- Việc thay đổi vị trí lãnh đạo cao cấp tại các ngân hàng quốc doanh hoặc có nguồn gốc quốc doanh đã diễn ra gần như đồng loạt. Có những nơi diễn ra êm đẹp và tuần tự, cơ những nơi gắn liền với những biến động lớn buộc phải thay thế để tái cơ cấu...

Đồng loạt thay sếp lớn

Ngày 05/12/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2526/QĐ-NHNN về việc cử Người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vietcombank. Đây là bước cuối cùng đánh dấu quá trình chuyển giao nhân sự cao cấp tại Vietcombank.

Theo đó, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank đại diện 40%. Ông Phạm Quang Dũng - Thành viên HĐQT, TGĐ Vietcombank đại diện 30%.

Hồi đầu tháng 11/2014, ông Thành được bổ nhiệm làm chủ tịch nhiệm kỳ 2013-2018 thay cho ông Nguyễn Hòa Bình nghỉ hưu theo chế độ, trong khi ông Dũng - Phó TGĐ, được bổ nhiệm làm TGĐ với thời hạn 5 năm thay cho ông Thành trước đó nắm giữ vị trí này.

{keywords}

Ông Nghiêm Xuân Thành (ảnh trái) - tân Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank

Trước đó, tại Đại hội cổ đông hồi cuối tháng 4/2014, VietinBank (CTG) cũng đã quyết định hàng loạt thay đổi về nhân sự cấp cao.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thắng được bổ nhiệm làm chủ tịch VietinBank thay cho ông Phạm Huy Hùng năm nay bước vào tuổi nghỉ hưu, trong khi Chánh văn phòng NHNN Lê Đức Thọ (từng là Phó TGĐ VietinBank) về làm TGĐ thay cho ông Nguyễn Văn Thắng. Hai thành viên HĐQT cũng không tái cử là bà Đỗ Thị Thủy và bà Nguyễn Thị Bắc.

Trước đó vài ngày, ông Thắng cũng đã được chọn làm đại diện 40% vốn nhà nước thay cho ông Hùng. Ông Thọ đại diện 30% và một người nữa là ông Cát Quang Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, Thành viên HĐQT (kiêm nhiệm) VietinBank đại diện 30%.

Với câu chuyện tái cấu trúc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), trả lời chất vấn các đại biểu quốc hội cuối tháng 9, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định đã thay toàn bộ dàn lãnh đạo cao cấp của ngân hàng này.

Việc thay thế, bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp của Agribank đi kèm với các vụ bắt tạm giam một số nguyên lãnh đạo cao cấp với cáo buộc về những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng tại ngân hàng này.

{keywords}
Ông Trần Bắc Hà - chủ tịch HĐQT BIDV

Như vậy, sau gần hai năm trống vắng khá nhiều vị trị lãnh đạo chủ chốt, Agribank đã có dàn lãnh đạo mới hoàn toàn. Ông Trịnh Ngọc Khánh được bổ nhiệm làm chủ tịch sau nửa năm vị trí này bị bỏ trống. Ông Tiết Văn Thành trở thành Quyền TGĐ Agribank và thành viên HĐTV. Ông Phạm Đức Ấn - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được điều động về Agribank làm Phó chủ tịch HĐTV. Agribank cũng có thêm 2 phó TGĐ mới và nhiều lành đạo cấp vụ của NHNN về làm thành viên HĐTV.

Còn với BIDV, mọi thông tin đang hướng chú ý về đến vai trò của Chủ tịch Trần Bắc Hà. Bên cạnh đó đề án tái cấu trúc NH này cũng sắp được phê duyệt.

Sẽ có chuyển biến lớn?

Có thể thấy, chỉ trong năm 2014, giới tài chính đã chứng kiến 3 trong số 5 ngân hàng quốc doanh hoặc có nguồn gốc quốc doanh có sự thay đổi lớn trong dàn lãnh đạo cao cấp. Trong báo cáo giải trình quốc hội gần đây, NHNN cho biết đang hoàn thiện để phê duyệt đề án tái cấu trúc của 2 NH lớn còn lại là BIDV và Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long.

Một điểm chung trong những thay đổi về dàn nhân sự cấp cao thời gian vừa qua là các lãnh đạo được thay thế đều đến hoặc xấp xỉ ngưỡng tuổi nghỉ hưu. Dàn lãnh đạo thay thế đều rất trẻ, có tuổi đời chỉ hơn 40 và từng có kinh nghiệm làm việc tại chính các NH đó hoặc được điều chuyển từ trên NHNN xuống, cũng như từ các NH có quy mô tương ứng về.

{keywords}
Ông Phạm Huy Hùng - VietinBank cũng đến tuổi nghỉ hưu

Làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp tại các “ông lớn” NH cũng diễn ra trong bối cảnh NHNN đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc hệ thống NH. Riêng trường hợp Agribank, Thống đốc NHNN nói trước quốc hội cho biết đề án tái cơ cấu lại Agribank thậm chí còn được tách ra làm 8 đề án nhỏ để thuận lợi hơn khi triển khai.

Hàng loạt các động thái cơ cấu đang được kỳ vọng đem lại triển vọng tích cực cho các “ông lớn” NH. Kết quả ban đầu cho thấy, Agribank đã có tín hiệu tăng trưởng tín dụng tích cực. Trong khi đó, Vietcombank chứng kiến tài sản tăng vọt, còn VietinBank khá tích cực xử lý nợ xấu để đảm bảo duy trì dưới 3%.

Gần đây, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings vừa nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn của Vietinbank và Agribank lên B+. Theo đó, xếp hạng mới phản ánh niềm tin của tổ chức này về khả năng hỗ trợ của Chính phủ cho các NH có quy mô và mạng lưới lớn nhất Việt Nam này.

Trên thực tế, quá trình tái cấu trúc hệ thống NH đã được triển khai trong khoảng 3 năm qua với gần 10 NHTM yếu kém đã được tập trung sắp xếp. Đây là một trong 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế nhưng được quan tâm nhiều nhất. Tái cơ cấu hệ thống NH được chính các đại biểu quốc hội gần đây đánh giá là điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế.

Mới đây, với các chính sách kiểm soát dòng vốn tín dụng (như Thông tư 36)... đang nhóm lên hy vọng về một bước tiến mới trong quá trình tái cơ cấu hệ thống NH. Vấn đề cốt lõi trong tái cơ cấu nền kinh tế là giải phóng được năng lượng trong các DNNN và khu vực NH. Lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm khiến cho dòng vốn lệch lạc, không đi đúng vào các thế mạnh của nền kinh tế, không phát huy hết tiềm năng của nền kinh tế.

Mạnh Hà