- Trong 3 năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xử lý xong tới 37.000 tỷ đồng lỗ, chiếm 97% tổng lỗ. Tuy nhiên, lỗ cũ chưa dứt thì nay EVN lại tiếp tục lồi thêm khoản lỗ khủng chưa biết khi nào mới cân bằng được.

Vẫn luẩn quẩn lỗ hoàn lỗ

Ba năm gần đây, nhờ "trời", kết quả kinh doanh điện của EVN đã sáng sửa trở lại. Nếu xét theo từng năm, kể từ năm 2012, trung bình mỗi năm Tập đoàn này cũng đã lãi hơn 4.500 tỷ đồng.

Thế nhưng, tại hội nghị tổng kết hôm 13/1, Tổng Giám đốc EVN, ông Phạm Lê Thanh đã giãi bày, lỗ, cân bằng tài chính là một trong ba thách thức lớn nhất hiện nay của EVN.

Quyết định 854 của Thủ tướng đã đề rõ đến 2015, EVN về cơ bản phải giải quyết xong khoản lỗ, cân bằng tài chính. Nhưng với tình hình hiện nay, EVN sẽ không có nguồn nào để cân bằng được.

Ông Thanh cho biết, hiện, khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện do bị hạn hán giai đoạn năm 2009-2010 khoảng 12.000 tỷ đồng đến nay đã được EVN giải quyết xong. Khoản lỗ 26.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá cũng đã được EVN hiện chỉ còn 8.800 tỷ lỗ.

{keywords}

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xử lý xong tới 37.000 tỷ đồng lỗ, chiếm 97% tổng lỗ

Tuy nhiên, EVN lại đang gánh thêm nhiều khoản lỗ phát sinh khác không thể không kể đến như lỗ từ giá than tăng, từ thuế tài nguyên nước tăng từ 2 lên 4%, tăng phí môi trường rừng, tốn kém chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn.... Tổng số lỗ này phụ trội thêm khoảng 8.000 tỷ đồng.

Ông Thanh khẳng định, hiện tổng cộng lỗ của EVN đã lên tới 16.800 tỷ đồng, vẫn chưa có nguồn cân đối được.

Cuối năm 2014, EVN đã đề xuất các phương án điều chỉnh giá điện bán lẻ, với mức tăng 9,5%. Tuy nhiên, cho đến nay, các kế hoạch cụ thể này vẫn được Bộ Công Thương giữ kín. Gần đây nhất, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN chỉ "hứa", giá điện sẽ không tăng trước Tết.

Công nghệ ăn "điện", mình EVN không gánh được

Trong bối cảnh lỗ đó, Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh trăn trở về tình trạng sử dụng điện vẫn không hiệu quả. Ông Thanh cho hay, dự kiến đầu năm sản lượng điện tăng khoảng trên 10%, nhưng kết quả cuối năm thì riêng điện thương phẩm đã tăng trên 11,45%, trong đó riêng điện thương phẩm nội địa (tiêu dùng trong nước) tăng 12,3%.

{keywords}

Vấn đề tổn thất điện năng cũng đang là một thách thức lớn của EVN trong nhiều năm nay.

"Tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (tổng sơ đồ 7) yêu cầu tới 2015 đưa hệ số đàn hồi điện năng về con số 1,5% điện "ra" 1% GDP, nhưng đến ngày hôm nay 12,3% sản lượng điện mới tăng được 5,98% GDP, nghĩa là đến nay vẫn 2% điện mới ra 1% GDP", ông Thanh chia sẻ.

Theo phân tích của ông, trong cơ cấu điện cung cấp cho nền kinh tế thì 53,9% (năm 2013 là 52%) sản lượng điện đi vào công nghiệp, xây dựng và chỉ làm ra 38% GDP - điện sử dụng cho công nghiệp cao.

Trong khi đó, chỉ 4,9% sản lượng điện trong thương mại dịch vụ làm ra 49,5% GDP và 1,5% sản lượng điện còn lại làm ra 18%GDP cho nông lâm thủy sản...

Tổng Giám đốc EVN giãi bày, chúng ta mới tiết kiệm được trong dân cư còn trong sản xuất công nghiệp vẫn chưa đạt được dù năm nào cũng hô hào tiết kiệm được. Ví dụ, Tổng công ty Điện lực miền Nam có tới 63% sản lượng điện vào đi vào công nghiệp, xây dựng nhưng hiệu quả GDP làm ra thấp. Tới đây, kiểm toán năng lượng thì phải tính tới thay đổi công nghệ như thế nào cho phù hợp.

"Như vậy, cơ cấu sử dụng điện ở Việt Nam còn lãng phí. Các ngành công nghiệp còn sử dụng công nghệ "bẩn", như xi măng vẫn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, "ăn" rất nhiều điện", ông Thanh đúc kết.

Không chỉ vậy, vấn đề tổn thất điện năng cũng đang là một thách thức lớn của EVN trong nhiều năm nay.

Mặc dù hệ thống điện của Việt Nam hiện nay đã có quy mô lớn, đủ điện về tổng thể, với 30% công suất dành cho dự phòng. Nhưng việc phân bổ nguồn điện lại không cân đối giữa các khu vực. Phần nguồn vẫn chủ yếu "nằm" ở miền Bắc. Đó là lý do mà EVN đã dự báo tới năm 2017, miền Nam sẽ thiếu điện. Để khắc phục, EVN truyền tải điện từ Bắc vào Trung - Nam để đảm bảo cung ứng điện. Và mặt trái của việc truyền tải này là hiện tượng quá tải hệ thống.

Tập đoàn EVN đã giao chỉ tiêu về cho các Tổng công ty phân phối điện là 6%, Tổng công ty truyền tải là 2% nhưng với tình trạng quá tải trên, việc giảm tỷ lệ tổn thất điện năng về 8% theo yêu cầu của Thủ tướng là không hề dễ, ông Thanh nhấn mạnh.

Tổng giám đốc EVN thừa nhận, EVN chưa làm được nhiệm vụ Chính phủ giao là làm sao giảm tổn thất điện năng, sử dụng công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng. Song rõ ràng, một mình EVN không làm được.

Công suất lắp đặt trên hệ thống điện đã đạt trên 30 ngàn MW. Hệ thống điện lực của Việt Nam đã đứng thứ 31 trên thế giới, thứ 3 ở Đông Nam Á, nhưng nhưng tiêu thụ điện vẫn chưa hiệu quả, lãng phí.

Trước đó, Hiệp hội năng lượng Việt Nam đã từng kiến nghị, EVN nên tập trung cho nhiệm vụ này vì giảm 1% tỷ lệ tổn thất điện năng, ngành điện sẽ tiết kiệm được cả ngàn tỷ đồng, qua đó, sẽ giảm sức ép tăng giá điện.

Phạm Huyền