐT (Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, hiện đang tiến hành giám định lô sữa của Công ty TNHH Chế biến Thương mại Thực phẩm Phước Sinh Lộc (trụ sở tại quận Tân Phú, chi nhánh tại Bình Chánh) do Lê Tấn Phước (33 tuổi, quê Vĩnh Long) làm chủ để điều tra, xử lý về các hành vi “Kinh doanh trái phép” và “Lừa dối khách hàng”.

Đột nhập “nhà máy sữa” không số

Rạng sáng 26/6, các trinh sát Đội CSĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM) phối hợp với Công an xã Vĩnh Lộc A đã tiến hành kiểm tra nhà không số (tại ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) phát hiện một lượng lớn sữa bột không rõ nguồn gốc.

Qua đấu tranh điều tra, ông chủ “nhà máy sữa” không số đã khai hành nghề sản xuất, buôn bán sữa bột từ năm 2009. Lê Tấn Phước khai nhận, thành lập Công ty TNHH Chế biến Thương mại Thực phẩm Phước Sinh Lộc và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có trụ sở tại địa chỉ số E8 đường DC17, phường Sơn Kỳ, quận Tân phú, TP.HCM.

Tuy nhiên, để qua mắt được cơ quan chức năng, đến năm 2013, Phước đăng ký mở thêm chi nhánh tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM để hoạt động chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa.

Nhưng thực chất, Phước không sản xuất sữa tại công ty đã đăng ký, mà chọn một căn nhà không số thuộc tổ 7, ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A để làm “nhà máy” sản xuất sữa. Tại những căn nhà không số này, hoạt động sản xuất rất kín kẽ, hầu như không ai phát hiện bên trong đang diễn ra hoạt động sản xuất sữa hộp “cao cấp”. Để tránh bị cơ quan chức năng “dòm ngó”, Phước chỉ thuê đúng một công nhân phụ mình sản xuất sữa.

Công an đã tiến hành khám xét, lập biên bản thu giữ toàn bộ tang vật vi phạm hành chính gồm: 22 bao đường hóa học, 8 bao bột sữa NDC (nguồn gốc Trung Quốc), 19 bao bột nguyên liệu cùng máy trộn sữa, máy ghép mí hộp, máy hàng bịt hộp và máy cắt.

{keywords}
Sữa thành phẩm được gắn nhãn mác và đóng thùng đi tiêu thụ bên ngoài thị trường

Ngoài ra, công an cũng thu giữ một lượng lớn sữa bột đã được sản xuất thành phẩm với gần 1.200 lon và hộp sữa mang các nhãn hiệu Pigo, Gina Milk, Physogrow. Trong đó, có nhiều hộp và lon sữa đã hết hạn sử dụng. Bên cạnh đó còn có lượng lớn nhãn mác gồm 25 kg nhãn sữa hiệu Pigo, 25 kg nhãn Gina Milk và 30 kg nhãn sữa hiệu Gina Milk Canxi.

Nghi ngờ ông chủ công ty trên còn có nhiều địa điểm lưu chứa khác, Công an huyện Bình Chánh đã tiến hành đấu tranh khai thác nên Lê Tấn Phước đã thú nhận thêm một điểm lưu chứa sữa tại căn nhà không số khác (thuộc tổ 15, ấp 6B, xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Qua khám xét tại đây, công an tiếp tục thu giữ thêm gần 645 hộp sữa thành phẩm có in nhãn mác hiệu Pigo, Physogrow, Gina Milk.

Giật mình với quy trình chế biến sữa hộp “cao cấp”

Tại cơ quan công an, Phước cho rằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền cho nhãn hiệu sữa Pigo, còn hai nhãn hiệu Physogrow và Gina Milk đang đăng ký nhưng chưa được công nhận.

Nhưng thực tế, quy trình chế biến sữa hộp “cao cấp” của Phước lại khiến nhiều người giật mình với chỉ một công thức duy nhất cho các loại sữa. Nguyên nhiệu bột dùng để chế biến sữa hộp được Phước mua từ một công ty khác mà trên bao bì không ghi rõ nguồn gốc, máy móc được mua trôi nổi bên ngoài thị trường…

Để sản xuất ra các loại sữa “cao cấp” trên, Phước cho Mato (đường lạt), Dextro (đường ngọt), bột sữa, bột béo từ Công ty P.Đ, sau đó bỏ 2-3 muỗng hương sữa vào máy trộn đều. Sau đó, Phước cho vào lon đóng thành phẩm, dán các nhãn hiệu sữa do tự mình đặt in.

Để bán được số lượng hàng lớn, Phước lên các trang mạng quảng cáo các loại sữa “cao cấp” do công ty mình sản xuất. Sau đó, Phước đem tiêu thụ ở các thị trường TP.HCM, các tỉnh miền Tây và miền Trung.

Tuy Phước sản xuất nhiều loại sữa khác nhau, với nhiều đối tượng như người già, trẻ em, người gầy,… nhưng vẫn sử dụng chung 1 công thức pha trộn giống nhau, thành phần cấu tạo từng loại sữa được công bố trên nhãn bao bì là do Phước nhái lại của các hãng sữa khác trên thị trường.

Theo một điều tra viên thuộc Đội CSĐT về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM), qua kiểm tra ban đầu, các bao nguyên liệu dùng để sản xuất sữa đều từ Trung Quốc. Đặc biệt, trên bao bì có ghi nguồn gốc từ thực vật chứ không phải từ sữa động vật, do đó, có khả năng sữa do Công ty Phước Sinh Lộc sản xuất không có giá trị dinh dưỡng như quảng cáo trên nhãn mác, không loại trừ có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện các loại sữa này đang được cơ quan CSĐT đem đến Trung tâm Kiểm nghiệm Đo lường Chất lượng 3 để tiến hành giám định nhằm xác định thành phần, chất lượng sữa có đúng như công bố trên nhãn hiệu hay không để có hướng xử lý đối với Lê Tấn Phước.

(Theo Tri thức trẻ)