- Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 2318/QĐ-BGTVT công bố Danh mục Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn I áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Nếu kế hoạch này thực thi, chỉ bớt một lần dừng xe đã giúp tiết kiệm cả ngàn tỷ đồng.

Công nghệ hiện đại

Ngày nay, giao thông thông minh không còn là khái niệm xa lạ trên thế giới. Với việc ứng dụng các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin, việc vận hành, quản lý hoạt động giao thông vận tải nói chung đã đạt đến trình độ phát triển mới. Trong bối cảnh đó, kế hoạch trên đây của Bộ Giao thông Vận tải có thể sẽ tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong việc “công nghệ hóa” hoạt động quản lý, vận hành giao thông ở Việt Nam.

Tháng 3 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành thành công Lễ kiểm thử công nghệ thu phí không dừng (ETC) kết hợp kiểm soát tải trọng xe tại Trạm thu phí Km 604+700 Quốc lộ 1 thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng tờ trình Chính phủ ký ban hành Quyết định về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng, qua đó hình thành khuôn khổ pháp lý để có thể áp dụng thu phí tự động không dừng trên toàn quốc.

Hiện nay, trên các quốc lộ, hầu hết đều áp dụng công nghệ thu phí một dừng. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, công nghệ này cần phải huy động một lượng lớn nhân lực thực hiện các công việc, trong khi hiệu quả lại không cao. Chính vì vậy, lựa chọn công nghệ thu phí không dừng để tiếp cận công nghệ tốt nhất hiện có, khắc phục các tồn tại nêu trên.

“Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng công nghệ hiện đại này và Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tổ chức nghiên cứu, tham khảo, so sánh với nhiều công nghệ khác nhau để đưa ra thống nhất lựa chọn công nghệ thu phí RFID của Mỹ. Đây là công nghệ hiện đại nhất và đang được áp dụng rất thành công ở Đài Loan”, ông Trường cho biết.

{keywords}

Thu phí tự động không dừng được thí điểm tại 3 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh


Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện từ 2-3 phút, tăng thời gian lưu thông từ 4-5% và tiêu tốn thêm 7-8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc.

Tuy nhiên, nếu thu phí không dừng sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm…

Ngoài ra, thu phí tự động không dừng còn tăng tính minh bạch trong quản lý, giảm ô nhiễm môi trường, hao mòn phương tiện, giảm thanh toán bằng tiền mặt, cung cấp thông tin cho công tác quy hoạch, quản lý nhà nước…

Mở rộng trên toàn quốc

Theo Dự thảo Tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải, về nguyên tắc chuyển đổi sang việc thu phí từ bằng tay sang hình thức tự động không dừng phải bảo đảm không làm tăng mức phí sử dụng đường bộ mà chủ phương tiện phải trả, bảo đảm quyền thụ hưởng phí của các chủ đầu tư và hỗ trợ việc quản lý nhà nước về giao thông.

{keywords}

Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây dựng một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm thu phí tự động không dừng áp dụng cho tất cả các dự án đang và sẽ triển khai.

Bộ dự kiến sẽ lựa chọn mô hình thu phí tự động không dừng chung, thống nhất cho tất cả các phương tiện giao thông thuộc diện chịu phí và các trạm thu phí trên toàn quốc.

Việc điều hành, quản lý tài khoản và thu phí sẽ được tiến hành chung thông qua một hệ thống điều hành và cơ sở dữ liệu trung tâm. Về lộ trình thực hiện, sẽ không quy định thời hạn cuối cùng chủ phương tiện phải thực hiện gắn thiết bị, theo đó việc gắn thiết bị sẽ kéo dài ít nhất 30 tháng theo định kỳ đăng kiểm. Trong thời gian này, vẫn duy trì hình thức thu phí bằng tiền mặt.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga -Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông Vận tải - cho biết, Bộ sẽ soạn thảo một lộ trình thích hợp để triển khai và trước mắt sẽ vẫn duy trì song song hai hình thức thu phí thủ công và tự động. Theo bà Nga, sở dĩ vẫn duy trì song song hai hình thức thu phí là nhằm chuyển đổi một cách dần dần để các đơn vị chuyển đổi công nghệ và để cho người lái xe tiếp cận dần với công nghệ mới.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ xây dựng một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm thu phí tự động không dừng áp dụng cho tất cả các dự án đang và sẽ triển khai. Đối với các dự án đã được ký kết, chủ đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải tiến hành đàm phán điều chỉnh hợp đồng dự án tương ứng với việc thay đổi thiết kế, cải tạo và vận hành trạm thu phí tự động không dừng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến đồng ý về chủ trương đối với việc đầu tư dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe tự động trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng đối với quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên theo hình thức xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO).

Bên cạnh hệ thống thu phí không dừng, Bộ Giao thông Vận tải cũng nghiên cứu áp dụng công nghệ cân xe tự động cảm biến thạch anh thay thế cho hệ thống cân tĩnh đang được sử dụng hiện nay. Công nghệ này được đánh giá phù hợp với nhiều loại hình thái thời tiết, tốc độ xe có thể dao động từ 1-230km/h, độ chính xác lên tới 98%.

Khi xe đi qua hệ thống cân tự động này, thông tin về tải trọng phương tiện quá tải sẽ được hiển thị ngay trên bảng điện tử đặt bên lề đường. Tất cả hình ảnh, thông tin, dữ liệu chi tiết về tải trọng mọi phương tiện đi qua trạm cân đều được chuyển về lưu trữ tại trung tâm dữ liệu và kết quả cân xe sẽ được sử dụng để xử phạt các phương tiện vi phạm tải trọng. Trong tương lai, hệ thống thu phí và kiểm soát tải trọng sẽ hoạt động song hành sẽ tạo ra chuyển biến mới trên các tuyến quốc lộ Việt Nam.

Minh Phương