- Việt Nam đang bắt đầu làn sóng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) lần thứ 2 với kỳ vọng tổng giá trị các thương vụ sẽ vượt qua con số 5 tỷ USD.
Chia sẻ tại cuộc họp báo tổ chức Diễn đàn Mua bán - sáp nhập doanh nghiệp 2015 (diễn ra ngày 6/8 tại TP.HCM ) ông Đặng Xuân Minh, Giám đốc công ty AVM - đại diện Ban tổ chức cho biết thông tin trên.
Theo nghiên cứu của AVM, năm 2014, hoạt động M&A tại Việt Nam đã sôi động trở lại với mức tăng trưởng 15%, sau 2 năm chìm lắng. Tổng giá trị các thương vụ ước đạt 4,2 tỷ USD. Từ năm 2014-2018, AVM tin rằng sẽ là làn sóng M&A mạnh thứ hai với quy mô các giao dịch có thể vượt qua 5 tỷ USD, cao hơn mức đỉnh 5 tỷ của năm 2012.
Trung bình, giá trị một thương vụ hiện nay khoảng 11 triệu USD, tăng hơn so với cách đây 3 năm chỉ ở mức trung bình 5-8 triệu USD. Năm 2014 cũng chứng kiến các thương vụ lớn đều có vốn đóng góp của nước ngoài. Bởi lẽ, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về vốn và mục tiêu của họ thường là các công ty có quy mô tương đối lớn, từ 20-100 triệu USD vốn.
Xếp theo các ngành kinh tế, ngành bán lẻ dẫn đầu với số lượng các thương vụ nhiều nhất, chiếm 36% tổng giá trị toàn bộ các giao dịch trong năm. Điển hình là thương vụ Vingroup mua lại Ocean Mart, khai sinh thương hiệu mới VinMart, hoặc kế hoạch mua Metro của Tập đoàn Thái Lan BJC. Gần đây là vụ Aeon của Nhật Bản mua vốn của Citimart và Fivimart.
Lĩnh vực hàng công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xếp thứ 2 với tỷ trọng là 21% tổng giá trị các thương vụ. Trong đó, điển hình nhất là vụ Kinh Đô bán hơn 80% mảng sản xuất bánh kẹo cho Tập đoàn thực phẩm của Mỹ là Mondelez, giá trị 370 triệu USD theo công bố. Ngoài ra, còn có công ty Sữa quốc tế IDP bán cổ phần chi phối cho Quỹ đầu tư VinaCapital,...
Theo đánh giá của AVM, năm 2014 có dấu ấn lớn ở làn sóng vốn từ Thái Lan, trong khi trước đó là vốn từ Nhật Bản.
Đánh giá về năm 2015, AVM cho rằng sẽ có tiềm năng bùng nổ, tạo dấu ấn cho làn sóng M&A thứ hai ở Việt Nam và kéo dài đến năm 2018. Tín hiệu rõ nét nhất là ở ngành ngân hàng với 6-7 vụ M&A theo dự kiến của NHNN, giảm 50% số các ngân hàng thương mại trong 3 năm tới. Gần đây nhất, các vụ M&A gây chú ý là Vietinbank và PGbank, Sacombank và Southern Bank, BIDV và MHB,...
Theo ban tổ chức Diễn đàn, thị trường M&A tại Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến thành lập trong năm nay và ký nhiều hiệp định FTA trong năm nay, cùng với kế hoạch cổ phần hoá các DNNN sẽ tạo sự hấp dẫn lớn cho các nhà đầu tư. Trong kế hoạch này, việc cổ phần hoá 22 Tập đoàn lớn như thuốc lá, cà phê, cao su, giấy, xi măng,... chính là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh tham gia.
Phạm Huyền