Bộ GTVT đã quyết định hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty cổ phần Hàng không Mê Kông (Air Mekong) kể từ ngày 6/1 vừa qua. Lịch sử hàng không Việt Nam cũng ghi nhận những số phận đoản mệnh như “Sếu đầu đỏ”.
Nghị định số 30/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, một hãng hàng không bị hủy bỏ Giấy phép KDVCHK, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại nếu ngừng khai thác vận chuyển hàng không, dịch vụ hàng không chung 12 tháng liên tục. Ngoài ra, nếu không duy trì đủ vốn tối thiểu trong thời gian 3 năm liên tục thì cũng bị hủy bỏ giấy phép kinh doanh.
Indochina Airlines của nhạc sĩ Hà Dũng
Theo lãnh đạo Cục Hàng không VN, Indochina Airlines là hãng hàng không tư nhân được cấp phép thành lập vào ngày 30/5/2008. Ngày 25/11/2008, Indochina Airlines đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, lượng khách sụt giảm, Indochina Airlines đã phải cắt giảm một nửa số máy bay và tần suất bay cũng giảm xuống chỉ còn 2 chuyến/tuần. Đến giữa năm 2009, hãng này chỉ còn khai thác đường bay duy nhất là TP HCM và Hà Nội với một chiếc máy bay.
Ngày 31/10/2009, Indochina Airlines đã ngừng mọi hoạt động xúc tiến thương mại và trả lại cho đối tác chiếc máy bay thuê cuối cùng.
Indochina Airlines của nhạc sỹ Hà Dũng không đạt đủ vốn pháp định 200 tỷ đồng |
Như vậy, sự tồn tại của Indochina Airlines từ cuối năm 2009 đến nay chỉ là trên danh nghĩa. Trước khi mất giấy phép, Indochina Airlines đã bị thu hồi quyền vận chuyển, quyền khai thác bay. Thậm chí, quy định tối thiểu đối với một hãng hàng không về vốn pháp định (200 tỷ đồng), Indochina Airlines cũng chưa đáp ứng đủ.
Vào thời điểm năm 2011, Indochina Airlines nợ các đối tác khoảng 60 tỷ đồng. Trong đó, tiền nợ xăng dầu là 25 tỷ đồng, bao gồm cả nợ gốc lẫn lãi quá hạn. Ngoài ra, có ít nhất 35 đại lý bán vé máy bay ở Hà Nội cũng có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng phản ánh chuyện Indochina Airlines còn nợ họ gần 800 triệu đồng tiền xuất vé.
Tòa án Nhân dân TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi nợ 1,3 triệu USD (gồm cả gốc 1,19 triệu USD và lãi tính đến ngày 27/7/2011), mà Hãng hàng không Đông Dương còn nợ Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB). Theo đó, nhạc sỹ Hà Dũng, ông chủ của hãng này phải trả nợ cho ACB.
Tháng 12/2011, ông Đinh Việt Thắng - Cục phó Cục Hàng không cho biết: “Indochina Airlines bị thua lỗ nặng và đã ngừng bay từ lâu. Dù Cục Hàng không đã để cánh cửa mở cho Indochina Airlines, nhưng đã qua 12 tháng hãng vẫn không có tín hiệu khẳng định đủ năng lực bay trở lại, cũng không có phản hồi tích cực nên cơ quan quản lý Nhà nước buộc phải rút giấy phép theo quy định của pháp luật”.
Hàng không Trãi Thiên – Chưa bay đã khai tử
Cùng chịu chung số phận với Indochina Airlines, Trai Thien Air Cargo - hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam chuyên vận chuyển hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện nội địa và quốc tế, trọng tâm là thị trường nội địa Bắc Nam và thị trường Đông Nam Á, thị trường Đông Bắc Á; được thành lập ngày 11/6/2008 theo giấy phép kinh doanh số 4103010581 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, với số vốn đăng ký 500 tỷ đồng Việt Nam.
Hàng không Trãi Thiên thậm chí chưa có chuyến bay nào cất cánh |
Theo hồ sơ thành lập, Trai Thien Air Cargo khai thác loại tàu bay Boeing 737-300 Freighter được chuyển đổi từ tàu bay chở khách sang chở hàng do các cơ sở kỹ thuật sản xuất tàu bay của Boeing phê chuẩn. Khoang chứa hàng chính được thiết kế rất thuận tiện cho việc sử dụng Pallet và Container. Tuy nhiên, từ ngày được cấp giấy phép đến nay, hãng này chưa có động tĩnh gì về việc sẽ cất cánh.
Theo ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Vận tải hàng không (Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam) việc hủy giấy phép kinh doanh của hãng hàng không này là sự tất yếu bởi các văn bản của Cục yêu cầu 2 hãng hàng không này báo cáo về tình hình hoạt động đều không được hồi đáp.
Trước khi có quyết định khai tử, Cục Hàng không đã rất tạo điều kiện để hãng có được những thuận lợi khi tham gia vận chuyển nội địa, nhưng hãng này không có dấu hiệu có thể bay, theo quy định, trong 12 tháng hãng không cất cánh nên buộc phải rút phép. Trai Thien Air cũng vướng vào những vấn đề về nợ nần khi bị nhân viên khiếu kiện.
“Sếu đầu đỏ” của "ông chủ đầm tôm thích bay"
Với Air Mekong, hãng này được Bộ GTVT cấp giấy phép KDVCHK ngày 30/10/2008. Đến tháng 10/2010 Air Mekong tổ chức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên, sau 2 năm hoạt động hãng đã mở 8 đường bay, nối các điểm như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Hải Phòng và Vinh.
Air Mekong chính thức bị rút giấy phép hoạt động từ 6/1/2015 |
Air Mekong xin tạm ngừng khai thác từ ngày 1/3/2013 với lý do là tái cơ cấu đội tàu bay. Tuy nhiên, sau 1 tháng xin tạm ngừng bay, Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) của Air Mekong hết hiệu lực. Sau hơn 1 năm tạm ngừng bay, Air Mekong vẫn không có bất cứ động thái nào về kế hoạch sẽ bay trở lại và không đủ các điều kiện để duy trì giấy phép KDVCHK theo quy định
Cục Hàng không cho biết đã chủ động liên lạc nhiều lần với người đại diện pháp luật của Air Mekong là ông Đoàn Quốc Việt để yêu cầu thực hiện báo cáo cũng như thu xếp gặp gỡ nhằm làm rõ việc chuẩn bị khai thác trở lại nhưng việc liên lạc đều không thành công.
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không, cho biết qua các động thái trên, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam tạo điều kiện tối đa cho Air Mekong nhưng trong thời gian qua, Air Mekong không có động thái nào cho thấy có sự chuẩn bị, kế hoạch khai thác vào năm 2015.
(Theo ANTT.VN)