- Lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường, Công ty TNHH SX TM DV XNK Ánh Dương (công ty Ánh Dương) đã đưa vào tròng hầu hết khách sạn tại vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa) bằng những hợp đồng bất lợi. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chính thức vào cuộc điều tra vụ việc.
Những điều khoản trói buộc
Theo tài liệu có được, kể từ năm 2003, hơn 40 chủ khách sạn tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) đã đặt bút ký hợp đồng thuê phòng với công ty Ánh Dương. Điều đặc biệt, các điều khoản trong hợp này đã khống chế các chủ khách sạn dù có thừa phòng vẫn không dám đưa khách vào để sử dụng hết công suất.
Theo đó, khi ký kết với công ty Ánh Dương, chủ các khách sạn phải chấp nhận “nhận booking cho khách Nga và khối CIS (Liên Xô cũ) đến Cam Ranh bằng chuyên cơ qua Ánh Dương - Pegas”. Công ty Ánh Dương còn đưa ra điều khoản bắt buộc các khách sạn không được giới thiệu, không bán và không cho phép những người khác và các đại lý du lịch vào giới thiệu và bán “Optional tour” cho khách của công ty Ánh Dương, việc bán các tour này là do các hướng dẫn viên của công ty đảm nhiệm.
Không chỉ riêng tại Khánh Hòa, việc ký kết hợp đồng thuê phòng của công ty Ánh Dương còn lan ra cả các tỉnh lân cận như Bình Thuận, Ninh Thuận.
Khách Nga đến Việt Nam tăng cao trong những năm gần đây |
Được biết, những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nêu trên của công ty Ánh Dương được thực hiện trong bối cảnh Ánh Dương phối hợp cùng với công ty PGS International (Pegas) - Vương quốc Anh - đang có vị trí thống lĩnh thị trường. Từ đó, Ánh Dương - Pegas thực hiện thoả thuận hạn chế cạnh tranh để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các công ty khác và duy trì lợi ích độc tôn của mình.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình, hiệp hội không ủng hộ việc lợi dụng vị trí thống trị, độc quyền, ép giá trong kinh doanh du lịch. Nếu để điều đó xảy ra, du khách sẽ không có cơ hội hưởng thụ một sản phẩm thật sự tốt, giá cả hợp lý khi mua các sản phẩm của công ty lữ hành độc quyền, thống trị thị trường.
Điều tra chính thức
Theo ông Nguyễn Ngọc Lương, Tổng giám đốc Công ty ABTours, hiện ABTours và các công ty lữ hành khác đang gặp khó khăn trong việc đặt phòng ở khách sạn cho du khách. Mặc dù hệ thống khách sạn tại TP. Nha Trang còn dư đáng kể công suất, nhưng nhiều nơi không thể nhận đơn đặt phòng đã ký hợp đồng với công ty Ánh Dương. Theo ông Lương, điều khoản thoả thuận mà công ty Ánh Dương áp đặt có tác dụng ngăn cản, kìm hãm, không cho các doanh nghiệp như ABTours tham gia phát triển thị trường; xâm phạm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh, của chính các doanh nghiệp khách sạn, của người tiêu dùng và của nhiều doanh nghiệp khác, làm cho thị trường phát triển méo mó và không bền vững.
Trước sự “bành trướng” này, ngày 17/6 vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã ký Quyết định số 29 điều tra chính thức vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại Điều 13, Luật Cạnh tranh đối với công ty Ánh Dương.
Phó tổng giám đốc Công ty luật SMIC - Luật sư Nguyễn Thành Vinh cho hay, hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh trong “Hợp đồng cung cấp phòng” mà công ty Ánh Dương ký với các khách sạn là trái với quy định của Luật cạnh tranh.
Đến thời điểm này, Tổng cục Du lịch Việt Nam vẫn chờ kết luận chính thức từ Cục Quản lý cạnh tranh về kết quả điều tra đối với công ty Ánh Dương. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết, phía tổng cục đã nắm được sự việc sau khi nhận được phản ánh và làm việc với các địa phương. Ông Cường khẳng định, quá trình điều tra nếu xác định ai làm sai pháp luật thì sẽ bị xử lý.
H.S