- Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu cho thấy Việt Nam tiếp tục thăng hạng. Tuy nhiên, các nước cùng khu vực lại có tốc độ cao và thành quả cải cách được ghi nhận lớn hơn Việt Nam nhiều.

Rồng, hổ... tung cánh

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) 2014-2015. Điểm sáng trong báo cáo lần này không phải thuộc về nhóm các nước mới nổi mà thuộc về một góc trong khu vực năng động châu Á - Thái Bình Dương.

Một điểm nổi bật là các nước Đông Nam Á tăng khá ấn tượng với Philippines tăng 7 bậc lên vị trí 52; Thái Lan lên 6 bậc lên vị trí thứ 31; Malaysia tăng 4 bậc lên vị trí 20; Indonesia tăng 4 bậc lên vị trí thứ 34 và Việt Nam tăng 2 bậc lên vị trí 68. Singapore tiếp tục duy trì vị trí thứ á quân trong bảng xếp hạng tổng 144 nước trên toàn thế giới.

Nổi bật nhất có lẽ là Philippines. Đây là nền kinh tế có nhiều sự tiến bộ nhất kể từ năm 2010. Đất nướcliên tục phải đối mặt với siêu bão có thể quét đi hàng chục tỷ USD dường như đã chứng minh cho các nỗ lực của người dân nước này cũng thành quả của Tổng thống Aquino trong cải cách phục vụ phát triển.

{keywords}

Các nước cùng khu vực có tốc độ cao và thành quả cải cách được ghi nhận lớn hơn Việt Nam nhiều.

Thái Lan, trong khi đó, đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị dai dẳng vẫn vững vàng tăng 6 bậc lên vị trí thứ 31 trong bảng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Điều khiến nhiều người giật mình là cuộc khủng hoảng kéo dài mà kết cục là thêm một lần quân đội đảo chính hồi tháng 5 và vẫn đang nắm giữ chính quyền cho đến nay đã không làm nền kinh tế này đảo lộn. Nền kinh tế vẫn vận hành tốt cho dù nhiều khi chính phủ bị tê liệt.

Sức cạnh tranh của Malaysia và Indonesia tăng trưởng ổn định trong khi Singapore đánh bại hầu hết các đối thủ lớn khác để giữ vững vị trí á quân của mình. Singapore tiếp tục chứng tỏ vẫn là một trong những nền kinh tế đầu tàu. Dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và trước đó là huyền thoại Lý Quang Diệu, Singapore đã trở thành mãnh hổ thần kỳ tại châu Á, vượt qua cả Hong kong, Đài Loan và Nam Triều Tiên.

Cũng trong báo cáo ngày 3/9 của WEF, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm ngoái từ 70 lên vị trí thứ 68 trong tổng số 144 nền kinh tế sau khi đã tăng 5 bậc trong năm liền trước và hiện xếp thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Nỗ lực và thách thức của Việt Nam

Xét về thứ hạng, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện trong 2 năm vừa qua. Tuy nhiên, chỉ số GCI của Việt Nam không được cải thiện trong kỳ đánh giá lần này, vẫn là 4,2/7 điểm. Và trong các năm trước đó, Việt Nam đã bị tụt khá nhiều bậc từ vị trí 59/139 năm 2010 xuống 65/142 trong năm 2011, so với vị trí 68/144 hiện nay.

Một điểm đáng lưu tâm là mặc dù nằm trong khu vực năng động châu Á Thái Bình Dương nhưng tính trong 4-5 năm qua, năng lực cạnh tranh của Việt Nam không có cải thiện đáng kể trong bảng xếp hạng chung trên thế giới.

{keywords}

Việt Nam đang quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần phải nỗ lực vượt qua.

Trong khu vực, Việt Nam vẫn đứng trên Lào (92), Campuchia (94), Myanmar (134), Đông Timor (136) và rộng hơn ở châu lục là Nepal (102), Bhutan (103), Bangladesh (109)...

Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh trực tiếp với nhóm các nền kinh tế đứng ngay trên Việt Nam trong khu vực là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines, thì ngày càng có khoảng cách rộng.

Việt Nam ngày càng bị các nước này bỏ xa do tốc độ cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam chậm hơn rất nhiều so với các nền kinh tế cùng khu vực. Chỉ xét trong lần xếp hạng này, Việt Nam tăng được 2 bậc thì Philippines tăng 7 bậc, Thái Lan tăng 6 bậc, Malaysia và Indonesia tăng 4 bậc. Đó là chưa kể đến việc các nước này đã cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh của mình trong nhiều năm trước đó và đang vấp phải những ngưỡng cản nhất định.

Xét kỹ báo cáo của WEF có thể thấy, xếp hạng của Việt Nam năm nay được cải thiện cơ sở hạ tầng, hiệu quả thị trường lao động, môi trường kinh doanh và quy mô thị trường. Ở chiều ngược lại, các tiêu chí như chống tham nhũng, trình độ công nghệ, các yếu tố sáng tạo của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và giáo dục - đào tạo bậc cao ... ở mức rất thấp.

Một điểm cũng được WEF đưa ra là lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Việt Nam vẫn dễ tổn thương (xếp thứ 90). Đây là lĩnh vực mà Việt Nam đã chú trọng giải quyết, nhất là vấn đề tỷ lệ nợ xấu quá cao. Tuy nhiên, đây là việc không thể xử lý một sớm một chiều bởi nguồn lực để giải quyết cho khối nợ khổng lồ được tích tụ từ cả chục năm trước.

Trên thực tế, nguy cơ tiến chậm, mất lợi thế năng lực cạnh tranh so với các nhiều nước trong khu vực đã được nhắc đến khi so sánh năng suất lao động thấp đến đáng ngạc nhiên của Việt Nam so với Singapore, Malaysia... hay khi nói đến hạ tầng yếu kém hay thủ tục hành chính rườm rà. Đó là còn chưa nói tới thu nhập bình quân đầu người thấp chỉ bằng khoảng 20% so mức thu nhập tương ứng với các vị trí xếp hạng mà Việt Nam đang có.

Có thể thấy, Việt Nam đang quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh như những cải thiện về thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... gần đây. Tuy nhiên, những cải cách này vẫn đang trong quá trình thực hiện và kết quả vẫn còn ở phía trước.

Sự tăng tốc của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ vừa qua là đáng khâm phục. Tuy nhiên, phép màu của Việt Nam liệu có tiếp tục hay không có lẽ phụ thuộc nhiều vào những nỗ lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. Đó luôn luôn là thách thức.

Mạnh Hà