- Tháng 10, mùa nước nổi - đặc sản miền Tây. Nhưng, chính vì chung một đặc sản mà các tỉnh vùng sông nước bị mang tiếng là na ná nhau, buộc các tỉnh ĐBSCL phải nỗ lực gầy dựng nét khác biệt để thu hút khách.
Chân chất, nguyên sơ
Đến với vùng đất tận cùng của đất nước, bao gồm các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, háo hức nhất là đoàn khách đi từ phía Bắc. Chỉ mất 2 tiếng bay thẳng Hà Nội - Cần Thơ, đoàn đã đặt chân lên mảnh đất Tây Đô để bắt đầu hành trình khám phá các tỉnh miền Tây, đúng vào mùa nước nổi.
Nếu Cần Thơ - thủ phủ ở miền Tây, nổi tiếng với bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng - một trong 6 chợ nổi đẹp nhất thế giới,... thì Bạc Liêu cuốn hút bằng nghệ thuật đờn ca tài tử với bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng của nghệ sĩ Cao Văn Lầu, dấu tích và những câu chuyện truyền miệng vô tận về độ ăn chơi, hào phóng của công tử Bạc Liêu... Sóc Trăng hấp dẫn khách bằng hàng trăm ngôi chùa cổ, lễ hội Ok Om Bok,... Mảnh đất Cà Mau gây ấn tượng đặc biệt bởi đây là điểm tận cùng phía Nam tổ quốc, với Đài quan sát, Mốc tọa độ quốc gia, Mũi tàu và mô hình du lịch homestay thú vị.
Khách du lịch nước ngoài rất thích khám phá vùng sông nước ĐBSCL. Đây là một đoàn khách đang trên đường đi chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) |
Như thế cũng chưa đủ để hình dung hết về miền Tây, mà cần có thời gian khám phá và trải nghiệm cuộc sống, văn hóa nơi đây.
Chẳng hạn, đi chợ nổi Cái Răng, khách nên chịu khó dậy sớm, khi mặt trời bắt đầu ló đằng Đông, để tận hưởng không khí náo nhiệt, tiếng nói cười, mua bán, trao đổi vang một góc sông... để thấy tự hào và thú vị khi khám phá ra những đặc sản trái cây, rau củ có được nhờ thiên nhiên ưu đãi, để được nếm trái ngon quả lạ đặc trưng nơi đây ngay trên thuyền, mỗi thuyền một thứ...
Đến Cà Mau, hãy thử làm nông dân một ngày ở vùng đất Mũi. Thả lưới, đáy cá, trồng rau,... rồi thưởng thức chính những sản vật bạn vừa bắt được, thư thái giữa chốn xanh mát của sông nước, giữa rừng đước bạt ngàn hay thử ngủ lại đây một đêm, tất cả là trải nghiệm khó quên với bất kỳ du khách nào.
Thêm nữa, đến đây, khách còn được trò chuyện, tiếp xúc với những con người đôn hậu, nhiệt thành. Chị Dương Thị Thu Thủy, công tác ở Tạp chí Travelive, một người Sài Gòn có mười mấy năm từng làm việc ở Cần Thơ, kể rằng, cách đây rất lâu, chị về Sóc Trăng chơi nhà một người bạn, rồi sau đó biệt tăm, không có hỏi thăm gì. Bẵng đi, 25 năm sau quay trở lại, chị vẫn được đón tiếp nồng hậu như người nhà. Chị bảo, mọi người vẫn hồ hởi chào đón, chăm sóc chị như thủa nào. Từ đó, cứ Tết đến chị lại dành ra 2 ngày về đây “ăn vạ”, trước khi đi bao giờ cũng được các má tặng một nồi thịt kho rất ngon, là đặc trưng của miền Tây mà ở Sài Gòn kiếm chẳng ra. Tấm chân tình, sự nồng hậu của người miền Tây khiến chị cảm động, rưng rưng mỗi khi nhắc tới.
Vẫn chưa đủ kéo giữ chân du khách
Thế nhưng, mảnh đất này vẫn chưa thể kéo giữ chân du khách đến khám phá và ở lại nhiều hơn. Đâu là căn nguyên?
