- Gần hai năm lùi sâu và im lặng sau những biến cố bị đánh bật khỏi ngân hàng do mình dựng lên, có lúc đối mặt với những thông tin điều tra, bắt giam... trùm ngân hàng một thời Đặng Văn Thành đang có những tái xuất thương trường. Trong sự trở lại lần này, ông Thành vẫn giữ được tâm huyết và sự lịch lãm từng có nhưng trong một tâm thế và niềm đam mê khác.

Cùng vợ con làm nông

Tháng 6/2014, Đường Biên Hòa (BHS) - thành viên Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) nơi gia đình ông Đặng Văn Thành trực tiếp và gián tiếp nắm giữ gần 50% cổ phần đã quyết định sáp nhập với Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa (NHS).

Quyết định sáp nhập được Thành Thành Công khẳng định là để tận dụng thế mạnh để cạnh tranh tốt hơn khi đối mặt với thách thức từ hội nhập theo lộ trình AFTA, WTO… Thông qua sáp nhập, BHS sẽ trở thành DN có công suất ép mía lớn nhất trên cả nước với gần 12.000 tấn mía/ngày, vùng nguyên liệu tăng gấp đối lên 23.500ha…

Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà đầu tư (NĐT) nhìn thấy sau động thái này là sự tái xuất của ông Đặng Văn Thành - chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công - trên lĩnh vực vốn là bước khởi nghiệp của đại gia này.

Không chỉ dừng lại với vụ sáp nhập giữa BHS và NHS, cựu chủ tịch Ngân hàng Sacombank Đặng Văn Thành cho biết sắp tới còn tác hợp giữa Mía đường TTC Tây Ninh SBT (trước đây là Bourbon Tây Ninh) với Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC).

{keywords}

Sự tái xuất của ông Đặng Văn Thành trên lĩnh vực vốn là bước khởi nghiệp của đại gia này.

Cùng với quá trình hợp nhất, các DN mía đường mà nhà ông Thành có tỷ lệ sở hữu chi phối, và tại các DN chi phối lẫn nhau, thành viên gia đình ông Đặng Văn Thành liên tục bơm tiền để tăng sở hữu. Gần đây nhất, “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My - ái nữ của ông Thành - Phó chủ tịch TTC đã mua thêm gần 650 nghìn cổ phiếu NHS nâng tỷ lệ nắm giữ của gia đình ông Thành tại DN này lên khoảng 35%.

Ông Thành cũng cho biết, chiến lược của TTC từ nay đến 2020 là nông nghiệp (mía đường) và du lịch. Trên thực tế, mía đường vốn là ngành kinh doanh truyền thống, mang lại quyền lực và lợi nhuận cao cho gia đình ông thông qua hàng loạt các DN mà TTC cũng như các thành viên gia đình ông nắm cổ phần chi phối như BHS, NHS, gián tiếp chi phối như SEC, Phan Giang…

Tuy nhiên, lần trở lại với nông nghiệp lần này mạnh mẽ và sâu sắc hơn nhiều so với trước đây. Ông Thành hiện là chủ tịch TTC, vợ là Huỳnh Bích Ngọc và 2 con là Đặng Hồng Anh và Đặng Huỳnh Ức My là phó chủ tịch.

Họ đang nắm trong tay DN duy nhất sở hữu nhà máy đường luyện công nghệ Nhật Bản (BHS); sở hữu Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công với hàng loạt tên tuổi các chuyên gia trong ngành như GS.TS. Võ Tòng Xuân…; sở hữu hệ thống DN đang dẫn đầu về quy mô sản xuất mía đường, chiếm hơn 20% thị phần cả nước với 1 công ty thương mại, 5 công ty mía đường với 7 nhà máy…

Giấc mộng mới

Những bước đi mới của ông Thành được nhấn mạnh với kỳ vọng mang lại chuyển biến rõ nét cho ngành mía đường Việt Nam hiện còn nhiều bế tắc với năng suất thấp, bị đường Thái Lan cạnh tranh về giá và chất lượng…

{keywords}

Những bước đi mới của ông Thành được nhấn mạnh với kỳ vọng mang lại chuyển biến rõ nét cho ngành mía đường Việt Nam

Ông Thành cũng đang kỳ vọng với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường TTC, tập đoàn sẽ sản xuất ra được giống tốt phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam, thay thế giống nhập từ Thái Lan…

Bên cạnh cây mía, TTC cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất cồn thực phẩm 25 triệu lít/ngày dự kiến đi vào hoạt động năm 2015 và sản xuất điện từ phụ phẩm của mía đường với công suất 100MW… Gần đây, một DN thuộc TTC cũng đã ngoại tiến sang Singapore với việc thành lập công ty con tại trung tâm thương mại của khu vực này.

Sau khoảng 2 năm ở ẩn bởi nhiều biến cố lớn trong năm 2012 gắn liền với vụ thâu tóm Sacombank, gần đây, ông Thành đã xuất hiện trở lại thường xuyên hơn. Ông Thành không còn nói tới ngân hàng, tài chính mà thay vào đó là những câu chuyện, những dự án mía đường và cả những con bò.

Sau bao thăng trầm trên thị trường tài chính, cái đích mà ông Thành cũng như Thành Thành Công nhắm đến là nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, mà cụ thể ở đây là mía đường. TTC muốn thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là đời sống của người nông dân trồng mía.. Trên hết, ông Thành và TTC nhận ra cơ hội mới để có thể phát triển sâu hơn, rộng hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong vài năm gần đây, rất nhiều đại gia trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng… cũng đã mở hướng sang nông nghiệp.

Đó là ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đi nuôi bò, trồng mía, cao su; là bà Thái Hương đầu tư đàn bò sữa “khủng” để sản xuất sữa tươi nguyên chất; Thủ Đức House mở ngành mới là xuất khẩu nông lâm sản; BĐS Phát Đạt thêm lĩnh vực trồng rừng, cao su, gạo, chăn nuôi; An Dương Thảo Điền cũng góp vốn thành lập DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong khi đó liên kết với nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp…

Không chỉ đầu tư trong nước, các đại gia cũng ồ ạt đầu tư ra nước ngoài. Tập đoàn TTC của ông Thành gần đây đầu tư cho nông dân ở Campuchia để phát triển 5.000 ha mía nguyên liệu; HAGL của bầu Đức đầu tư hàng chục nghìn hecta cao su, mía đường ở Lào, Campuchia; Gemadept được cấp tô nhượng kinh tế với diện tích gần 30.000 ha để trông cao su…

Sau khoảng chục năm ồ ạt đầu tư vào thị trường tài chính, chứng khoán và BĐS, rất nhiều NĐT đã thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, thời kỳ bùng nổ của đầu tư tài chính và các loại tài sản dường như đã qua đi. Nhiều người thấy được giá trị của một nền kinh tế dựa trên sản xuất. Nông nghiệp có lẽ là một lựa chọn tốt cho hướng đi mới này.

Huấn Tú