Các hộ gia đình nhận hoá đơn tiền điện tháng 3 và tháng 4/2011 đã không khỏi giật mình khi số tiền phải trả cao hơn nhiều so với tính toán mà các bộ, ngành công bố trước đó.

TIN BÀI KHÁC


Chị Hoà ở xã Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hoá đơn thanh toán tiền điện kỳ 1, từ ngày 15/3 đến ngày 14/4 của gia đình chị là hơn 138.000 đồng cho 101kWh đã sử dụng. Những tháng trước khi giá điện chưa tăng, nhà chị Hòa vẫn sử dụng khoảng chừng ấy số điện và thanh toán 82.000- 95.000 đồng/tháng. Lần này, nhà chị phải trả thêm ít nhất 43.000 đồng so với trước đó.

Nhiều hóa đơn tiền điện với số tiền tăng cao khiến người dân lo lắng. (Ảnh minh họa)

Tương tự, chị B (nhà ở Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, ngày 27/4 vừa qua, chị trả tiền điện gần 600.000 đồng, trong khi những tháng trước chỉ phải trả từ 350.000- 400.000 đồng. Chị B thắc mắc: “Tại sao chúng tôi vẫn sử dụng những thiết bị điện như vậy nhưng tiền điện phải trả lại chênh lên quá nhiều?”.

Qua 2 trường hợp trên, rõ ràng tác động của việc tăng giá điện đối với người dân là tương đối lớn. Nếu so sánh với tính toán ban đầu của Bộ Công Thương về tác động của giá điện sinh hoạt đến người dân, thì càng thấy sự chênh lệch thực tế với ước tính tăng thêm 15,28% là rất lớn.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, mức chênh lệch lớn nhất là các khách hàng tiêu thụ từ 400kWh/tháng sẽ phải trả thêm tiền điện là 52.000 đồng. Như vậy mức tăng thêm 200.000 đồng/tháng trong thực tế của gia đình chị B khiến chị thắc mắc.

Tương tự, theo Bộ Công Thương, với hộ tiêu thụ 100kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 32.000 đồng; hộ tiêu thụ 200kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 39.000 đồng; hộ tiêu thụ 300kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 45.000 đồng. Vậy gia đình chị Hoà đã phải trả mức tiền tăng thêm cho 101kWh gần bằng mức tính toán cho hộ tiêu thụ từ 300 kWh/tháng?

Về việc này, ông Dương Quang Thành- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) giải thích: Tiền điện thanh toán thực tế của người dân tăng cao hơn dự kiến là do mỗi bậc thang đều có mức giá tăng cao hơn.

Bộ Công Thương dự kiến các mức tính trên là tính khách hàng chỉ sử dụng điện trong số giới hạn khoảng 100 số (1 số= 1kWh). Với điện sinh hoạt theo giá mới, hoá đơn điện tăng cao, có thể là do người dân sử dụng nhiều điện hơn, và do tính theo giá bậc thang.

Ông Thành cho rằng, chỉ cần dựa vào số điện người dân sử dụng, cộng trừ nhân chia là ra số tiền cụ thể. Tuỳ hoá đơn sẽ cho ra các mức tiền khác nhau, người dân có thể gửi hoá đơn cho các tổng công ty và công ty điện lực đề nghị kiểm tra lại nếu có nghi ngờ tính toán sai về giá điện.

(Theo Dân Việt)