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho hay, năm ngoái, ĐBSCL đạt doanh thu 5.200 tỷ đồng từ du lịch, chỉ chiếm 1/5 doanh thu du lịch cả nước.
Du khách thưởng thức đặc sản miền Tây tại một gia đình nông dân làm du lịch ở Cà Mau (ảnh N.H) |
Trong đó, Cần Thơ chỉ kéo nổi 1,1 triệu lượt khách, doanh thu xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Cà Mau còn có mức tăng trưởng khiêm tốn hơn, chỉ 10,7%, còn 9 tháng đầu năm nay đón được 730.000 khách, công suất phòng khách sạn mới đạt 65%. Duy chỉ có Bạc Liêu, nhờ tổ chức sự kiện Liên hoan đờn ca tài tử nhân dịp được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vi vật thể thế giới, 6 tháng đầu năm nay lượng khách đến đây tăng 70%, doanh thu tăng 40%, còn bình quân tăng trưởng du lịch đạt mức 20% (năm 2013). Bản thân lãnh đạo ngành VH-TT&DL các địa phương này cũng thừa nhận họ chưa giữ chân được du khách.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel, cho biết, năm ngoái số lượng khách đến 4 tỉnh ĐBSCL của công ty đạt 23.500 lượt; 10 tháng đầu năm nay con số này là 29.000 lượt khách, có tăng nhưng cũng chiếm 10% trong tổng số khách nội địa của Vietravel. Từ tháng 10 năm nay, nhờ tận dụng được vé giá máy bay giá rẻ khoảng 2,5 triệu đồng khứ hồi Hà Nội - Cần Thơ, công ty đã xây dựng được gói tour giá hợp lý cho khách từ phía Bắc vào.
Ông Lê Thanh Phong cho rằng, điểm yếu nhất của du lịch miền Tây hiện nay là thiếu sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, nổi trội - vấn đề quan trọng nhất, nhưng yếu tố quyết định lại là tài nguyên du lịch đặc thù. Trong khi, ĐBSCL tài nguyên du lịch lại khiêm nhường, yên bình quá nên có vẻ trùng lắp; độc đáo, ấn tượng nhưng chưa nổi trội, đầu tư chưa tương xứng, người làm du lịch chưa thực sự dốc tâm dốc sức...
“Các tỉnh đều có chung đặc thù sông nước, chưa có dấu ấn riêng. Đến mỗi nơi, khách sẽ hỏi tỉnh này có gì đặc biệt không? Có món ăn gì nổi tiếng? Có thể mua gì về làm quà?... Còn các sản phẩm du lịch ở đây trùng lắp nhau nhiều, trùng đến cả món ăn”, chị Dương Thị Thu Thủy nhận xét.
Vấn đề nữa là khâu quảng bá quá yếu. Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM), đánh giá, các địa phương chưa chú trọng quảng bá điểm đến. Vì thế, một số tỉnh chỉ là nơi dùng chân chứ chưa giữ khách ở lại lâu hơn.
“Quan trọng nhất là có tour liên tuyến liên tỉnh mới tăng được sức hấp dẫn, tránh để tình trạng khách đến dự hội nghị hội thảo ở Bạc Liêu (chẳng hạn) rồi về thẳng mà không ghé 1-2 ngày thăm đất mũi Cà Mau”, ông Dũng nói.
Nhiều công ty lữ hành phía Bắc cùng chung nhận xét và cho rằng, nhu cầu khách từ phía Bắc đi các tỉnh ĐBSCL rất ít, ngay cả trong Liên minh nội địa kích cầu du lịch phía Bắc cũng bán trầy trật, chỉ đọng mỗi Phú Quốc. Vì thế, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, nổi bật, quảng bá tốt và liên minh liên kết chặt hơn trong việc tổ chức tour tuyến đang là những điểm yếu của miền Tây, nếu khắc phục được lượng khách sẽ đến đổ về nhiều hơn trong thời gian tới.
Ngọc Hà